Góp ý của ĐBQH Nguyễn Hữu Đức – Đồng Tháp đối với dự thảo Luật đất đai sửa đổi

Thứ Sáu 15:02 21-12-2012


Kính thưa Chủ tọa,

Kính thưa các đại biểu,

Luật đất đai năm 2003 được Quốc hội khóa XI thông qua tại kỳ họp thứ 4, sau gần 10 nó đạt được những kết quả nhất định góp phần tích cực cho phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên Luật đất đai hiện hành, còn những tồn tại và những bất cập đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ, đồng thời theo Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân với các quyết định hành chính về đất đai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy có khoảng 70% khiếu nại, tố cáo của công dân chủ yếu là lĩnh vực đất đai. Trong Báo cáo cũng nêu rõ qua tiếp nhận và xử lý đơn thư có gần 50% những khiếu nại, tố cáo là đúng hoặc có đúng, có sai. Điều này cho thấy luật hiện hành có nhiều vấn đề cần phải sửa đổi sao cho phù hợp với tình hình mới. Trước tiên, tôi cơ bản thống nhất những nội dung trong dự thảo của Luật đất đai (sửa đổi). Báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp cũng như một số ý kiến đóng góp của các đại biểu tại thảo luận ở tổ cũng như phát biểu từ sáng tới giờ tại Hội trường. Tôi xin tham gia đóng góp một số vấn đề cụ thể trong dự thảo như sau.

Vấn đề thứ nhất, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung khái niệm đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai vào Điều 4 để nhằm giải thích rõ khái niệm này như đã được nêu ở Điều 1 là phạm vi điều chỉnh của dự án luật.

Vấn đề thứ hai, Tại Điểm 1 Điều 17 của dự thảo luật. Tôi rất đồng tình việc Nhà nước có quyết  định thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Riêng vì mục đích phát triển kinh tế, xã hội thì tôi đồng tình nhưng phải có những điều kiện, quy định cụ thể, tránh tình trạng lạm dụng mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội để chuyển sang mục đích có lợi khác do chủ đầu tư hay một nhóm lợi ích nào đó.

Đây là môi trường dễ xảy ra tham nhũng nhất. Theo luật pháp thì đất đai là sở hữu toàn dân thì quyền sở hữu chung là của tất cả mọi người dân, vậy họ đều có quyền tham gia định đoạt và được hưởng lợi từ quyền sở hữu này. Đấy là sự công bằng giữa quyền và nghĩa vụ. Ngoài ra ở điều này còn phải quy định rõ thẩm quyền của chính quyền cấp nào trong vấn đề quyết định thu hồi đất để có cơ chế giám sát chặt chẽ

Vấn đề thứ ba, liên quan tới vấn đề thu hồi đất tại Điều 54. Theo những phân tích trên, tôi nghĩ cần phải có sự đồng thuận của dân về việc bồi thường phải thỏa đáng cho người bị thu hồi để có điều kiện đảm bảo chắc chắn cuộc sống tốt hơn.

Vấn đề thứ tư, về thu hồi đất do vi phạm Luật đất đai tại Điều 55. Tôi rất đồng tình với những trường hợp sử dụng đất không đúng mục đích thì phải cương quyết thu hồi. Như chúng ta đã biết, cả nước có 5.828 tổ chức vi phạm với diện tích hơn 73.992ha. Một bộ phận đất đai, trụ sở làm việc của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp bị sử dụng lãng phí, sai mục đích như cho thuê, cho mượn, bố trí làm nhà ở, sử dụng để kinh doanh dịch vụ sai mục đích được giao, thậm chí bị bỏ trống dẫn đến thất thoát tài sản của Nhà nước. Đồng thời tình hình quản lý sử dụng đất tại các dự án chậm triển khai thực hiện để đất hoang, gây bất bình trong dư luận.

Vấn đề thứ năm là đối với giá đất do Nhà nước quy định tại Điều 99 tôi thống nhất bảng giá được xây dựng là định kỳ 5 năm 1 lần và được công bố vào ngày 1/1 của năm đầu kỳ. Ngoài ra cần phải có một cơ quan tư vấn giá độc lập để đảm bảo định giá đúng với giá thực của nó tạo sự minh bạch, khách quan. Trong điều này tôi thống nhất theo Phương án 2 của Ban soạn thảo.

Vấn đề thứ sáu là đất sử dụng có thời hạn tại Điều 111, tôi thống nhất theo dự thảo của dự án.

Kính thưa Quốc hội, vấn đề khiếu kiện gay gắt về đất đai trong thời gian qua nguyên nhân chủ yếu là việc thu hồi đất, định giá đất, giá trị bồi thường như hỗ trợ, bố trí nơi tái định cư không tương xứng phù hợp hoặc chưa đảm bảo đầy đủ những điều kiện sống và sinh hoạt. Đây là những vấn đề Ban soạn thảo cần nghiên cứu cụ thể hóa vào dự án luật nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý chặt chẽ về đất đai đảm bảo dân chủ, công khai minh bạch, thuận tiện cho người sử dụng vào mục đích. Một đích hết sức quan trọng là giải quyết những vướng mắc, bất cập trong quản lý sử dụng đất, giảm các khiếu kiện về đất đai của người dân trong các dự án cảm thấy hài lòng và đồng thuận. Xin cám ơn Quốc hội. 

Các văn bản liên quan