Góp ý của Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Loan – TP Hà Nội

Thứ Tư 15:48 27-10-2010

Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin phép được đóng góp một số ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm. Về sự cần thiết, tôi đồng tình theo các ý kiến trước đây là chúng ta cần thiết phải sửa đổi luật bảo hiểm này, vì qua 10 năm chúng ta ban hành luật này và trong thực tế chúng ta thấy còn có nhiều điều phàn nàn về vấn đề bình đẳng trong môi trường kinh doanh bảo hiểm của Việt Nam cũng như việc sử dụng nguồn tiền mà nhân dân đóng bảo hiểm như thế nào, đặc biệt là vấn đề bảo vệ lợi ích của người được bảo hiểm như thế nào, bởi vì vẫn còn có đâu đó một số nơi người được bảo hiểm chưa được bảo vệ một cách thỏa đáng. Qua đây tôi xin đóng góp một số ý kiến như sau.

Một là về vấn đề dịch vụ qua biên giới, doanh nghiệp bảo hiểm được phép kinh doanh tại Việt Nam. Theo Điều 2 Luật kinh doanh bảo hiểm quy định: trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác với quy định của luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó. Trong Điều 6 của luật này quy định: tổ chức, cá nhân có nhu cầu bảo hiểm chỉ được tham gia bảo hiểm tại doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động tại Việt Nam. Tuy nhiên Việt Nam đã tham gia WTO, theo đó có cam kết về vấn đề tham gia hoạt động kinh doanh tại thị trường Việt Nam của các công ty nước ngoài. Như vậy các công ty bảo hiểm nước ngoài được phép cung cấp dịch vụ tại Việt Nam và luật hiện hành của chúng ta chưa cho phép cho nên tôi cũng rất đồng tình việc chúng ta sửa đổi và cho phép dịch vụ qua biên giới của bảo hiểm. Tuy nhiên chúng tôi cũng đề nghị phải có những quy định rất cụ thể, đặc biệt trong đó có vấn đề thuế nhà thầu và có những hướng dẫn cụ thể hơn trong vấn đề thuế nhà thầu để tránh đánh thuế hai lần.

Vấn đề thứ hai là bảo hiểm bắt buộc, tại Điều 8 tại Luật kinh doanh bảo hiểm có quy định: các doanh nghiệp trong nước phải mua một số bảo hiểm bắt buộc, ví dụ bảo hiểm cháy, nổ, bảo hiểm trách nhiệm. Tuy nhiên hiện nay không có hướng dẫn cụ thể nào quy định mức tối thiểu mà doanh nghiệp trong nước phải mua cũng như có một chế tài chặt chẽ đảm bảo việc thực hiện quy định này một cách nghiêm túc, việc này có thể dẫn đến việc quy định không có tác dụng. Cho nên, tôi đề nghị xem lại Điều 8 của Luật kinh doanh bảo hiểm để quy định cụ thể hơn về bảo hiểm bắt buộc.

Vấn đề về tái bảo hiểm bắt buộc. Tại Điều 9 quy định tái bảo hiểm bắt buộc, tôi cũng đồng ý với dự thảo cũng như Báo cáo thẩm tra là bỏ điều tái bảo hiểm bắt buộc.

Tiếp theo là điều kiện về cấp phép và năng lực tài chính. Tôi cũng đồng tình với dự thảo và Báo cáo thẩm tra là chúng ta phải đưa điều kiện bắt buộc này vào, đưa quy định cụ thể hơn và nó phải tương tự như ngân hàng. Bởi vì hoạt động bảo hiểm là một hoạt động rất rủi ro, cho nên quy định về điều kiện cấp giấy phép và những năng lực tài chính bắt buộc nhất thiết phải cần thiết đưa vào. Nhưng tôi đề nghị phải đưa vào cụ thể, quy định thật là cụ thể ngay trong luật này, tránh bớt những việc giao cho Chính Phủ cũng như những ý kiến trước tôi đã nói là giao cho Bộ Tài chính. Tôi đề nghị đưa ngay vào trong luật về những quy định cụ thể về năng lực tài chính cũng như các điều kiện cấp phép cho các doanh nghiệp họat động trong kinh doanh bảo hiểm tại Việt Nam.

Vấn đề tiếp theo về trích lập quỹ dự phòng. Về trích lập quỹ dự phòng tôi cũng rất đồng tình với dự thảo cũng như Báo cáo thẩm tra là chúng ta nhất thiết phải yêu cầu trích lập quỹ dự phòng. Một số ý kiến trước tôi cho rằng không nên trích quỹ dự phòng, nhưng theo tôi nghĩ nhất thiết phải trích quỹ dự phòng. Bởi vì hoạt động của bảo hiểm cũng có nhiều rủi ro như hoạt động của ngân hàng. Cho nên trích lập quỹ dự phòng là một điều kiện bắt buộc. Tuy nhiên, tôi cũng đề nghị cần phải quy định rõ hơn và cụ thể ngay trong luật này là hình thức, nội dung cũng như mức độ, tỷ lệ bao nhiêu trong trích lập Quỹ dự phòng.

Vấn đề tiếp theo là vấn đề về sử dụng các kênh phân phối để phát triển thị trường bảo hiểm lành mạnh. Hoạt động bảo hiểm thực sự có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế của đất nước và bảo toàn ổn định kinh tế của đất nước, cũng như các hình thức thúc đẩy để bảo vệ, cũng như hình thức thúc đẩy hoạt động các bảo hiểm cần được chú trọng. Nhưng vừa qua thì hình thức hợp tác với các ngân hàng, các hiệp hội là một hình thức rất phổ biến ở các nước và cũng đã được áp dụng ở các nước trên thế giới. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì hiện nay theo quy định tại Điều 22, Nghị định 41 là các công ty môi giới bảo hiểm không được phép sử dụng hợp tác với các kênh phân phối này để phát triển sản phẩm bảo hiểm. Quy định này, tôi cho rằng đây cũng là một sự kìm hãm sự phát triển của thị trường bảo hiểm, cho nên tôi cũng đề nghị xem lại quy định này.

Vấn đề tiếp là phí môi giới, hiện nay theo như quy định thì tại Điều 6, Thông tư 155 có quy định Công ty bảo hiểm sẽ được thanh toán môi giới, phí cho doanh nghiệp môi giới bảo hiểm. Tuy nhiên, quy định này chỉ cho phép hoa hồng tối đa mà doanh nghiệp được hưởng là 15% trên phí bảo hiểm. Trong khi đó thì phí đại lý mà chúng ta vẫn thấy các bảo hiểm khác đang thực hiện thì có nhiều nơi đến 30%, cho nên tỷ lệ 15% mà mình quy định như thế cũng có vẻ không hợp lý. Và tôi cho rằng cũng phải xem xét lại mức đó hoặc cũng có thể để các công ty bảo hiểm, môi giới tự định đoạt phí đó. Trên đây là một số ý kiến tôi xin đóng góp với dự thảo Luật kinh doanh bảo hiểm của Việt Nam. Xin hết.

Các văn bản liên quan