Góp ý của Đại biểu Quốc hội Cao Ngọc Xuyên – Bạc Liêu

Thứ Tư 15:44 27-10-2010

Kính thưa Quốc hội,

Tôi cơ bản nhất trí với sự cần thiết và nhiều nội dung của lự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh Bảo hiểm do Chính phủ trình và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Tôi xin góp 4 ý kiến như sau:

Thứ nhất, về đề nghị bổ sung quy định về việc lập quỹ bảo vệ quyền lợi của người được bảo hiểm, tức là bổ sung vào Điều 97, tôi có cùng quan điểm với ý kiến của Ủy ban kinh tế không cần thiết lập quỹ này, vì chính tại Điều 97 đã quy định việc lập quỹ dự trữ bắt buộc để bổ sung vào vốn điều lệ và bảo đảm khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm. Như vậy vấn đề bảo đảm khả năng thanh toán của doanh nghiệp với khách hàng là người mua bảo hiểm tức là bảo vệ quyền lợi của người mua bảo hiểm đã được quỹ này cung cấp. Ban soạn thảo dự án luật cho rằng vì trong trường hợp gặp khủng hoảng khó khăn tài chính hoặc phá sản doanh nghiệp bảo hiểm không có tài chính để trích quỹ dự trữ này nên phải lập thêm quỹ mới là bảo vệ quyền lợi của người được bảo hiểm là chưa phù hợp. Khi doanh nghiệp bị phá sản còn trích quỹ để làm gì nữa mà làm các thủ tục và quy trình phá sản theo Luật phá sản, đã phá sản làm sao bán được bảo hiểm nữa để có phí trích quỹ. Tuy nhiên nếu trong thực tiễn hoạt động mà mức trích cho quỹ dự phòng bắt buộc chưa thực sự phục vụ tốt cho việc đảm bảo khả năng thanh toán của doanh nghiệp, có thể xem xét quy định mở rộng tỷ lệ trích quỹ cũng như nguồn trích quỹ của quỹ này nhưng không đặt ra vấn đề mở thêm quỹ mới từ nguồn doanh thu của phí bảo hiểm của doanh nghiệp.

Tuy vậy để quy định của Luật thực sự cần thiết, tôi đề nghị Bộ Tài chính cần đánh giá toàn diện và đầy đủ hơn việc thực hiện Điều 97 của luật hiện hành, vì tại Khoản 2, Điều 97 này còn có quy định: "Ngoài quỹ dự trữ bắt buộc tại Khoản 1 điều này doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm có thể lập quỹ dự trữ khác từ lợi nhuận sau thuế của năm tài chính theo quy định của điều lệ của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm". Vậy thực tế, các doanh nghiệp này đã trích và sử dụng các dự trữ đó ra sao, cần phải được đánh giá tổng kết và từ đó có quy định cho phù hợp hơn.

Ý kiến thứ hai, tại Khoản 8, Điều 1 của dự thảo luật quy định bổ sung vào Khoản 5, Điều 63 của Luật hiện hành: tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp, góp vốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải đảm bảo khả năng về tài chính và có bằng chứng để chứng minh nguồn tài chính hợp pháp của mình khi tham gia góp vốn vào thành lập doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo tôi tại Điều 63 hiện hành quy định về điều kiện của bản thân doanh nghiệp và người quản trị điều hành doanh nghiệp. Do vậy, để phù hợp giữa tên của Điều 63 và nội dung bổ sung thêm về điều kiện đối với các thành viên tham gia thành lập doanh nghiệp bảo hiểm, tôi đề nghị sửa lại nội dung này như sau: "Năm là có bằng chứng chứng minh nguồn tài chính hợp pháp của tất cả các thành viên tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp".

Ý kiến thứ ba, về nội dung sửa đổi Điểm c, Khoản 1, Điều 86 có quy định: "có chứng chỉ đại lý bảo hiểm Bộ Tài chính quy định chương trình về nội dung và hình thức đào tạo đại lý bảo hiểm, phối hợp với Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam trong việc tổ chức, đào tạo và cấp chứng chỉ bảo hiểm". Tôi đề nghị viết lại như sau: "có chứng chỉ đã được đào tạo về đại lý bảo hiểm theo chương trình, nội dung, hình thức và cơ sở đào tạo do Bộ Tài chính quy định". Viết như vậy là vừa đủ và vừa đảm bảo chặt chẽ, đảm bảo vai trò quản lý Nhà nước của Bộ Tài chính. Còn việc Bộ Tài chính có thể phối hợp với tổ chức nào đó, hiệp hội hay tập đoàn hay trung tâm đào tạo để đào tạo và cấp chứng chỉ cho người tham gia đại lý bảo hiểm là do Bộ Tài chính quyết định và chịu trách nhiệm. Luật này không nên can thiệp và quy định về vai trò của Hiệp hội bảo hiểm trong dự án luật này.

Ý kiến thứ tư, tại Khoản 6, Điều 1 dự thảo luật quy định nội dung sửa đổi Điều 15 của Luật hiện hành, tôi đề nghị thay cụm từ "nợ phí bảo hiểm" bằng cụm từ "nợ một phần hoặc nợ toàn bộ phí bảo hiểm". Nghĩa là nội dung này được viết lại như sau: "Hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết và doanh nghiệp bảo hiểm có thỏa thuận cho bên mua bảo hiểm nợ một phần hoặc toàn bộ phí bảo hiểm vì thực tiễn có thể xảy ra trường hợp cho nợ một phần, cũng có trường hợp cho nợ toàn bộ phí bảo hiểm", quy định như vậy sẽ đầy đủ hơn. Xin hết.

 

Các văn bản liên quan