Góp ý của ĐBQH Phạm Hồng Phong – Hậu Giang đối với dự thảo Luật đất đai sửa đổi

Thứ Sáu 15:00 21-12-2012


Kính thưa Quốc hội,

Trước hết, tôi cơ bản thống nhất với dự thảo sửa đổi Luật đất đai và tôi đánh giá cao sự quyết tâm của Ban soạn thảo đã trình dự thảo luật ra lấy ý kiến đóng góp trong kỳ họp này. Do thời gian có hạn tôi xin đóng góp cụ thể vào một số vấn đề trong dự thảo mà tôi quan tâm.

Hiện nay có 2 hình thức chuyển dịch đất, đất bị thu hồi bắt buộc và đất chuyển dịch tự nhiên. Đối với đất bị thu hồi bắt buộc về phát triển kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghiệp cao, khu đô thị, các dự án có vốn đầu tư nước ngoài 100% phải theo nguyên tắc tự nguyện và đồng thuận giữa các bên nhà đầu tư và người sử dụng đất. Có như vậy quyền lợi người sử dụng đất được bảo đảm hơn, hạn chế các dự án treo khá phổ biến như hiện nay, giảm bớt việc khiếu kiện, tố cáo của nhân dân. Tôi đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định nguyên tắc tự nguyện đồng thuận vào Điều 54 của dự thảo.

Điều 61, thẩm quyền thu hồi đất. Điểm c, Khoản 2, Điều 61 thu hồi đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn, sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp. Viết như vậy rất khó hiểu, có phải thẩm quyền của Ủy ban nhân dân huyện thu hồi đất nông nghiệp để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp hay thu hồi đất đang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp để trả lại hiện trạng đất nông nghiệp. Chiếu vào Điều 69 của dự thảo thì thẩm quyền chuyển đất nông nghiệp sang mục đích phi nông nghiệp là của Ủy ban nhân dân tỉnh. Tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu viết lại ở Điểm c, Khoản 2, Điều 61 của dự thảo cho rõ hơn.

Tôi cũng thống nhất quy định như ở Điều 69, thẩm quyền giao đất cho phép chuyển mục đích đất sử dụng vào đất nông nghiệp sang đất khác thuộc về Ủy ban nhân dân tỉnh. Quy định như vậy mới quản lý chặt chẽ đất sử dụng vào mục đích nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực, đảm bảo diện tích 3,8 triệu héc ta đất nông nghiệp không sử dụng vào mục đích khác.

Về giá đất quy định ở Điều 99 của dự thảo, về nguyên tắc nhà nước thống nhất quản lý về đất đai nên nhà nước định giá là phù hợp, nhưng phải đảm bảo quyền và lợi ích của người sử dụng đất khi nhà nước thu hồi. Tôi chọn Phương án 1: Chính phủ quy định khung giá đất thuộc khu vực giáp ranh các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khi giá đất tăng hoặc giảm 20% so với khung giá đất Chính phủ sẽ điều chỉnh khung giá đất cho phù hợp ở địa phương cũng như vậy. Có như vậy mới đảm bảo cho người dân không bị thiệt thòi khi bị nhà nước thu hồi đất.

Ở Điều 178, các thủ tục hành chính về đất đai, giao cho Chính phủ quy định các thủ tục hành chính về đất đai. Theo quy định Điều 32a, Bộ Luật tố tụng dân sự: khi giải quyết vụ việc dân sự tòa án có quyền hủy quyết định cá biệt rõ ràng là trái pháp luật của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, của cơ quan tổ chức xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Trên thực tế nói chung và của đồng bằng Sông Cửu Long nói riêng thủ tục về cấp quyền sử dụng đất cho hộ gia đình đều không có quyết định giao đất nên khi giải quyết các vụ án tranh chấp về quyền sử dụng đất khi tòa phát hiện thấy việc cấp quyền sử dụng đất cho các đương sự sai thì tòa án có quyền hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được hay không? vấn đề này có rất nhiều ý kiến.

Điều 163 Bộ luật dân sự quy định tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá trị và các quyền tài sản, như vậy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là tờ giấy ghi nhận trên bìa mặt bao gồm các ký tự thông tin về thửa đất, về người có quyền sử dụng đất, nói cách khác quyền sử dụng đất không phải là quyết định hành chính nên tòa án không có quyền hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vì nó không phải là quyết định cá biệt. Để khắc phục những vướng mắc trên, tôi đề nghị khi Chính phủ quy định Điều 178 của dự thảo cần quy định rõ trước khi cấp quyền sử dụng đất cho cơ quan , tổ chức, hộ cá nhân v.v... thì phải ra quyết định giao đất, quyết định giao đất mới là đối tượng khởi kiện của vụ án hành chính, mới là đối tượng để xem xét khi giải quyết các vụ án dân sự quy định tại Điều 30 a Bộ luật tố tụng dân sự.

Điều 82 hòa giải tranh chấp đất, nên quy định thời hạn là 30 ngày kể từ ngày Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nhận được đơn như Luật đất đai hiện hành. Điều 183 thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai. Theo tôi tranh chấp đất đai là giao cho Tòa án nhân dân giải quyết bởi những lý do sau.

Thứ nhất, theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường đến năm 2015 cơ bản cấp xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên toàn quốc. Những người không có giấy tờ ở Khoản 1, 2, 5 Điều 88 là không còn hoặc còn rất ít.

Thứ hai, việc giải quyết tranh chấp đất đai của tòa án tiến hành theo trình tự tố tụng chặt chẽ, chính xác và nhanh chóng. Nếu quy định như ở Khoản 2, Điều 183 của dự thảo giải quyết kéo dài và không có điểm dừng. Ví dụ ở Điểm a, Khoản 2, Điều 183 tranh chấp đất đai mà các đương sự không có giấy tờ quy định ở Khoản 1, 2 và 5 Điều 88 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện giải quyết, nếu một trong hai đương sự không thống nhất với quyết định của Ủy ban nhân dân huyện thì khiếu kiện lên Tòa án nhân dân tỉnh giải quyết. Trường hợp quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh giữ nguyên quyết định của Ủy ban huyện thì một trong hai đương sự có quyền khởi kiện ra tòa, trường hợp này Tòa án nhân dân huyện sẽ thụ lý giải quyết và một trong hai đương sự không đồng ý với bản án của Tòa án nhân dân huyện thì sẽ kháng cáo lên Tòa án nhân dân tỉnh xét xử phúc thẩm, trường hợp quyết định của cấp phúc thẩm hủy 2 quyết định của Ủy ban nhân dân huyện và tỉnh thì vụ án sẽ trở lại ban đầu vì Tòa án 2 cấp không có quyền giải quyết tranh chấp đất đai giữa hai đương sự mà chỉ xem xét tính đúng đắn của 2 quyết định của Ủy ban nhân dân huyện và Ủy ban nhân dân tỉnh. Vấn đề này cũng được đại biểu Trịnh Thị Thanh Bình đoàn Bến Tre đã phân tích. Như vậy, khiếu nại sẽ kéo dài gây bức xúc của nhân dân, theo Báo cáo của Tổng thanh tra Chính phủ trong số 528 vụ đã rà soát thì có vụ kéo dài đến 50 năm.

Kính thưa Quốc hội, nếu giao thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai cho Tòa án thì áp lực công việc sẽ tăng lên, nhưng với trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, ngành Tòa án sẽ hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc và không phụ lòng Quốc hội giao. Tôi xin hết ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan