Đưa hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản vào Phụ lục I là đi ngược lại với xu hướng quốc tế

Thứ Tư 08:34 11-08-2010


 

Tôi cho rằng không nên đưa hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản vào Phụ lục I Danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, bởi vì quy định này hoàn toàn  không phù hợp với xu hướng phát triển hiện nay của thị trường vàng Việt Nam và đi ngược với xu hướng hội nhập quốc tế. Bởi vì hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài là hoạt động không thể thiếu giúp các doanh doanh nghiệp và ngân hàng thương mại phòng ngừa rủi ro trong hoạt động kinh doanh vàng và huy động vốn bằng vàng thông qua các công cụ phái sinh (kỳ hạn, quyền chọn, tương lai, hoán đổi…). Như chúng ta đã biết giá vàng trong nước chịu tác động của nhiều yếu tố nên biến động rất phức tạp, khó lường trước được xu hướng, nhưng luôn biến động theo xu hướng giá vàng quốc tế. Khi doanh nghiệp bán vàng ở trong nước, thì đồng thời sẽ mua đối ứng một lượng tương ứng trên tài khoản ở nước ngoài với kỳ hạn nhất định tùy thuộc vào chiến lược kinh doanh của mỗi doanh nghiệp. Ngược lại, khi mua ở trong nước, thì sẽ bán trên tài khoản ở nước ngoài. Hoạt động này giúp doanh nghiệp cân bằng được trạng thái vàng trong nước với trạng thái vàng ở nước ngoài, như vậy sẽ phòng ngừa được rủi ro do biến động giá vàng thông qua công cụ kỳ hạn hoặc quyền chọn. Hơn nữa giao dịch trên tài khoản ở nước ngoài chỉ cần ký quỹ khoảng 5-10%, do vậy cũng giảm đáng kể chi phí vốn kinh doanh cho doanh nghiệp. Đối với hoạt động huy động vốn bằng vàng của các NHTM cũng vậy, khi huy động vàng ở trong nước, NHTM thường bán một lượng vàng theo tỷ lệ quy định để chuyển thành vốn VND cho vay, đồng thời sẽ mua vàng đối ứng trên tài khoản ở nước ngoài. Khi có điều kiện thuận lợi về giá, NHTM sẽ đóng trạng thái vàng ở nước ngoài để mua lại số vàng đã bán trong nước. 

 

Nếu cấm hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài, thì các doanh nghiệp và NHTM sẽ không thể kiểm soát được rủi do biến động giá vàng, đồng thời các NHTM sẽ phải ngừng hoạt động huy động vốn bằng vàng. Như vậy chúng ta sẽ không thể huy động được nguồn vốn nhàn rỗi bằng vàng trong dân, trong khi đang thiếu vốn để đầu tư phát triển kinh tế. Theo ước tính sơ bộ dựa trên số liệu vàng nhập khẩu chính ngạch trong những năm qua, hiện nay nguồn vàng trong dân còn khoảng 600 tấn, đó là chưa kể nguồn vàng được tích trữ từ xa xưa và nguồn vàng nhập lậu vào Việt Nam. Đây quả thực là nguồn vốn đầy tiềm năng, ít tốn kém chi phí hơn nhiều so với nguồn vốn huy động trên thị trường quốc tế.

 

Hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản hiện đang chiếm khoảng hơn 2/3 giao dịch vàng trên thị trường quốc tế, trong khi Việt Nam đã trở thành thành viên của WTO và đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào cộng đồng quốc tế, sao lại cấm hoạt động này?.

 

Đối với hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản ở trong nước, nếu được cho phép thực hiện trong khuôn khổ pháp lý phù hợp, thì sẽ đem lại nhiều lợi ích rất thiết thực. Bởi vì từ trước đến nay thị trường vàng Việt Nam chủ yếu giao dịch vàng vật chất nên hàng năm phải tiêu tốn ngoại tệ để nhập khẩu vàng. Nếu chuyển mạnh từ giao dịch vàng vật chất sang giao dịch vàng trên tài khoản trong nước sẽ giảm đáng kể lượng vàng nhập khẩu hàng năm, qua đó góp phần tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước, đồng thời phù hợp với chủ trương của Chính phủ về giảm nhập siêu và kìm chế lạm phát. Quan trọng hơn là thông qua hoạt động giao dịch vàng trên tài khoản, cơ quan quản lý nhà nước có thể giám sát, quản lý được luồng vốn đầu tư và lượng vàng giao dịch trên thị trường để điều hành chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ. Ngoài ra, giá vàng sẽ được phản ánh một cách khách quan, trung thực dựa trên việc khớp lệnh mua bán của các nhà đầu tư, chứ không phải do các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh tự định giá như giao dịch vàng vật chất hiện nay. Còn các nhà đầu tư sẽ được tư vấn chu đáo, kinh doanh trong môi trường có tính thanh khoản cao và áp dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro, như các lệnh chặn lỗ, chốt lời,… Không những thế, hoạt động này còn làm cho giá vàng trong nước biến động theo sát giá vàng quốc tế, góp phần giảm thiểu tình trạng xuất, nhập khẩu lậu vàng qua biên giới đang diễn biến phức tạp như hiện nay. Đặc biệt giao dịch vàng trên tài khoản trong nước cũng góp phần tiết kiệm đáng kể chi phí cho các doanh nghiệp kinh doanh vàng, như các chi phí nhập khẩu, sản xuất, gia công, kho bãi, vận chuyển, bảo hiểm…  

 

Hơn nữa, hiện nay trên thế giới gần như không có quốc gia nào cấm hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản, đơn cử như Trung Quốc vừa rồi đã mở rộng hoạt động này và nhiều hoạt động khác trên thị trường vàng, nhất là hoạt động của Sở Giao dịch vàng của Thượng Hải. Tôi thấy Việt Nam thường tiếp thu kinh nghiệm của Trung Quốc, vì vậy các Bộ Ngành có liên quan nên đi khảo sát kinh nghiệm của Trung Quốc để trước mắt thành lập Trung tâm giao dịch vàng, sau đó thành lập Sở giao dịch vàng như Sở giao dịch vàng Thượng Hải. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2010, lượng vàng giao dịch qua Sở giao dịch vàng Thượng Hải đã đạt tới con số khổng lồ 3.174,50 tấn. Nếu Việt Nam cũng thành lập Trung Tâm giao dịch vàng Quốc gia, thì tôi tin chắc rằng lượng vàng giao dịch cũng không kém gì Trung Quốc (Trước đây, chỉ tính riêng lượng vàng giao dịch qua Trung tâm giao dịch vàng Ngân hàng Á Châu trong một ngày đã đạt tới gần 700.000 lượng). Với hình thức giao dịch này, nguồn thu thuế cho Ngân sách Nhà nước sẽ tăng đáng kể, kể cả thuế thu nhập cá nhân. Hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản ở trong nước vừa ích nước, vừa lợi nhà (có lợi cho cả doanh nghiệp, nhà đầu tư và Nhà nước), đồng thời làm cho thị trường vàng phát triển lành mạnh. Vậy sao lại cấm?

 

Vì vậy tôi đề nghị Bộ Công thương và các Bộ, ngành có liên quan nên xem xét lại, không nên đưa hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản vào Phụ lục I Danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh.

Các văn bản liên quan