Góp ý của luật sư Trần Minh Thuận – Giám đốc công ty Luật TNHH Chân Việt Luật

Thứ Sáu 15:44 13-08-2010

MỘT SỐ Ý KIẾN GÓP Ý SỬA ĐỒI BỔ SUNG

Nghị định 59/2006/NĐ-CP NGÀY 12/06/2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện

- - - - - - - - - - - - - -

Thạc sĩ - Luật sư Trần Minh Thuận

Giám đốc Công ty Luật TNHH CHÂN VIỆT LUẬT

 

Sau khi tiếp cận nghiên cứu quy định của dự thảo (2) sửa đối bổ sung Nghị định 59/2006/NĐ-CP ngày 12/06/2006, tôi xin có một số ý kiến góp ý như sau :

1. Ở phụ lục số 1 của Nghị định 59/2006/NĐ-CP theo ý kiến của tôi thì ở danh mục hàng hoá thứ 6: “Đồ chơi nguy hiểm, đồ chơi có hại tới nhân cách và sức khoẻ của trẻ em hoặc an ninh, trật tự, an toàn xã hội (bao gồm cả chương trình trò chơi điện tử) sẽ phải tách ra làm 2 mục. Khi mà tốc độ phát triển Internet phát triển quá nhanh và Việt Nam được xem là một trong mười nước sử dụng Internet đông nhất châu Á.

Tôi thấy vấn đề gì cũng có hai mặt, điểm tích cực ở đây là sự phát triển của đất nước đang ngày càng cao, Việt Nam ngày càng có cơ hội tiếp cận được với Công nghệ viễn thông tiên nhất. Tuy nhiên, những tiêu cực của nó để lại cũng không khỏi khiến chúng ta phải suy nghĩ. Những đứa trẻ khi không còn coi Internet chỉ là dụng cụ tìm kiếm thông tin mà xem đó là nơi chơi Game online và những những trang tin không lành mạnh. Tôi biết chơi game thì không có gì xấu, nhưng nghiện game cũng giống như bao loại nghiện khác đều cần xã hội quan tâm, chấn chỉnh. Chính vì vậy tôi đề xuất phải làm rõ “(chương trình trò chơi điện tử )”- những trò chơi bạo lực, khiêu gợi ảnh hưởng đến tâm lý của thanh thiếu niên ra một mục riêng. Tôi mong Chính phủ có những chính sách pháp luật quản lý chặt chẽ vấn đề này. Vì không chỉ Việt Nam mà một số nước, liên bang, tiểu bang trên thế giới cũng có những qui định khắt khe cho loại hình giải trí trên.;

Đúng là chơi game là để giải trí nhưng khi các bạn trẻ dồn hết trí lực của mình vào những màn game bạo lực thì tất phải bị ảnh hưởng. Đặc biệt khi các em còn nhỏ, tinh thần chưa vững vàng và các em cũng chưa phân biệt được rõ cái nào có lợi cái nào có hại thì cần lắm phải có những qui định rõ ràng cho những trò chơi này. Bên cạnh đó, không thể thiếu được sự quản lý giáo dục của gia đình và nhà trường cho các em học sinh là các bạn nên đầu tư thời gian, sức trẻ của mình vào đâu?

2.Ở danh mục hàng hoá số 11: Thuốc lá điếu, xì gà và các dạng thuốc lá thành phẩm khác nhập lậu, tôi thấy có nhiều ý kiến cho rằng như thế là không đúng thực tế nên cho lưu thông vì việc nhập lậu sẽ được cơ quan công an xử lý. Tuy nhiên, theo tôi thì vẫn giữ loại hàng hoá này trong danh mục hàng hoá cấm kinh doanh. Các bạn nghĩ sao khi chúng ta đang nỗ lực không ngừng cho việc hạn chế hút thuốc thì giờ chúng ta lại “nhẹ tay” cho loại hàng này. Không phải là có đúng thực tế hay không nhưng chúng ta nên xem xét hệ luỵ mà nó mang lại. Khi qui định được nới lỏng cho hàng hoá này thì xu hường buôn lậu thuốc lá sẽ tăng cao. Bởi vì lúc này họ chỉ phải dùng mọi cách để đưa hàng hoá này vào Việt Nam thôi còn quá trình tiêu thụ thì có phần nhẹ nhàng hơn. Chính điều này sẽ là nhân tố kích thích cho con người đi đến con đường phạm tội. Trong khi hàng hoá này không mang đến một lợi ích gì cho xã hội ngoài tiền. Vì vậy tôi đề nghị giữ nguyên danh mục hàng hoá này trong danh sách hàng hoá cấm kinh doanh.

 

3.Ở danh mục dịch vụ số 9: hoạt động quảng cáo đối với sản phẩm thay thế sữa mẹ dành cho trẻ em dưới 12 tháng  tuổi vào danh mục dịch vụ cấm là chưa hợp lý. Thứ nhất, thực tế cho thấy cho dù không quảng cáo nhưng nhu cầu sữa cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi vẫn cao. Bởi vì có một thực tế là không phải người mẹ nào cũng có đủ lượng sữa để cung cấp cho tốt nhất cho con mình. Lúc đó vì nhu cầu họ buộc phải tìm đến nguồn cung cấp khác ngoài sữa mẹ.Vậy chúng ta có nên cấm quảng cáo hay không? Thứ hai, hiện nay khi phụ nữ tham gia nhiều vào hoạt động công sở thì thời gian để mà cho trẻ bú cũng có giới hạn. Trong khi đó luật lại chỉ cho phép phụ nữ sau khi sinh con được nghỉ 4 tháng. Vậy nhu cầu trẻ phải bú thêm sữa ngoài là tất yếu. Ý tôi muốn nói là bú thêm song hành cùng sữa mẹ và ngày càng tăng từ tháng 6 trở đi.

Vậy theo tôi thì nên đưa mục này xuống danh mục dịch vụ hạn chế kinh doanh: “Hoạt động quảng cáo đối với các sản phẩm thay thế sữa mẹ dành cho trẻ em dưới 6 tháng tuổi”. Vì trẻ em là đối tượng đáng quan tâm nên tôi nghĩ là phải việc quản lý chất lượng sữa cho loại sữa quảng cáo cũng là điều hết sức chú ý và có những biện pháp chặt chẽ. Chúng ta không thể nuôi dưỡng tương lai của mình, thế hệ mai sau của nước nhà trên một nền tảng “bị nhiễm độc” hay “ kém chất lượng” như thế được. Chính vì vậy tôi vẫn nghĩ là nên để dịch vụ quảng cáo sữa cho trẻ em từ 6 đến 12 tháng tuổi ở loại hình kinh doanh có điều kiện.

4.Ở bảng phụ lục số 2, trong danh mục dịch vụ số 1: “Dịch vụ karaoke, vũ trường, xoa bóp (massage, tẩm quất). Khi mà mức sống ngày càng cao thì loại hình kinh doanh này tăng theo là một điều không có gì là. Sau 4 năm ngừng cấp phép kinh doanh thì hiện nay loại hình kinh doanh này đang được nhà nước xem xét để cho cấp phép lại. Điều này chứng tỏ rằng mọi thứ phải đi theo đúng qui luật của kinh tế thị trường. Chính vì vậy tôi nghĩ rằng hoạt động này chỉ nên đưa xuống loại hình dịch vụ kinh doanh có điều kiện là hợp lý. Bởi vì, theo tôi được biết giới trẻ bây giờ xem hát karaoke là hoạt động lành mạnh, chỉ để giải trí và nhu cầu này ngày càng cao. Khi chúng ta xem vấn đề gì đó ở phương diện tốt thì nhất định là sẽ đem đến mặt tích cực nhiều hơn. Tiêu cực ở đây nằm trong công tác quản lý lỏng lẻo mà thôi. Bây giờ không những ngưòi trẻ, già mà dân công sở cũng tìm đến karaoke, vũ trường, xoa bóp để sinh hoạt tập thể và thư giãn cho cá nhân ngày càng nhiều. Vậy thì chẳng có lý do gì mà hạn chế một loại hình kinh doanh như thế.. Quan trọng là vấn đề này phải nằm trong diện ưu tiên trong công tác quản lý và giáo dục. Tôi nghĩ đối với Sàn, quán Bar thì luật pháp cần có những qui chặt chẽ để quản lý sao cho đối tượng vào nơi này phải ở một độ tuổi thích hợp (ít nhất khi người đó ở vào độ tuổi tự lập về tài chính).

