Góp ý của ĐBQH Đỗ Văn Vẻ – Thái Bình đối với dự thảo Luật đất đai sửa đổi

Thứ Sáu 15:01 21-12-2012


Kính thưa Đoàn Chủ toạ,

Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin đóng góp và Luật đất đai (sửa đổi) một số nội dung sau. Về chế độ sở hữu đất đai, Điều 14 dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) lần này tiếp tục quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu. Với quy định như vậy thì đất đai cũng chưa thực sự cụ thể, chưa có bước đột phá về việc gắn quyền lợi và trách nhiệm trong việc quản lý và sử dụng đất, đặc biệt là đất ở. Trên thực tế người sử dụng đất ở đã có đầy đủ các quyền và chế độ sở hữu của mình nhưng chưa được pháp luật công nhận. Vì vậy, tôi đề nghị Quốc hội có thể cân nhắc thêm, bổ sung thêm vào Điều 14 là đất ở thuộc sở hữu tư nhân, các loại đất khác thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu.

Về bảo vệ quỹ đất trồng lúa Điều 53, tôi nhất trí với dự thảo Luật đất đai về bảo vệ đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và quỹ đất trồng lúa để bảo đảm an ninh lương thực cho cả nước và xuất khẩu lương thực, tăng thêm ngoại tệ cho đất nước. Tuy nhiên, việc quy định chặt chẽ quỹ đất trồng lúa sẽ hạn chế đất dành cho phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, làm cho tốc độ phát triển kinh tế của các tỉnh nông nghiệp mà diện tích đất nông nghiệp chủ yếu là trồng lúa sẽ thấp hơn so với các tỉnh khác, làm thiệt thòi cho các tỉnh này trong quá trình thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong đó có tỉnh Thái Bình. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ có cơ chế, chính sách đặc thù đối với các tỉnh nông nghiệp trồng lúa để có điều kiện phát triển kinh tế như các tỉnh khác.

Về việc thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, Luật Đất đai 2003, khi sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư vào việc phát triển kinh tế quy định phương thức thu hồi đất, tổ chức thực hiện bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng đối với các dự án quan trọng và phương thức là đầu tư, tự thỏa thuận với người có đất đối với các dự án khác. Trong thực tế khi thỏa thuận, người có đất yêu cầu giá cao hơn mức bồi thường do Nhà nước quy định. Nhà đầu tư muốn nhận được đất phải chấp nhận thanh toán cao hơn mức bồi thường, hỗ trợ. Từ đó, hình thành hai giá khi thực hiện dự án đầu tư cũng là nguyên nhân gây ra khiếu kiện về đất đai khi thực hiện bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng.

Để khắc phục tình trạng khiếu kiện bảo đảm công bằng xã hội, tôi đề nghị bỏ cơ chế thỏa thuận giữa nhà đầu tư với người có đất đang sử dụng. Tất cả các dự án đang sử dụng theo đúng quy hoạch, kế hoạch để phát triển kinh tế đều được thực hiện theo hình thức thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Những nhu cầu cần thiết, diện tích đất sử dụng đến đâu thu hồi đến đó, tránh bỏ hoang đất đai và phải bảo đảm dân chủ, công khai, khách quan, công bằng, đúng pháp luật. Khi đã giải phóng mặt bằng xong, có đất sạch, Nhà nước tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, thực hiện phân chia hài hòa giữa ba lợi ích người có đất bị thu hồi, Nhà nước và nhà đầu tư.

Từ những lý do trên, tôi đề nghị bỏ Điều 54 và thêm vào một khoản và Điều 53 và là Khoản 3 các trường hợp thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư vào việc phát triển kinh tế, xã hội. Các Khoản 3, Khoản 4, Khoản 5 chuyển sang thành các Khoản 4, Khoản 5, Khoản 6.

Điều 53 được sửa đổi là "Thu hồi đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và phát triển kinh tế - xã hội". Về việc thanh toán giá trị tài sản đã đầu tư khi thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai, việc thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai, người bị thu hồi đất không được trả lại tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã nộp, không được thanh toán giá trị đầu tư vào đất còn lại và tài sản gắn liền với đất nhằm khắc phục được dự án treo, bỏ đất hoang, quản lý đất đai được chặt chẽ hơn, tôi đồng tình với nội dung này.

Tuy nhiên, hiện nay có nhiều dự án do nguyên nhân khách quan, thiên tai, khủng hoảng kinh tế, hoặc đã nộp 1 lần hết tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong toàn bộ thời hạn được giao, được thuê nên gặp khó khăn về vốn dẫn đến chậm tiến độ. Một số trường hợp Nhà nước còn phải có biện pháp tháo gỡ cho nhà đầu tư mà không được thanh toán giá trị đầu tư vào đất còn lại và giá trị tài sản đã đầu tư trên đất không công bằng gây bức xúc cho nhà đầu tư. Vì vậy tôi đề nghị bổ sung thêm một khoản vào Điều 55 là trừ các trường hợp nguyên nhân khách quan do Chính phủ quy định cụ thể.

Về xử lý một số trường hợp giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất trước này luật này có hiệu lực thi hành. Để xử lý tồn tại này tôi đề nghị bổ sung thêm vào Điều 70 như sau: "hộ gia đình, cá nhân thuộc trường hợp thuê đất theo quy định của luật này đã được Ủy ban nhân dân cấp huyện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất vào mục đích thương mại, dịch vụ, sản xuất, vật liệu xây dựng làm đồ gốm, làm cơ sở sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp khác theo quy định của Luật Đất đai trước, được tiếp tục sử dụng đất theo thời hạn sử dụng đất còn lại, khi hết thời hạn sử dụng phải chuyển sang thuê đất theo quy định của luât này".

Về thời hạn sử dụng đất nông nghiệp Điều 111, khi hết thời hạn giao đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2003 nhiều cử tri mong muốn trẻ em sinh ra từ năm 1993 đến nay được chia đất nông nghiệp, người chết và người đã chuyển sang làm ngư nghiệp thì lấy ra.  Trên thực tiễn quỹ đất nông nghiệp ngày càng giảm đi do phải sử dụng một phần vào mục đích phi nông nghiệp. Trong khi đó dân số ngày càng tăng thêm, để người lao động có việc làm, có thu nhập, bảo đảm cuộc sống là trách nhiệm của gia đình và xã hội để giúp cho người sinh ra từ năm 1993 đến nay không có ruộng, việc làm bảo đảm cuộc sống. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho những người này có nghề, có việc làm, hỗ trợ kinh phí mua máy móc, thiết bị để làm dịch vụ bảo đảm đời sống cho bản thân và gia đình. Tôi đồng tình với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định thời hạn giao đất nông nghiệp là 50 năm để tạo điều kiện cho người sử dụng đất yên tâm đầu tư khai thác có hiệu quả về đất đai. Mặt khác thời hạn giao đất nông nghiệp 50 năm sẽ tương đối phù hợp với sự phát triển của một đời người từ khi đến tuổi lao động đến khi không còn sức lao động để lao động sản xuất nông nghiệp.

Về công chứng chứng thực hợp đồng văn bản về quyền sử dụng đất Điều 151 dự thảo: Nếu bỏ việc bắt buộc phải công chứng, chứng thực đối với hợp đồng chuyển  nhượng, tặng, cho, thế chấp vốn bằng quyền sử dụng đất thì nguy hiểm, trong thực tiễn hiện nay vẫn diễn ra nhiều các giao dịch ngầm, chui như mua bán nhà đất bằng giấy viết tay không qua công chứng, chứng thực sẽ phát sinh một loạt các tranh chấp, tạo gánh nặng cho cơ quan, chính quyền, tòa án, tiềm ẩn mất ổn định trong nhân dân. Do vậy, tôi đề nghị Quốc hội cân nhắc hợp đồng chuyển nhượng tặng, cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải được công chứng, chứng thực. Luật Đất đai được cử tri cả nước rất quan tâm đến việc sửa đổi, đề nghị Quốc hội đưa dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này ra lấy ý kiến của nhân dân để Ban soạn thảo sửa đổi Luật Đất đai hoàn chỉnh và Quốc hội thông qua cùng với việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan