Góp ý của Đại biểu Quốc hội Danh Út – Kiên Giang

Thứ Sáu 15:34 18-06-2010

Kính thưa Quốc hội,

Dự thảo Luật khoáng sản (sửa đổi) lần này tôi yêu cầu Quốc hội hết sức quan tâm đến 4 vấn đề như sau:

Một, việc khai thác khoáng sản làm như thế nào không để nơi đó bị tàn phá và không để nơi đó bị ô nhiễm nặng, làm cơ sở hạ tầng bị xuống cấp như hiện nay.

Vấn đề thứ hai, lợi dụng việc khai thác khoáng sản để lấy tài sản Nhà nước và nhân dân để bán có thu lợi rất nhanh.

Thứ ba, làm sao bảo vệ tốt nhất quyền lợi cho nhân dân địa phương.

Thứ tư, làm sao xác định trách nhiệm chính quyền địa phương, nhất là cấp xã cho cụ thể hơn. Sau đây tôi xin tham gia một số vấn đề như sau:

Một, vấn đề quyền của nhân dân địa phương có tài nguyên khoáng sản như Điều 7, trước hết tôi đồng tình rất cao các ý kiến đặt ra và trong dự thảo chúng tôi thấy có 5 khoản của Điều 7 còn rất chung và mang tính chất kêu gọi tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có trách nhiệm đối với nhân dân địa phương mà chưa khẳng định trách nhiệm cụ thể. Ở các khoản đề nghị Ban soạn thảo nên xem lại, ví dụ Khoản 1 sử dụng từ "ưu tiên", Khoản 3 sử dụng "khuyến khích", Khoản 4 sử dụng "hỗ trợ" v.v... Như vậy Khoản 7 chưa đảm bảo được quyền lợi của người dân ở địa phương. Chúng tôi đề nghị Ban soạn thảo nên xem xét lại vấn đề này để cụ thể hơn.

Hai, về quyền và nghĩa vụ tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản ở Điều 57, Điều 57 Dự thảo luật tại Mục đ, Khoản 1 quy định tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản, được phép chuyển nhượng quyền khai thác ở Điều 56 quyền chuyển nhượng. Vấn đề chuyển nhượng hiện nay không ít nơi tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng vấn đề chuyển nhượng để thu được khoản lợi nhuận rất cao, rất nhanh so với khai thác, Dự thảo quy định như vậy không thể ngăn cản tổ chức cá nhân lợi dụng để khai thác chuyển nhượng. Do đó tôi xin đề nghị Khoản 1, Điều 56 và Mục d, Điều 57 nên quy định chỉ được phép chuyển nhượng những khoáng sản đã có đầu tư xây dựng, những tài nguyên khoáng sản đã được cấp cho anh quản lý sử dụng chưa có đụng chạm đến vấn đề gì, nếu như chuyển nhượng chỉ chuyển nhượng những tài nguyên khoáng sản đã có đầu tư, chưa đầu tư xin đề nghị trả lại Nhà nước. Như vậy mới tránh được vấn đề lợi dụng, lấy tài sản của Nhà nước chuyển nhượng để thu lời bất chính. Có như vậy mới đảm bảo được quản lý tài nguyên khoáng sản để Quốc hội xem xét.

Tại Khoản 2, Mục c, Điều 57 Dự thảo luật quy định tổ chức, cá nhân thực hiện các nghĩa vụ bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động, chúng tôi thấy quy định như vậy chưa đảm bảo tính nghiêm minh và thực hiện đúng quy định pháp luật. Chúng tôi đề nghị sử dụng từ "phải thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động trong quá trình khai thác" Quy định như vậy mới dễ cho công tác kiểm tra, giám sát, nên sử dụng từ "đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh lao động" thì khó thực hiện, phải là thực hiện các quy định của pháp luật như vậy.

Về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản tại Điều 57, chúng tôi thấy cần bổ sung thêm cho rõ về nghĩa vụ của các doanh nghiệp là vấn đề các doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm chỉnh Luật Bảo hiểm xã hội. Chúng tôi thấy Điều 57 trong này không nêu vấn đề thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội. Chúng tôi đề nghị rất cụ thể, hiện nay xin thưa Quốc hội, không ít doanh nghiệp không thực hiện đúng Luật Bảo hiểm xã hội, xảy ra nhiều vụ tai nạn thậm chí chết người thì không mua bảo hiểm xã hội, trốn tránh. Vấn đề này chúng tôi đề nghị bổ sung vào cụ thể để đảm bảo các doanh nghiệp thực hiện đúng pháp luật.

Vấn đề thứ ba, về vấn đề trách nhiệm quản lý Nhà nước về khoáng sản của Ủy ban nhân dân các cấp Điều 82. Trước hết, tôi thấy dự thảo luật sửa đổi cần quy định trách nhiệm cụ thể của Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện, đặc biệt là Ủy ban nhân dân xã. Thưa Quốc hội, hiện nay chúng tôi qua đi làm việc, giám sát ở địa phương thấy trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã hầu như chưa rõ lắm trong Luật khoáng sản và các văn bản quy phạm pháp luật khác. Chúng tôi đề nghị cần quy định rất rõ để thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là ở cấp xã. Chúng tôi qua làm việc nhiều Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã nói từ cấp đất, cấp phép v.v... nói chung là các tổ chức, cá nhân hầu như không quan tâm đến chính quyền cấp xã, chỉ có khai thác, vận chuyển ô nhiễm quá nặng nhân dân cản xe không cho đi thì doanh nghiệp mới chạy lại kêu Ủy ban nhân dân xã giúp đỡ nói với nông dân làm sao để chúng tôi thực hiện. Như vậy người ta chịu không nổi, mà trách nhiệm của Ủy ban nhân dân xã không rõ. Do đó cho nên cần xác định rõ trách nhiệm của Ủy ban nhân dân huyện, Ủy ban nhân dân xã trong quản lý, trong tham gia quá trình từ cấp phép như vậy mới đảm bảo được.

Do đó cho nên chúng tôi đề nghị Khoản 2, Điều 82 tách ra trách nhiệm của Ủy ban nhân dân huyện riêng, Ủy ban nhân dân xã riêng. Trong Khoản 2, Điều 82 ghi là: trách nhiệm của Ủy ban nhân dân huyện, xã, chung một trách nhiệm như vậy sẽ khó thực hiện, đề nghị tách ra rõ huyện làm vấn đề gì, xã vấn đề gì. Làm như vậy mới đảm bảo được Mục đ, Điều 82 quy định định kỳ Ủy ban nhân dân báo cáo cấp trên, như vậy mới xác định trách nhiệm rõ ràng. Tôi xin có một số ý kiến như vậy, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan