Ý kiến của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam

Thứ Năm 15:49 28-04-2011

Hà nội, ngày 27 tháng 4 năm 2011

Số: 071/HHBH/2011

V/v: Kiến nghị dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ người tiêu dùng

Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam nhận được công văn số 0922/PTM-PC ngày 25/4/2011 của VCCI về việc góp ý hoàn thiện Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cơ bản nhất trí với dự thảo trên. Song do đặc thù của hoạt động kinh doanh bảo hiểm đã chịu sự điều chỉnh của Luật Kinh doanh Bảo hiểm và các văn bản hướng dẫn thi hành nên Hiệp hội Bảo hiểm có ý kiến như sau:

1. Hợp đồng bảo hiểm có đặc thù riêng :

Tại điều 14 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định “Hình thức hợp đồng bảo hiểm:

- Hợp đồng bảo hiểm phải được lập thành văn bản;

- Bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm là Giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm và các hình thức khác do pháp luật quy định .”

Trên thực tế có các hình thức thể hiện hợp đồng bảo hiểm như sau:

1.1. Hợp đồng bảo hiểm được ký kết trực tiếp giữa bên bảo hiểm và bên tham gia bảo hiểm, thường là mẫu hợp đồng với một số nội dung soạn sẵn và một số nội dung hai bên thoả thuận (lựa chọn rủi ro được bảo hiểm, lựa chọn các điều khoản bổ sung mở rộng thêm rủi ro bảo hiểm, tăng hay giảm phạm vi loại trừ bảo hiểm)

1.2. Đơn bảo hiểm với nội dung tương tự như một hợp đồng bảo hiểm nhưng chỉ ký đơn phương của doanh nghiệp bảo hiểm (còn gọi là doanh nghiệp bảo hiểm cấp đơn bảo hiểm cho người tham gia bảo hiểm) đi kèm với đơn bảo hiểm là giấy yêu cầu bảo hiểm của bên mua bảo hiểm. Có thể hiểu trường hợp này là Giấy yêu cầu bảo hiểm là bản chào mua và Đơn bảo hiểm là bản chấp nhận bán theo đúng yêu cầu của người mua.

1.3. Giấy chứng nhận bảo hiểm thường cấp cho người mua bảo hiểm với các đối tượng bảo hiểm mà đánh giá rủi ro không phức tạp như bảo hiểm cho ô tô, xe máy, tai nạn sức khoẻ cho từng người. Vậy nếu phải đăng ký với Bộ Công thương thì doanh nghiệp bảo hiểm phải đăng ký như thế nào cho phù hợp với đặc thù trên.

2. Hợp đồng bảo hiểm, đơn bảo hiểm, giấy chứng nhận bảo hiểm thường dẫn chiếu Quy tắc điều khoản điều kiện bảo hiểm được ban hành theo Quyết định hoặc Thông tư của Bộ Tài chính hoặc Quyết định của doanh nghiệp bảo hiểm.

Điều 20 Nghị định 45/2007 quy định: “Quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm

1. Bộ Tài chính ban hành các quy tắc, điều khoản bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với từng loại hình bảo hiểm bắt buộc.

2. Đối với các sản phẩm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ; bảo hiểm sức khoẻ và bảo hiểm tai nạn con người bổ trợ cho bảo hiểm nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ phải tuân thủ quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm được Bộ Tài chính phê chuẩn.

3. Đối với các sản phẩm bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ được phép chủ động xây dựng và triển khai quy tắc, điều khoản và biểu phí bảo hiểm .”

Như vậy Quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm đã được Bộ Tài chính ban hành và phê duyệt tại khoản 1, 2 điều 20 có cần thiết phải đăng ký lại với Bộ Công thương đính kèm hợp đồng, đơn bảo hiểm, Giấy chứng nhận bảo hiểm hay không?

3. Việc bán sản phẩm bảo hiểm bắt buộc (như bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới do Bộ Tài chính ban hành tại các Thông tư tương ứng 220/2010/TT-BTC và 126/2008/TT-BTC) cũng như bán sản phẩm bảo hiểm khác do Bộ Tài chính ban hành sau này (như thí điểm triển khai bảo hiểm nông nghiệp). Vì đã có quy tắc, điều khoản, mức trách nhiệm biểu phí bắt buộc (nội dung chính của hợp đồng bảo hiểm) doanh nghiệp bảo hiểm và cả bên mua bảo hiểm không được phép sửa đổi bổ sung. Vậy đối tượng này có cần đăng ký hợp đồng, giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm với Bộ Công thương hay không?

4. Thực hiện chủ trương của Chính phủ cải cách thủ tục hành chính

Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam kiến nghị hợp đồng bảo hiểm và các hình thức khác (Giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm) trước đây đã do Bộ Tài chính là cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm thực hiện nhiệm vụ kiểm tra giám sát thì nay nên tiếp tục giao cho Bộ Tài chính thực hiện theo đúng Luật Kinh doanh bảo hiểm, không phải đăng ký với Bộ Công thương phát sinh thủ tục hành chính, tăng thêm bộ phận chuyên môn hiểu biết về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, Luật Kinh doanh bảo hiểm để quản lý đăng ký hợp đồng mẫu.

Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải đăng ký hợp đồng bảo hiểm mẫu với Bộ Tài chính trước khi triển khai bán bảo hiểm. Chúng tôi được biết Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm nên có thể lồng ghép nội dung đăng ký hợp đồng bảo hiểm vào các văn bản nói trên.

Trân trọng.

HIỆP HỘI BẢO HIỂM VIỆT NAM

TỔNG THƯ KÝ

 

Phùng Đắc Lộc

Các văn bản liên quan