Góp ý của ĐBQH Nguyễn Văn Thịnh – Hưng Yên đối với dự thảo Luật đất đai sửa đổi

Thứ Sáu 15:03 21-12-2012


Kính thưa Quốc hội,

Sau khi nghiên cứu Luật Đất đai (sửa đổi) và gợi ý của Đoàn Thư ký tôi xin có một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, về khung giá đất theo luật hiện hành của chúng ta về khung giá đất, các loại đất do Chính phủ ban hành và phân theo từng vùng, cấp đô thị rất chung dẫn đến các tỉnh khó thực hiện, xây dựng bảng giá đất sát với thị trường. Nhưng nếu bỏ quy định về việc giao Chính phủ ban hành giá đất thì Chính phủ không có cơ sở để xây dựng bảng giá đất thiếu định hướng dẫn đến mỗi tỉnh xây dựng một khác và khác nhau nhiều. Tôi đề nghị việc phải giao Chính phủ quy định khung giá đất đến từng tỉnh cho từng loại đất và khung giá đất được giữ ổn định trong 5 năm và chỉ điều chỉnh trong trường hợp giá đất có sự thay đổi lớn theo dự thảo.

Thứ hai, về bảng giá đất, theo Luật đất đai năm 2003 bảng giá đất giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành và công bố vào ngày 01/01 hàng năm, như vậy rất mất thời gian và tốn kém, giá đất thay đổi hàng năm dẫn đến việc giải phóng mặt bằng, các công trình lớn rất khó khăn. Tôi đề nghị quy định Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành bảng giá đất và được giữ ổn định 5 năm để làm căn cứ tính các loại thuế, phí, lệ phí và tính thu tiền sử dụng đất khi nhà nước công nhận quyền sử dụng đất và làm căn cứ để tính bồi thường hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất, xác định giá trị quyền sử dụng đất để tính vào giá trị tài sản của doanh nghiệp khi doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa. Khi xác định giá đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất cần xác định phù hợp với giá thị trường nhằm đảm bảo quyền lợi của nhà nước, của nhà đầu tư, của người dân có đất bị thu hồi.

Vấn đề thứ ba, theo quy định hiện hành chúng ta đang thực hiện cơ chế là nhà nước thu hồi đất và cơ chế nhà đầu tư thỏa thuận với người sử dụng đất, như vậy đây là một vấn đề nảy sinh mâu thuẫn lớn. Trong cùng một khoảnh ruộng, cùng một cách đồng nhưng hai nhiệm vụ khác nhau, việc thu hồi để phục vụ công trình công cộng do nhà nước thu hồi, người dân không có quyền được thỏa thuận, nhưng nếu phục vụ cho mục đích kinh tế thì người dân thỏa thuận hai giá khác nhau dẫn đến mâu thuẫn lớn trong việc đền bù giải phóng mặt bằng.

Đồng thời chúng ta thực hiện hai cơ chế này cùng lúc thì sẽ gây khó khăn trong giải phóng mặt bằng, cho nên tôi đề nghị nhà nước thực hiện thu hồi đất với tất cả các trường hợp. Như vậy, nhà nước khi thu hồi vào mục đích phát triển kinh tế xã hội theo Điều 54 của dự thảo tôi đề nghị khi đã đủ mặt bằng sạch thì phải tổ chức đấu thầu cho những chủ đầu tư có nhu cầu đầu tư chứ không như hiện nay.

Đề nghị thực hiện như hiện nay, nếu người có đất bị thu hồi, còn việc xử lý khi có khiếu kiện về thu hồi đất thì tôi vẫn đề nghị phải thực hiện như hiện nay, nếu người có đất bị thu hồi mà không chấp hành quyết định thu hồi đất thì nhà nước cưỡng chế, nhưng phải bổ sung quy định rõ về trình tự, thủ tục cưỡng chế khi nhà nước thu hồi đất.

Thứ tư, về thời hạn sử dụng đất nông nghiệp giao cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng để sản xuất kinh doanh nông nghiệp, tôi đề nghị đồng tình với đề nghị của các đại biểu là thời hạn giao đất cho các hộ gia đình và cá nhân để sử dụng vào mục đích nông nghiệp là thời hạn 50 năm, có như thế thì mới đủ thời gian để hộ gia đình, cá nhân yên tâm đầu tư vào mục đích sản xuất nông nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tôi xin hết ý kiến.

Các văn bản liên quan