Vậy tóm lại, theo tôi dịch vụ karaoke, vũ trường, xoa bóp là một dịch vụ nên mở rộng xuống là dịch vụ kinh doanh có điều kiện. Chúng ta nên xem nó là một loại hình giải trí lành mạnh và cũng chính cách chúng ta xây dựng nó sẽ biến nó là ai. Khi đó, những kẻ có tinh thần ham chơi, thác loạn giảm dành qui mô hoạt động.

5. Danh mục dịch vụ số 5 ( phụ lục 2): Dịch vụ chứng thực chữ ký công cộng theo tôi thì nên sửa đổi mở rộng. Tốc độ phát triển internet ở VN rất cao, hoạt động tín dụng thư qua điện tử là một tiềm năng lớn. Tuy nhiên, sở dĩ nó vẫn chưa phát triển và còn xa lạ với nhiều người là vì quá hạn chế về nhà cung cấp, chính vì vậy không có dức cạnh tranh cho loại hình dịch vụ này. Theo Nghị định số 26/2007/ NĐ-CP thì chỉ có Bộ bưu chính viễn thông được cung cấp loại hình dịch vụ này, trong khi hiện nay có rất nhiều nhà cung cấp dịch vụ Internet như FPT, EVN Telecom, Vietel, CMC (CMC TI). Tôi đề nghị là được mở rộng nhà cung cấp điều này đem đến nhiều sự lựa chọn hơn cho khách hàng, chất lượng cung cấp dịch vụ sẽ cao hơn.

6. Ở phụ lục số 3, có một ý kiên ở phần dịch vụ ở danh mục số 23: Hoạt động kinh doanh Casino và trò chơi điện tử có thưởng. Mỗi người đều có những nhu cầu nhất định cho mình có những mong muốn riêng và sẽ không nguy hại nếu chúng ta để nó trong giới hạn. Trước đây casino và trò chơi có thưởng bị cấm ở VN, nhưng rồi chuyển qua hạn chế và kinh doanh có điều kiện. Điều đó chứng minh là có một lượng nhu cầu rất lớn cho loại hình dịch vụ này. Hiện nay, Casino ở VN chỉ giới hạn cho người nước ngoài, nhưng tôi không nghĩ rằng các Casino ở Việt Nam chỉ có người nước ngoài tham gia. Đó là chưa kể người Việt Nam chúng ta “ôm” tiền qua Ma Cao, Campuchia đáp ứng nhu cầu này. Vậy chúng ta nên xem xét kỹ lại xem là có cần thiết phải quá thắt chặt hoạt động này chỉ ở khâu giấy phép kinh doanh và đối tượng của loại hình dịch vụ này không? Trong khi nếu muốn người ta vẫn có thể tham gia được. Và một điều nữa là phát triển Casino là ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của đất nước nhưng thực tế các nước trên thế giới lại chứng minh điều ngược lại.

7. Trong phụ lục 3, phần dịch vụ, tôi thấy cần thừa nhận và bổ sung vào dịch vụ thám tử. Trong quá trình hành nghề luật sư (và với thâm niên làm trong ngành toà án, giáo viên) tôi thấy nhu cầu của xã hội, của dân chúng đối với dịch vụ tham tử là rất nhiều. Đây là nhu cầu thực sự mà chưa có một cơ quan tổ chức nào tại Việt Nam có chức năng thực hiện một cách công khai. Hậu quả là nhân dân không được phục vụ kịp thời lợi ích hợp pháp của mình, tức là sẽ có sự thiệt thòi, mất mát, đau khổ nhất định nào đó trong công chúng. Những nhu cầu rất cơ bản và mang tính người, tính xã hội – ví dụ: cha mẹ tìm con cái đi lạc, nguồn tiền tiêu xài của vợ chồng có nguồn gốc bất hợp pháp hay không, di sản thừa kế do người chết để lại đang ở đâu… Chính những nhu cầu này nếu được đáp ứng hợp pháp (mà không xâm hại đến an ninh quốc gia, trật tự công cộng..) thì cũng là một cơ sở nâng cao chất lượng cuộc sống ở Việt Nam.

 

Công ty Luật TNHH CHÂN VIỆT LUẬT

Giám đốc

 

 

Thạc sĩ - Luật sư Trần Minh Thuận

Các văn bản liên quan