Chủ trương tự do, thực tế ngăn cấm – Luật sư Trương Thanh Đức – Chủ tịch Công ty Luật BASICO

Thứ Ba 14:56 10-08-2010

Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi

Nghị định 59/2006 về điều kiện kinh doanh

 

Hội thảo VCCI ngày 10-8-2010

 

Chủ trương tự do, thực tế ngăn cấm

 

                                                                                         Luật sư Trương Thanh Đức

                                                                                     Chủ tịch Công ty Luật BASICO

 

Số lượng ngành, nghề, hàng hoá, dịch vụ bị ngăn cấm trong kinh doanh đã được gia tăng một cách nhanh chóng trong một thập kỷ qua. Nếu như năm 1999 mới chỉ có 29 loại hàng hoá, dịch vụ bị đặt vào vòng cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện, thì đến nay con số đó đã “tăng trưởng” vượt bậc trên 500%.

Bảng tổng hợp Danh mục hàng hoá, dịch vụ bị cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện

TT

Hàng hoá, dịch vụ

Năm 1999

Năm 2002

Năm 2006

Đến

8-2010

Cuối 2010

1.      

Hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh

10

11

23

33

34

2.      

Điều kiện kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh

5

5

8

11

12

3.      

Điều kiện kinh doanh hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện

14

22

92

108

111

 

Tổng cộng

29

38

123

152

157

Ghi chú:   Năm 1999  : Theo Nghị định số 11/1999/NĐ-CP ngày 03-3-1999.

                        Năm 2002  : Theo Nghị định số 11/1999/NĐ-CP và được bổ sung theo Nghị định số 73/2002/NĐ-CP ngày 20-8-2002.  

                        Năm 2006  : Theo Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12-6-2006.

                        Đến 8-2010: Theo Nghị định số 59/2006/NĐ-CP và được bổ sung theo các văn bản hiện hành liên quan.

                        Cuối 2010   : Theo Nghị định số 59/2006/NĐ-CP và dự kiến bổ sung theo Dự thảo Nghị định 8-2010.

Chưa bàn đến chuyện “rào cản” nhiều là tốt hay không tốt, nhưng chắc chắn đó là các “chướng ngại vật” mà doanh nghiệp buộc phải vượt qua trên con đường sinh tồn. Để tránh cho doanh nghiệp đâm đầu vào bụi rậm, phạm luật mà không biết, thì hoặc là phải ít rào cản hoặc là đòi hỏi rào cản phải rõ ràng, minh bạch. Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12-6-2006 và Dự thảo Nghị định này là nhằm vào mục tiêu đó, thông qua kỹ thuật gom các các điều kiện kinh doanh của hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật vào 3 danh mục.

Dự thảo Nghị định này chỉ dự kiến sửa đổi 3 hàng rào Danh mục hàng hoá, dịch vụ  đã được ban hành kèm theo Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12-6-2006 của Chính phủ có tên gọi là: “Quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện”.

Nghị định số 59/2006/NĐ-CP chỉ quy định chi tiết thi hành Điều 25 của Luật Thương mại năm 2005 về “Hàng hoá cấm kinh doanh, hàng hoá hạn chế kinh doanh, hàng hóa kinh doanh có điều kiện”, với 3 nội dung chủ yếu như sau:

-           Quy định về Hàng hóa, dịch vụ và Danh mục hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh;

-           Quy định về Điều kiện kinh doanh và Danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh;

-           Quy định về Điều kiện kinh doanh và Danh mục hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện.

Nhưng bên cạnh 3 hàng rào hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện nói trên, thì còn 4 hàng rào “đồng dạng” khác mà các doanh nghiệp khó có thể phân biệt được trong hoạt động kinh doanh.  

Đó là Nghị định số 139/2007/NĐ-CP ngày 05-9-2007 của Chính phủ Hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp năm 2005, trong đó có việc hướng dẫn thi hành Điều 7 về “Ngành, nghề và điều kiện kinh doanh” của Luật Doanh nghiệp. Khoản 3, Điều 7 của Luật Doanh nghiệp  đã quy định rõ: “Chính phủ quy định cụ thể danh mục ngành, nghề kinh doanh bị cấm.” Và khoản 4, Điều 7 của Luật Doanh nghiệp yêu cầu: “Chính phủ định kỳ rà soát, đánh giá lại toàn bộ hoặc một phần các điều kiện kinh doanh; bãi bỏ hoặc kiến nghị bãi bỏ các điều kiện không còn phù hợp; sửa đổi hoặc kiến nghị sửa đổi các điều kiện bất hợp lý; ban hành hoặc kiến nghị ban hành điều kiện kinh doanh mới theo yêu cầu quản lý nhà nước.” Nghị định số 139/2007/NĐ-CP có 4 nội dung sau về ngành, nghề và điều kiện kinh doanh:

-           Quy định về Ngành, nghề và Danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh;

-           Quy định về Ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh;

-           Quy định về Ngành, nghề kinh doanh phải có chứng chỉ hành nghề;

-           Quy định về Ngành, nghề kinh doanh phải có vốn pháp định.

Bảng so sánh giữa Nghị định số 59/2006/NĐ-CP và số 139/2007/NĐ-CP:

TT

Nghị định 59/2006/NĐ-CP

Nghị định 139/2007/NĐ-CP

1.      

Hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh (Điều 5)

Ngành, nghề cấm kinh doanh (Điều 4)

2.      

Điều kiện kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh (Điều 6)

Ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh (Điều 5)

3.      

Điều kiện kinh doanh hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện (Điều 7)

Ngành, nghề kinh doanh phải có chứng chỉ hành nghề (Điều 6)

4.      

 

Ngành, nghề kinh doanh phải có vốn pháp định (Điều 7)

5.      

Danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh (Phụ lục I)

Gồm 23 loại hàng hoá, dịch vụ

Danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh (Điều 4)

Gồm 15 ngành nghề (gần như trùng lặp với Phụ lục I của Nghị định 59)

6.      

Danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh (Phụ lục II)

Gồm 8 loại hàng hoá, dịch vụ

Không nêu cụ thể ngành, nghề hạn chế kinh doanh

Có thể hiểu là thực hiện theo Phụ lục II Nghị định 59

7.      

Danh mục hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện (Phụ lục III)

Gồm 92 loại hàng hoá, dịch vụ

Không nêu cụ thể ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, có chứng chỉ hành nghề và có vốn pháp định

Có thể hiểu là thực hiện theo Phụ lục III Nghị định 59

Qua bảng so sánh trên cùng với nội dung cụ thể của các điều khoản và phụ lục của 2 Nghị định, cho thấy 3 đối tượng là “Hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh”, “Hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh” và “Hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện” hoàn toàn bao trùm lên 4 đối tượng là “Ngành, nghề cấm kinh doanh”, “Ngành, nghề kinh doanh có điều kiện”, và “Ngành, nghề kinh doanh có chứng chỉ hành nghề và có vốn pháp định”. Thế nhưng không có quy định nào khẳng định 3 danh mục với 157 loại hàng hoá, dịch vụ được hướng dẫn theo quy định của Luật Thương mại có phải chính là những rào cản theo quy định của Luật Doanh nghiệp hay không? Hay mặc dù đã liệt kê tới 111 loại “Hàng hoá, dịch vụ kinh doanh có điều kiện” nhưng lại không phân biệt được đâu là những “Ngành, nghề kinh doanh có chứng chỉ hành nghề và có vốn pháp định” theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Nghị định số 139/2007/NĐ-CP.

Do đó, rất cần một Nghị định chung để điều chỉnh đồng thời các vấn đề nói trên của cả Luật Thương mại và Luật Doanh nghiệp.

Vì vậy, đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo một Nghị định mới, có tên gọi là “Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh”. Điều kiện kinh doanh hoàn toàn có thể hiểu bao gồm những quy định về Ngành, nghề và hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện. Bởi tại khoản 2, Điều 7 của Luật Doanh nghiệp năm 2005 đã định nghĩa: “Điều kiện kinh doanh là yêu cầu mà doanh nghiệp phải có hoặc phải thực hiện khi kinh doanh ngành, nghề cụ thể, được thể hiện bằng giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề, chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, yêu cầu về vốn pháp định hoặc yêu cầu khác.”

Điều quan trọng nhất là phải xem xét toàn diện, theo hướng nới lỏng thay vì ngày càng xiết chặt các điều kiện kinh doanh. Cần xem xét bỏ bớt các điều kiện hạn chế, đặc biệt là các lĩnh vực cấm kinh doanh. Chẳng hạn không nên cấm tiệt việc kinh doanh với 34 loại hàng hoá dịch vụ. Ví dụ, “Hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản” không nên đưa vào danh mục cấm kinh doanh (mới bổ sung theo Dự thảo Nghị định), mà chỉ cần đặt ra những điều kiện kinh doanh cần thiết (có thể là rất khắt khe). Hay cũng cần xem lại việc có tới gần 30 hoạt động phải có vốn pháp định cho đến thời điểm này là quá nhiều. Nếu như dịch vụ đòi nợ cũng đòi hỏi phải có vốn pháp định tới 2 tỷ đồng, thì có thể lập luận rằng bất kỳ hoạt động kinh doanh nào cũng phải có vốn pháp định, dù nhiều dù ít, cũng như phải có vốn điều lệ. Và như vậy thì chúng ta sẽ quay ngược lại với những quy định sai lầm và lỗi thời của Luật Công ty năm 1990. Cần kiên quyết bài trừ hiện tượng xây dựng pháp luật kinh doanh: Cứ không quản được thì cấm.

Đối với những ngành, nghề, hàng hoá, dịch vụ chưa thể bỏ được các điều kiện ràng buộc, thì cần phải đặt ra các điều kiện đơn giản, rõ ràng, hợp lý, tránh tình trạng về quan điểm, chủ trương chung thì khuyến khích doanh nghiệp tự do kinh doanh, nhưng thực tế thì lại ngăn cấm bằng quá nhiều quy định, không chỉ có trong các đạo Luật và Nghị định như nêu trong Dự thảo Nghị định, mà còn bằng vô vàn những thông tư và cả công văn nữa.

Trân trọng tham gia!

Các văn bản liên quan