Góp ý của Đại biểu Quốc hội Điểu K`Ré – Đắk Nông

Thứ Sáu 15:35 18-06-2010

Kính thưa Quốc hội,

Kính thưa Chủ tọa phiên họp, tôi đánh giá cao quá trình nghiên cứu, soạn thảo dự án Luật khoáng sản (sửa đổi) và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đã cho thấy sự cần thiết ban hành Luật khoáng sản (sửa đổi) làm cơ sở pháp lý quan trọng để ngành công nghiệp khai khoáng của nước ta phát triển, đồng thời tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về khoáng sản, bảo đảm phát triển bền vững.

Tôi đồng tình với các đại biểu phát biểu trước tôi đã phân tích một cách sâu sắc những hạn chế, bất cập của chính sách khoáng sản hiện hành nhằm khắc phục, sửa đổi, đối chiếu với các quy định của Luật khoáng sản năm 1996 và sửa đổi, bổ sung một số điều của luật năm 2005, dự án Luật khoáng sản (sửa đổi) lần này tương đối đầy đủ, có nhiều quy định mới như hạn chế tình trạng khai thác khoáng sản tự phát, phân cấp thẩm quyền, lập quy hoạch, cấp phép, khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên khoáng sản, phục hồi, tái tạo môi trường hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân nơi có khoáng sản v.v.

Một điều tôi rất quan tâm và rất mong đợi ở dự luật này, đó là quyền lợi của nhân dân địa phương nơi có khoáng sản được khai thác. Nhiều đại biểu đã có ý kiến và phân tích rất sâu sắc trong vấn đề này.

Tại Khoản 1 Điều 7 quy định: Tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản phải kết hợp yêu cầu hợp đồng khai thác với việc xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo vệ, phục hồi môi trường theo dự án đầu tư khai thác đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận ưu tiên sử dụng lao động địa phương vào hoạt động khai thác khoáng sản và các dịch vụ khác có liên quan.

Kính thưa Quốc hội. Một điều được hy vọng và chờ đợi nhiều là thu hút một số dự án đầu tư lớn vào các vùng nghèo để sử dụng một lực lượng lao động ở địa phương, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các tỉnh miền núi. Các ý kiến phát biểu sáng hôm nay đều tập trung ở các tỉnh miền núi, một vùng giàu tài nguyên, khoáng sản nhiều nhất hiện nay ở đất nước ta. Tuy nhiên sự hy vọng đó trong thời gian qua chưa đạt được kết quả như mong muốn. Có nơi thì thất nghiệp và thiếu việc làm do đất nông nghiệp bị thu hồi thực hiện dự án khai thác khoáng sản. Vì thế tôi đề nghị cần phải có chế định cụ thể đối với sử dụng lao động địa phương để doanh nghiệp có kế hoạch cụ thể nhận người lao động địa phương đi đào tạo để sử dụng nguồn lao động có tay nghề phù hợp với công việc. Không nên quy định hai từ "ưu tiên" trong khoản này một cách chung chung để doanh nghiệp có trách nhiệm thực sự với người dân trong vùng thực hiện dự án.

Cũng tại điều này Khoản 3 quy định khuyến khích tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, hỗ trợ đầu tư nâng cấp duy tu xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ xây dựng các công trình phúc lợi cho nhân dân trên địa bàn địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản. Khoản này tôi đề nghị cân nhắc hai từ "khuyến khích" bởi lẽ khuyến khích thì chỉ mang tính vận động không bắt buộc, chưa thấy được trách nhiệm của doanh nghiệp. Thực tế ở nơi nào có khai thác khoáng sản thì cơ sở hạ tầng giao thông xuống cấp rất nhanh. Vì vậy, doanh nghiệp phải có trách nhiệm cụ thể đối với việc hỗ trợ đầu tư nâng cấp duy tu xây dựng cơ sở hạ tầng. Mục tiêu quan trọng hơn là phải trả lại nguyên trạng bồi hoàn lại nơi khai thác khoáng sản.

Vấn đề cuối cùng đó là cần phải quy định trong luật này tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu cho địa phương, nhiều đại biểu cũng đã có ý kiến về vấn đề này. Điều tiết nguồn thu từ hoạt động khai thác khoáng sản để đầu tư trở lại cho địa phương nơi khai thác khoáng sản nhằm tạo điều kiện vùng có tài nguyên được hưởng lợi để địa phương dùng nguồn ngân sách này chi cho việc bảo vệ môi trường rồi đầu tư phát triển ổn định đời sống nhân dân. Đây là một việc rất quan trọng trong dự luật này đề nghị Ban soạn thảo cũng như Quốc hội cần quan tâm để điều chỉnh cho luật phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Đây là một ý kiến của tôi. Xin hết.

Xin trân trọng cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan