Góp ý của ĐBQH Châu Thị Thu Nga – TP Hà Nội đối với dự thảo Luật đất đai sửa đổi

Thứ Sáu 15:56 21-12-2012


Kính thưa Chủ tọa kỳ họp,

Kính thưa Quốc hội,

Qua gần 10 năm thi hành Luật đất đai năm 2003 đã bộc lộ nhiều hạn chế và không còn phù hợp với thực tiễn của giai đoạn phát triển mới của đất nước ta, vì thế việc yêu cầu sửa đổi Luật đất đai để sửa đổi những vấn đề vướng mắc về quản lý đất đai nói riêng và những bất cập khó khăn khi thi hành Luật đất đai năm 2003 nói chung là hết sức cần thiết. Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) gồm 14 chương, 192 điều quy định về quyền hạn và trách nhiệm của nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai, chế độ quản lý và sử dụng đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất so với luật hiện hành. Dự thảo luật đã bổ sung thêm 2 chương về quyền và trách nhiệm quản lý của nhà nước đối với đất đai, hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai.

Dự thảo luật đã tạo nên hành lang pháp lý cụ thể minh bạch hơn để giải quyết các vấn đề bất cập trong lĩnh vực đất đai đang diễn ra trên thực tế như tạo điều kiện cho người dân được đầu tư vào đất để phát triển nông nghiệp, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên đất để phát triển kinh tế - xã hội, giảm tải các khiếu kiện, khiếu nại về đất đai. Tuy nhiên sau khi xem xét dự thảo luật, tôi đề nghị điều chỉnh bổ sung một số vấn đề như sau.

Vấn đề thứ nhất, căn cứ theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển đô thị để giao đất và cho thuê đất thì chủ yếu chỉ tập trung vào các khu đô thị, các khu công nghiệp. Việc chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp đã bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém của chất lượng, công tác quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất, dẫn đến việc thu hồi đất tràn lan để thực hiện các dự án, nhưng sau đó lại bỏ hoang nhiều, dẫn đến hiệu quả sử dụng đất kém, trong dự thảo Luật đất đai lần này có nêu các vấn đề căn cứ giao đất, thu hồi đất nhưng lại căn cứ vào kế hoạch sử dụng đất của cấp huyện. Nhưng trong luật lại chưa nêu rõ căn cứ vào đâu để lập kế hoạch sử dụng đất hay nói một cách khác là kế hoạch sử dụng đất của cấp huyện được dựa trên cơ sở quy hoạch nào. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thêm về vấn đề này.

Vấn đề thứ hai là về vấn đề đang gây khó khăn cho các công tác quy hoạch quản lý đất ở địa phương chính là công tác cưỡng chế thu hồi đất. Theo Nghị định 84 của Chính phủ năm 2007 quy định người dân không nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng thì Ban bồi thường giải phóng mặt bằng sẽ nộp tiền trên vào tài khoản tạm giữ ở kho bạc hoặc ngân hàng. Nhưng đến Nghị định 69 tại Điều 32 lại quy định Ban bồi thường giải phóng mặt bằng phải thanh toán xong tiền bồi thường cho người dân bị thu hồi đất và nếu người bị thu hồi đất không bàn giao mặt bằng thì mới được cưỡng chế, dẫn đến việc thực hiện cưỡng chế bị ách tắc ở một số địa phương. Nhưng trong dự thảo luật mới lần này thì tại Điều 60, Điểm 2 quy định điều kiện cưỡng chế phải thực hiện đầy đủ theo quy định trình tự thủ tục về bồi thường tái định cư thu hồi đất, người dân bàn giao mặt bằng và nếu người dân không bàn giao mặt bằng sẽ ra quy định cưỡng chế. Như vậy, Điều 60 trong dự thảo là chưa rõ, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thêm song cần có các giải pháp để tháo gỡ ách tắc hiện nay và đồng thời cũng có lộ trình để bổ sung sửa đổi cho được rõ ràng hơn.

Vấn đề thứ ba, trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay thì đất đai ngày càng có giá trị lớn, thị trường quyền sử dụng đất phát triển đã tạo nên khởi sắc của thị trường bất động sản, thúc đẩy cho các giao dịch bất động sản. Nhưng bên cạnh đó có những bộc lộ hạn chế và bất cập. Trên thực tế còn có cả những hành vi đầu cơ mua, bán bất động sản qua nhiều cầu, mua, bán thông qua các hợp đồng ủy quyền nhằm mục đích thu lời. Để chống đầu cơ đất ở Thái Lan luật có quy định: nếu sau khi người sử dụng đất bán trước 5 năm không có điều kiện gì khác kèm theo thì phải nộp thuế gấp 1,5 lần so với mức thuế chuyển nhượng ở điều kiện bình thường. Nhưng trong luật ở nước ta chưa có các chế tài cụ thể dẫn đến giao dịch ngầm còn nhiều. Để từng bước hạn chế và ngăn chặn các hành vi trên, đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định về thuế thu nhập cá nhân khi chuyển quyền sử dụng đất trong thị trường bất động sản.

Tất cả các trường hợp mua, bán thông qua các hợp đồng ủy quyền, nếu hồ sơ thực hiện có thời gian từ 2 đến 3 năm thì cần phải thu thuế tỷ lệ cao, có thể gấp 2 hoặc 3 lần mức thuế mà người chuyển nhượng thực hiện đối với các giao dịch thông thường, vì trong thực tế cứ đã làm hợp đồng ủy quyền sau đó họ có thể hủy hợp đồng hoặc đã né không nộp thuế ít nhất một lần. Hậu quả việc tránh né, nộp thuế thiếu sẽ gây thất thu thuế cho ngân sách nhà nước. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thêm về cơ chế khuyến khích đầu tư, chính sách thuế cho phù hợp và các chế tài làm minh bạch hóa thị trường bất động sản, song cần có lộ trình cụ thể thích hợp, tránh tình trạng như hiện nay, xe chính chủ thì đất cũng phải chính chủ. Trên đấY là một số ý kiến của tôi tham gia đóng góp vào dự thảo Luật đất đai, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan