Góp ý của ĐBQH Trịnh Ngọc Phương – Tây Ninh đối với dự thảo Luật đất đai sửa đổi

Thứ Sáu 15:02 21-12-2012


Kính thưa Chủ tọa.

Kính thưa Quốc hội.

Qua nghiên cứu dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), tôi xin có một số ý kiến với các nội dung như sau.

Thứ nhất, tôi đồng tình cao với việc điều chỉnh sửa đổi Luật Đất đai tại kỳ họp lần này và mong rằng Ban soạn thảo cố gắng tiếp thu, chọn lọc những ý kiến góp ý của các đại biểu để điều chỉnh cho hợp lý với thực tế, tạo điều kiện để các kỳ họp sau chúng ta đủ cơ sở để thông qua.

Thứ hai, trong Luật Đất đai (sửa đổi) lần này, tôi đề nghị Ban soạn thảo nên làm rõ hơn nữa về quan điểm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất làm sao tránh lãng phí, chồng chéo, qua đó đạt được mục đích mà quy hoạch đã đặt ra. Vấn đề này tại các kỳ họp trước tôi đều có đề cập đến nhưng ở mức độ khác. Hôm nay tôi góp ý về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cụ thể như sau. Hiện nay trên cùng một mặt bằng đất đai ít nhất ba bộ quản lý nhà nước thực hiện ba loại quy hoạch: Quy hoạch kinh tế, xã hội thuộc Bộ Đầu tư. Quy hoạch sử dụng đất thuộc Bộ Tài nguyên, môi trường. Quy hoạch xây dựng thuộc Bộ Xây dựng.

Bộ Tài nguyên, môi trường quản lý với vai trò tiền đề đưa ra những số liệu về diện tích đất, loại đất phân bổ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng an ninh v.v... Tuy nhiên các ngành kinh tế xã hội khác như nông nghiệp, y tế giáo dục, văn hóa giao thông lại căn cứ vào quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội để xây dựng các quy hoạch của ngành mà quy hoạch này do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thiết lập và quản lý trong đó cũng yêu cầu về đất đai và sự phát triển của ngành kinh tế xã hội. Tương tự như vậy, ngoài quy hoạch mặt bằng đất đai và là công cụ quản lý đất đai còn có quy hoạch xây dựng, quy hoạch xây dựng bao gồm yếu tố sử dụng đất đai đảm bảo phân bổ hợp lý khâu chức năng của đô thị, quy hoạch này được giao cho Bộ xây dựng cùng với hệ thống cơ quan ngành dọc thiết lập và quản lý.

Như vậy, giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng có những điểm chung là đều phải tích hợp đầy đủ với quy hoạch tổng thể phát triển và các quy hoạch ngành, cả hai cùng quy hoạch trên một mặt bằng đất đai và đều phải sắp xếp mặt bằng này sao cho thực hiện được mục tiêu cuối cùng là phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường phù hợp với quy hoạch kinh tế xã hội. Nhưng do cơ chế quản lý thuộc hai bộ khác nhau với một hệ thống ngành dọc khác nhau và do nhiều nguyên nhân khác mà hai loại quy hoạch này chưa gắn kết được với nhau nên trên thực tế có sự trùng lặp về nội dung quy hoạch. Thực tế khi triển khai cả hai không rõ quy hoạch nào thực hiện trước và làm căn cứ để quy hoạch kia phối hợp, do đó quy hoạch định hướng phát triển không gian của Bộ xây dựng và quy hoạch sử dụng đất của Bộ Tài nguyên và Môi trường hiện nay không trùng khớp với nhau về quy hoạch.

Mặt khác, trong quy hoạch chi tiết sử dụng đất do ngành tài nguyên và môi trường giúp Ủy ban nhân dân các cấp thiết lập, nếu là đất phi nông nghiệp ở trung tâm đô thị sẽ trùng lặp với nhiệm vụ quy hoạch xây dựng và nếu là đất nông nghiệp sẽ trùng với nhiệm vụ của quy hoạch ngành nông nghiệp. Việc cùng một lúc các cơ quan khác nhau cùng lập quy hoạch cho một mặt bằng đất không những gây lãng phí tốn kém ngân sách nhà nước, lãng phí nhân công, thời gian mà còn thiếu đồng bộ, chưa kể đến bản thân các số liệu cơ sở tiêu chí không trùng khớp. Do đó, tôi đề nghị trong luật cần quy định cụ thể một cơ quan chuyên trách về quy hoạch ở mỗi địa phương và Trung ương, cơ quan này có chức năng quản lý và rà soát các quy hoạch sao cho thống nhất và xuyên suốt, đồng thời có quyền quyết định những vấn đề có liên quan đến quy hoạch. Vấn đề này đại biểu Dương Hoàng Hương đã phát biểu trước tôi.

Nội dung thứ ba, Tôi kiến nghị việc tranh chấp đất đai nên để tòa thực hiện, trong luật sửa đổi kỳ này có sử dụng trưng mua, do đó nếu cơ quan hành chính tiến hành trưng mua không thống nhất được giá đền bù thì người bị trưng mua có thể khiếu nại cơ quan ra quyết định Trung ương nếu không được thụ lý thì người bị trưng mua được quyền kiện cơ quan này ra tòa.

Nội dung thứ tư, về các vấn đề cụ thể. Vấn đề thứ nhất, luật cần quy định rõ lợi ích công là như thế nào. Thực tế các dự án xây dựng trường học, bệnh viện, chợ v.v.... vì lợi ích công đã rõ, tuy nhiên đối với các dự án cải tạo chỉnh trang đô thị, xóa nhà lụp xụp và phát triển kinh tế thì còn nhiều ý kiến tranh luận về giá đất công. Ý kiến cho rằng những dự án này là lợi ích cho địa phương, cho thành phố chứ không phải cho người bị thu hồi đất.

Tiếp theo cần làm rõ tiêu chí đất an ninh quốc phòng đối với trường hợp đất an ninh quốc phòng làm kinh tế, cụ thể các trường hợp đất giao cho các tổ chức kinh tế của cơ quan an ninh, quốc phòng thì phải tuân thủ theo quy định như các tổ chức kinh tế khác, tránh trường hợp sử dụng đất an ninh, quốc phòng sai mục đích.

Vấn đề thứ hai, tại buổi thảo luận tôi có ý kiến nhưng chưa thấy phản ảnh vì thế tôi xin có ý kiến như sau.

Đối với Điều 35 về vai trò của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tôi đề nghị bổ sung thêm các vai trò sau đây. Vai trò phát triển kinh tế - xã hội hướng tới hiệu quả kinh tế cao và tạo ra công ăn việc làm, vai trò quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải bảo đảm được mục tiêu và mục đích sử dụng đất dài hạn, các tổ chức và cộng đồng chấp nhận. Vai trò quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thiết lập được cơ chế điều phối chính sách, ngân sách giữa các tổ chức.

Đối với Điều 57 về quy tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tôi xin bổ sung các ý sau. Thứ nhất, bổ sung nguyên tắc phát triển bền vững, không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng các yêu cầu cần cho thế hệ mai sau. Nếu chúng ta không có quy tắc này thì tương lai thế hệ sau sẽ không có gì để sử dụng trên mặt bằng đất.

Thứ hai, Khoản 7 bổ sung phần cuối như sau: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải đảm bảo ưu tiên quỹ đất cho các mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, an ninh lương thực, bảo vệ môi trường và bổ sung thêm đảm bảo cho người nghèo tham gia vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội và tiến bộ xã hội.

Theo tôi trong công tác quy hoạch sử dụng đất đối tượng dễ bị tổn thương nhất là người nghèo, kể cả nông thôn và thành thị, vì lẽ đó tôi đề nghị cụ thể như vậy mong các nhà làm quy hoạch, các tổ chức, cộng đồng cũng như chính quyền thấy được những khó khăn mà người nghèo sẽ gánh chịu, do đó sẽ có những chính sách hợp lý thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Vấn đề thứ ba, tại Khoản 1, Điều 46 về việc quy định các trường hợp được phép điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Cụ thể tại Điểm c ghi rõ: có sự điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cấp trên trực tiếp làm ảnh hưởng đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cấp mình. Tôi đề nghị bỏ điểm này vì theo tôi nếu thực hiện điểm này thì quy hoạch sẽ có tính áp đặt và mang hơi hướng của lợi ích nhóm. Vì theo luật quy định khi tiến hành quy hoạch đều phải có ý kiến của cộng đồng, tuy nhiên khi điều chỉnh quy hoạch chỉ quyết định từ trên xuống là chưa đủ, qua đó gây tâm lý không tôn trọng ý kiến của cộng đồng bên dưới, dễ dẫn đến khiếu kiện vì lợi ích cộng đồng và lợi ích riêng tư.

Vấn đề thứ tư, tại Điều 106 về cơ sở dữ liệu đất đai, tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu sâu hơn nữa để tạo bước đột phá trong việc sử dụng hết công năng của đất, bảo đảm phát triển bền vững, cụ thể bổ sung dữ liệu về bản đồ địa chính để công tác quản lý số liệu về đất cơ bản thống nhất, qua đó có cơ sở để thực hiện việc thử nghiệm khi chuyển đổi công năng của đất. Đồng thời có cơ chế ai tiếp cận thông tin này thì phải trả chi phí cho tạo nguồn thu trên đất, cụ thể các trường hợp như đất công nghiệp, đất nghĩa trang mà chúng ta di dời thì khi xây dựng các dự án đô thị thì phải khảo sát mặt bằng địa chất đất, trong đó có tính tới việc thử nghiệm giao đất các công trình trước để lại để khi xây dựng đất đô thị thì bảo đảm được sức khỏe cộng đồng và phát triển bền vững. Tôi xin có một số ý kiến như vậy. Xin hết, xin cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan