Góp ý của Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Lan – Quảng Ninh

Thứ Tư 15:45 27-10-2010

Kính thưa Quốc hội,

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm tôi xin tham gia vào nội dung quy định trích lập Quỹ bảo vệ quyền lợi người được bảo hiểm. Theo tôi việc trích lập quỹ bảo vệ quyền lợi người được bảo hiểm là cần thiết để bảo vệ quyền lợi của người được bảo hiểm khi doanh nghiệp không còn khả năng thanh toán và thực hiện trách nhiệm đối với người được bảo hiểm. Việc trích quỹ dự phòng tài chính thì việc đó được quy định đối với việc đảm bảo cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy, tôi xin tham gia vào phần này như sau:

Về nội dung quy định trích, lập quỹ bảo vệ quyền lợi người được bảo hiểm tại Khoản 3, Điều 97 dự thảo luật và dự thảo nghị định quy định chi tiết thi hành Luật kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) có quy định như sau: Tại Khoản 3, Điều 97 dự thảo luật quy định: "Doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm phải trích lập quỹ bảo vệ người được bảo hiểm trên cơ sở doanh thu phí bảo hiểm". Tuy nhiên trong dự thảo nghị định quy định chi tiết thi hành luật có một số điểm chưa đồng nhất với dự thảo luật. Cụ thể, trong Chương V dự thảo nghị định quy định tên gọi của quỹ là Quỹ bảo vệ bên mua bảo hiểm. Như vậy không đồng nhất tên gọi về bên mua bảo hiểm, thực tế có trường hợp không phải là người hưởng bảo hiểm. Theo tôi nên lấy tên gọi là quỹ bảo vệ người được bảo hiểm như dự thảo luật cho đồng nhất.

Một điểm nữa không đồng nhất giữa dự thảo luật và dự thảo nghị định đó là quy định các khoản thu trích lập quỹ. Theo dự thảo luật thì nguồn trích lập quỹ là từ doanh thu phí bảo hiểm và quy định của dự thảo luật của dự thảo nghị định lại là lệ phí do các doanh nghiệp bảo hiểm đóng góp, thu nhập từ hoạt động đầu tư, thu do thanh lý tài sản của doanh nghiệp phá sản và tiền vay các khoản khác v.v.... Như vậy phần thu từ doanh nghiệp chưa thống nhất thu từ lệ phí hay thu từ doanh thu phí bảo hiểm. Ý kiến của tôi thì doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm sẽ trích lập quỹ trên cơ sở doanh thu bảo hiểm là hợp lý.

Qua quy định của dự thảo nghị định thì tôi hiểu quỹ bảo vệ quyền lợi người được bảo hiểm không trích lập tại doanh nghiệp mà sẽ được một tổ chức khác quản lý quỹ này. Như vậy thì trong dự thảo luật cũng như trong dự thảo nghị định chưa quy định cơ quan nào sẽ quản lý quỹ này và cơ chế quản lý quỹ như thế nào cũng chưa được rõ. Vì vậy, tôi đề nghị cần quy định rõ hơn tại dự thảo luật, nếu không cũng phải được quy định rõ trong dự thảo của nghị định. Hiện nay dự thảo nghị định đang quy định nhưng cũng chưa rõ là cơ quan nào sẽ quản lý quỹ này.

Bên cạnh việc quy định một số điểm chưa đồng nhất giữa dự thảo luật và dự thảo nghị định, dự thảo nghị định còn một số điểm quy định rất chung chung và khó thực hiện. Ví dụ như việc quản lý và sử dụng quỹ bảo vệ, bên mua bảo hiểm có quy định Bộ Tài chính chỉ định tổ chức quản lý và phân bổ tiền trong quỹ. Quy định như vậy chưa rõ cơ chế quản lý, chủ thể quản lý và việc sử dụng quỹ.

Về lệ phí đóng góp, dự thảo nghị định quy định doanh nghiệp bảo hiểm phải đóng góp lệ phí vào quỹ bảo vệ bên mua bảo hiểm trước ngày 31 tháng 12 hàng năm hoặc vào ngày khác theo tỉ lệ là bao nhiêu, định kỳ như thế nào cũng do Bộ Tài chính quy định. Như vậy cũng rất là chung chung, không rõ về mức đóng góp, không rõ về thời gian đóng góp và tỉ lệ quỹ như thế nào.

Về quy định dừng đóng lệ phí, dự thảo nghị định quy định: Bộ Tài chính có quyền quyết định dừng đóng lệ phí đóng góp khi thấy số tiền đã đóng trong quỹ bảo vệ bên mua bảo hiểm đã đủ lớn. Quy định như vậy không rõ bao nhiêu là đủ lớn và đủ lớn đối với từng loại doanh nghiệp bảo hiểm hay đối với tổng số tiền trong quỹ. Tôi đề nghị cần quy định rõ tỷ lệ quỹ cần đạt tới so với yêu cầu cần thiết để bảo vệ quyền lợi của người được bảo hiểm mang tính định lượng, không quy định như vậy rất chung chung và không thể thực hiện được.

Về các khoản chi của quỹ bảo vệ bên mua bảo hiểm, dự thảo luật quy định chi phí hành chính, pháp lý, chi phí khác để duy trì ký quỹ bảo vệ bên mua bảo hiểm. Theo tôi phần này cần quy định rõ nội dung chi phí là chi trả bảo hiểm cho người được bảo hiểm theo đúng mục tiêu bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm. Vì mục đích của quỹ cũng chính là thực hiện bảo vệ quyền lợi của người được bảo hiểm, khi mà doanh nghiệp không có đủ khả năng thực hiện trách nhiệm trả bảo hiểm cho người được quyền bảo hiểm. Vì vậy tôi thấy trong nghị định cũng cần phải quy định rõ về vấn đề này, nhằm giúp cho doanh nghiệp cũng như giúp cho người tham gia bảo hiểm hiểu được và cũng như là thực hiện tham gia bảo hiểm hấp dẫn hơn.

Tôi xin được tham gia ý kiến như vậy. Xin cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan