Góp ý của ĐBQH Trương Thị Huệ – Thái Nguyên đối với dự thảo Luật đất đai sửa đổi

Thứ Sáu 15:03 21-12-2012


Kính thưa Quốc hội.

Tôi cơ bản nhất trí về quan điểm mục đích và sự cần thiết ban hành Luật Đất đai (sửa đổi) và tôi cũng đồng tình với báo cáo của Chính phủ về đánh giá những nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại, bất cập trong thi hành Luật Đất đai năm 2003. Trong báo cáo chỉ ra ba nguyên nhân, tôi quan tâm đến nguyên nhân thứ ba đó là: tổ chức thực hiện pháp luật về đất đai chưa nghiêm, phổ biến giáo dục pháp luật về đất đai còn chưa được chú trọng, hiệu quả kém, một bộ phận cán bộ làm công tác quản lý đất đai còn yếu kém về năng lực và phẩm chất, còn bị lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi tham nhũng.

Trong công tác quản lý đất đai thì việc thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý các hành vi vi phạm trong quản lý đất đai chưa kịp thời, ý thức chấp hành về pháp luật đất đai của một bộ phận người dân còn hạn chế. Tôi cho rằng đây là nguyên nhân quan trọng nhất, vì đó chính là con người, con người chưa thực hiện  nghiêm pháp luật, đây không chỉ với Luật Đất đai mà các luật khác cũng vậy. Đó chính là kỷ cương, kỷ luật, là trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thi hành công vụ.

Vấn đề này, tôi đề nghị sửa đổi luật lần này cần có cơ chế rõ hơn về trách nhiệm của người đứng đầu, cũng như siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong tổ chức thực hiện xử phạt nghiêm minh, công bằng người có trách nhiệm cao hơn, cán bộ Đảng viên vi phạm thì phải xử nặng hơn. Nếu được thế, tôi tin rằng những tồn tại trong lĩnh vực đất đai sẽ giảm đi rất nhiều. Đi vào những vấn đề cụ thể, tôi xin tham gia một số vấn đề sau.

Thứ nhất, về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tại Điều 49 về thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại Khoản 3 có quy định: Diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất đã được công bố phải thu hồi để thực hiện dự án, công trình hoặc phải chuyển mục đích sử dụng đất mà sau ba (03) năm  không được thực hiện theo kế hoạch thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất phải hủy bỏ và công bố. Đây là quy định mới có ý nghĩa to lớn trong việc hạn chế tiến tới xóa bỏ tình trạng các dự án treo như hiện nay.

Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là mỗi khóa 3 năm mà cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chưa hoặc không làm thủ tục hủy bỏ dự án và công bố trước nhân dân thì lúc này quyền lợi của người dân sẽ không được đảm bảo, người dân vẫn không được sử dụng đầy đủ các quyền trên đất của mình. Vì thực tế người dân luôn ở thế yếu và không phải lúc nào cũng đi kiện Nhà nước được. Như vậy, tình trạng dự án treo sẽ không được giải quyết triệt để làm nảy sinh khiếu kiện kéo dài. Để giải quyết tình trạng trên, tôi đề nghị bổ sung tiếp sau Khoản 3, Điều 49 nội dung: Trong trường hợp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không hoặc chậm hủy bỏ và công bố thì người sử dụng diện tích đất trên được thực hiện các quyền sử dụng đất của mình và được pháp luật bảo hộ.

Về cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất, tại Điều 60. Ở đây mới chỉ đề cập đến việc cưỡng chế thu hồi đất mà chưa đề cập đến cưỡng chế giải phóng mặt bằng. Nên trên thực tế nhiều hộ dân đã nhận tiền đền bù, nhưng lại không chịu bàn giao mặt bằng mà trên đất của họ lại có tài sản thì khi đó chưa có cơ sở pháp lý để cưỡng chế. Vì vậy, tôi đề nghị Ban soạn thảo nên nghiên cứu bổ sung thêm vấn đề này. Về đấu giá quyền sử dụng đất, cho thuê đất đối với hoạt động khai thác khoáng sản được quy định tại Điều 54, 59, 67, 96 và 103 của luật này. Tôi thấy có điều chưa hợp lý đó là trên thực tế tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản để được thực hiện hoạt động khoáng sản họ đã phải đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo Luật khoáng sản mà khai thác khoáng sản thì đương nhiên là phải gắn liền với đất, nay lại phải đấu giá quyền sử dụng đất, cho thuê đất vì họ chỉ có một con đường duy nhất là phải đấu giá thắng. Quy định như vậy sẽ tạo kẽ hở cho việc sẽ có những tổ chức, cá nhân, đơn vị lợi dụng việc này để tham gia đấu giá vì mục đích trục lợi, từ đó sẽ diễn ra thương lượng ngầm làm thất thoát ngân sách, làm mất an ninh trật tự xã hội và làm cho việc đấu giá không minh bạch.

Tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu lại vấn đề này theo hướng tổ chức, cá nhân đã đấu giá được quyền khai thác khoáng sản thì không phải đấu giá quyền sử dụng đất, cho thuê đất mà cần theo tiêu chí cụ thể nhà nước quy định khung giá đất để cho thuê.

Về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, tôi thống nhất với nguyên tắc bồi thường hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất tại Điều 71. Tại Khoản 2 điều này có quy định: người sử dụng đất khi nhà nước thu hồi đất thì được xem xét hỗ trợ nhằm tổ chức lại sản xuất để đảm bảo đời sống. Đây là điều mà người sử dụng đất quan tâm nhất và đối với họ nhiều khi tiền không phải là vấn đề quan trọng nhất mà chính là công ăn việc làm ổn định. Trên thực tế cho thấy những năm qua Đảng, Nhà nước, các chính quyền, các tổ chức kinh tế đã có nhiều quan tâm và nỗ lực trong việc thực hiện vấn đề này song đây vẫn là nỗi băn khoăn lo lắng nhất của người dân.

Về vấn đề này tôi đề nghị ngoài các chế độ như trong dự thảo luật đã ban hành cần bổ sung đối với các dự án phát triển kinh tế, đặc biệt là dự án khai thác khoáng sản cần phải đưa ra quy định về việc chia sẻ lợi ích cho cộng đồng vùng dự án để phục hồi sinh kế lâu dài cho người dân và yêu cầu các tổ chức đó bắt buộc phải thành lập bộ phận quan hệ cộng đồng để nghiên cứu phát triển ngành, nghề thích hợp giúp cho người dân vùng dự án, trước hết là nhóm người dễ bị tổn thương. Bộ phận này sẽ được tồn tại suốt đời dự án nếu là khai thác khoáng sản, các dự án phát triển kinh tế khác thì tùy theo tình hình cụ thể mà nhà nước quy định. Nguồn kinh phí hoạt động do chính tổ chức kinh tế hàng năm phải trích lại cho địa phương vùng dự án để chuyển sang, chính quyền địa phương cũng phải tham gia vào đây bằng việc chuyển giao khoa học công nghệ, khoa học kỹ thuật các mô hình trong sản xuất kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt v.v...Nếu được như vậy thì chúng tôi tin rằng sẽ góp phần rất lớn vào việc tổ chức lại sản xuất giải quyết công ăn việc làm cho người dân ở vùng bị mất đất. Tôi xin hết ý kiến. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan