Góp ý của ĐBQH Lê Văn Lai – Quảng Nam đối với dự thảo Luật đất đai sửa đổi

Thứ Sáu 15:57 21-12-2012


Kính thưa Quốc hội,

Công bằng mà nói Luật đất đai năm 2003 đã phát huy tác dụng rất tích cực trong cuộc sống nhiều năm qua, nó hạn chế, giải quyết được nhiều mắc mớ trước đó và đã góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội có bước đáng kể, nhiều vấn đề chúng ta phải công bằng thừa nhận, nhưng đồng thời trong Luật đất đai cũng tỏ ra sự bất cập trước sự phát triển của nền kinh tế xã hội của chúng ta, thậm chí nó cũng gây ra những hệ lụy rất lớn, có người tồn vì đất đai, có người mất gia sản vì đất đai, thậm chí có sự đánh đổi sinh bệnh vì đất đai. Một hệ quả rất không đáng có, trong đó có nguyên nhân ở chỗ, chúng ta không đổ cho Luật đất đai 2003, nhưng với sự bất cập đó thì nó tạo ra sự không bình thường. Cho nên, tôi xin được phát biểu với mấy ý nhỏ sau đây.

Trước hết, báo cáo với các vị chủ trì phiên họp là ý kiến của tôi phát biểu thì không mới, được nói rất nhiều trên các diễn đàn, nhưng tôi muốn tô đậm nét hơn ý này. Bởi vì ý này trong thực tiễn xuất hiện rất dài và nó cũng gây ra những khó khăn rất lớn. Đặc biệt sáng nay có ý kiến của anh Lê Trọng Sang ở Thành phố Hồ Chí Minh đã phát biểu vấn đề này khá chu toàn. Tôi thống nhất rất cao với ý kiến này, tôi chỉ xin dành mấy phút để làm đậm nét thêm một ý tôi hết sức quan tâm. Trước hết, tôi thống nhất với việc xác lập chế độ sở hữu đất đai là sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu, chúng ta bây giờ không thể nói khác, bởi vì đất đai của Việt Nam không đơn thuần là một tư liệu sản xuất, nó không đơn thuần là tài sản quốc gia mà ở trong đó nó là giai cấp, nó là chính trị, nó là lịch sử, nó là nhiều vấn đề lớn. Nếu đặt vấn đề khác đi thì câu chuyện không dừng lại ở đất đai mà nó diễn biến theo chiều hướng xấu và hết sức khó xử.

Cho nên tôi thống nhất rất cao với xác định quyền sở hữu đó đó nhưng đồng thời với xác định quyền sở hữu đất đai là toàn dân, là Nhà nước quản lý nhưng hết sức coi trọng lợi ích của nhân dân. Nhân dân Việt Nam mình là nhân dân gắn với mảnh đất rất chặt. Cái gì cũng từ đất. Sinh ra từ đất, sống lên từ đất, chết quay về với đất.

Cho nên đất đai đối với từng con người cụ thể, trên một mảnh đất cụ thể cũng hết sức quan trọng. Trong đó, tôi coi sự coi trọng ở chỗ mà khả dĩ có thể tính đến được là phải làm sao cho quyền lợi của người dân, của người sở hữu đất đai qua quyền sử dụng đất đai mà luật pháp bây giờ đã quy định.

Trên tinh thần đó, tôi đề nghị:

Một là phải thừa nhận quyền sử dụng đất đai với tư cách là quyền về tài sản. Bởi vì ta không công nhận thì thực tế vừa rồi nó đã là quyền tài sản rồi. Có mua, có bán, có trao đổi, có đem lại giá trị lớn. Thậm chí đem lại những giá trị rất lớn. Chúng ta có không thừa nhận thì nó cũng đã mua bán, đã trao đổi, rõ ràng là thừa nhận quyền tài sản rồi nhưng không chính danh.

Tôi nhớ trong Đại hội lần thứ XI, anh Trần Du Lịch đã nói trên diễn đàn Đại hội Đảng lần thứ XI, anh dùng chữ "chính danh" để nói trong vấn đề đất đai. Không biết có đúng hay không từ chính danh mà anh Trần Du Lịch muốn nói ở đây là thực chất nó là như thế mà ta không công nhận như thế. Ở trên đời này cái gì không chính danh mà tồn tại thì nó dẫn đến bất minh.

Còn nhiều không chính danh thì dẫn đến vấn đề khuất tất và dẫn đến nhiều bất minh. Cho nên dẫn đến nhiều tiêu cực, cho nên chúng ta phải chính danh đi, thừa nhận quyền sử dụng đất đai như là nguồn tài sản. Đã thừa nhận quyền tài sản rồi thì phải thừa nhận tính trao đổi, tính mua bán và cung, cầu.

Cho nên ý đầu tiên tôi hết sức tâm đắc với ý kiến trước đây tôi nói là của anh Lê Việt Sơn thì tôi nêu lại, nhấn mạnh thêm là phải làm tiếp.

Ý kiến thứ hai, tôi thấy trong lĩnh vực đất đai về giá đất tôi thấy không có chỗ để quy định nhà nước mà nó sống chung với thị trường, trong câu này, hai từ này không thể sống chung được. Một mặt quy định ý chí của cá nhân, ý chí của một tổ chức nào đó còn thị trường do quy luật cung cầu quy định. Mà không sống chung được thì rất dễ bị lợi dụng và chữ "thị trường" trở thành vô nghĩa. Tôi nghĩ nên tính cách gì để thay đổi từ "thị trường", tôi cho là hiện nay các nhà chuyên sâu về đất đai có nói đến công bằng. Tôi có xem báo, nghe đài và tôi cảm thấy nên dùng chữ "công bằng" bởi vì bản thân chữ "công bằng" nó cũng bao gồm cả vấn đề thị trường trong đó. Nhưng nó còn mở rộng thêm các nội hàm khác có thể triển khai khác được, cho nên tôi nghĩ cố gắng làm sao nghiên cứu chứ nếu để thị trường thế này thì vấn đề giá đất vẫn không sửa gì cả, nếu sửa chữ "sát" thành chữ "phù hợp" thì cũng được nhưng không nói lên điều gì cả, "sát" với "phù hợp" tôi nghĩ như sáng nay có đại biểu nói nó cũng na ná như nhau, cho nên tôi đề nghị lần này thôi, ta nên nói thế nào đó theo tôi dùng chữ "công bằng"

Thời gian hết rồi cho nên tôi xin được báo cáo với các vị chủ tọa là tôi rất mong các vị hết sức quan tâm điều này để luật này ra nó không tái diễn những chuyện như vừa rồi. Nếu vấn đề giá đất không giải quyết nhanh thì sắp tới luật này ra đời vẫn rắc rối, vẫn phức tạp. Tôi xin hết. Tôi xin cám ơn.

Các văn bản liên quan