Góp ý của Đại biểu Quốc hội Trần Đình Nhã – Bà Rịa – Vũng Tàu

Thứ Sáu 15:33 18-06-2010

Kính thưa Chủ tịch đoàn,

Kính thưa Quốc hội.

Có lẽ lời đầu tiên của tôi là tôi muốn có một lời khẩn cầu nhân danh thế hệ tương lai gửi đến Quốc hội khi mà Quốc hội đang xây dựng Luật khoáng sản: muốn rằng Quốc hội hãy đưa ra những quyết sách nào đó để cho thế hệ tương lai không sa vào cảnh "đời cha ăn mặn đời con khát nước". Tôi thấy không những đồng ý với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật khoáng sản, tôi còn muốn làm một Luật khoáng sản mới, với cách tiếp cận mới, với chính sách mới về khoáng sản. Tôi cho rằng trong Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật khoáng sản có nêu 2 nhóm tồn tại bất cập.

Nhóm tồn tại thứ nhất là công tác điều tra địa chất về tài nguyên khoáng sản, về hoạt động khoáng sản và quản lý Nhà nước về khoáng sản có những bất cập. Tôi cho rằng có nguyên nhân, khuyết điểm lớn nhất của chúng ta được thể hiện trong Luật khoáng sản là trong thời gian qua chúng ta vận hành chưa đảm bảo lợi ích hài hòa giữa 3 nhóm chủ thể. Tức là Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu toàn dân, doanh nghiệp khai thác khoáng sản và người dân hay cộng đồng dân cư ở nơi có khoáng sản được khai thác. Tôi đề nghị phải nghiêm túc xử lý mối quan hệ này, bởi vì Nhà nước đại diện cho sở hữu toàn dân, theo tôi có một khối tài nguyên cực kỳ lớn, rất là quý giá. Bởi vì khoáng sản của Việt Nam nói vậy thôi chứ theo báo cáo là có những loại quy mô tầm cỡ thế giới như: bô xít, titan, đất hiếm, đá hoa trắng, đá nguyên liệu xi măng v.v...Nếu chúng ta quy ra tiền, quy ra thời giá thị trường hiện nay thì đó là một khoản tài sản khổng lồ. Nhưng tại sao cho đến thế kỷ 21 này, khai thác rầm rộ như thế, hoạt động khoáng sản rầm rộ như thế nhưng Nhà nước chỉ mới thu được giá trị sản lượng đóng góp cho GDP mỗi năm là 3% và giải quyết việc làm cho được 30 vạn người lao động.

Trong lúc đó, thời gian qua, Nhà nước đã chi ra bao nhiêu để làm đường, làm cảng, giải quyết hậu quả vô hình và hữu hình của hoạt động khai thác khoáng sản. Tôi cho đây là một số đáng ra trong báo cáo phải nói rõ ra cho Quốc hội biết là chúng ta thu được ngần ấy, chúng ta phải bỏ ra ngần ấy để giải quyết, kể cả những chi phí vô hình như bảo vệ sức khỏe nhân dân, tuyên truyền vận động v.v...Tôi thấy, khai thác khoáng sản nhiều nhưng nhân dân cũng đau ốm nhiều do môi trường bị ô nhiễm. Đây cũng là một chi phí Nhà nước phải bỏ ra thì chúng ta phải tính để xem xét cái lợi, hại của hoạt động khoáng sản. Nhà nước thì được như thế còn doanh nghiệp khai thác khoáng sản thì được gì? Tôi cũng chưa thấy ai tính toán những năm qua các doanh nghiệp và cá nhân khai thác khoáng sản được gì, được như thế nào? Nhưng chắc chắn được rất nhiều. Bởi vì tôi cho rằng một khoản nho nhỏ chi phí cho việc xin giấy phép, một lượng thuế tài nguyên rất thấp, phí bảo vệ môi trường cũng không đáng kể, còn lại xin được, mỏ coi như mỏ của mình là khai thác thoải mái, bán thoải mái. Cho nên doanh nghiệp khai thác khoáng sản sẽ được nhiều.

Mối quan hệ thứ ba là người dân ở khu mỏ, gần mỏ thì được gì? Hiện nay theo báo cáo có khoảng 4500 mỏ, điểm mỏ đang khai thác, ảnh hưởng đến bao nhiêu triệu dân thì trong này chưa nói. Chúng tôi thấy việc này phải tính toán. Tôi thấy báo chí nêu khai thác than ở Quảng Ninh ở khu mỏ, khu khai thác hàm lượng không khí quá giới hạn cho phép, trong mỏ khoảng từ 3-5 lần, còn khu vực lân cận khoảng quá 3 lần giới hạn cho phép. Khu vực lân cận là những khu vực nào cũng phải tính toán để sau này chúng ta có bồi thường gì đấy, có chính sách gì đấy thì phải tính toán khu vực khai thác và khu vực lân cận, các đại biểu phát biểu trước tôi nói rất đúng, tức là bây giờ dân ở những nơi có khoáng sản không những nghèo, mà thậm chí còn kinh hoàng nếu như biết mình ở trên một vùng đất có khoáng sản chẳng được lợi lộc gì cả, mà trong lúc đó phải dời nhà, dời cửa phải hít bụi, phải tiếng ồn v.v... cho nên dân nhiều nơi là cũng rất sợ ông địa chất, ông phát hiện gần nhà mình hay ngay dưới nhà mình có mỏ. Đấy là một vấn đề Quốc hội cũng phải tính toán để xây dựng luật này như thế nào, chứ không phải chúng ta tự hào là chúng ta có khoáng sản đâu, người dân ở những nơi có khoáng sản người ta kinh hoàng. Vì lý do như thế nên tôi thấy phải xác định lại cách đặt vấn đề khi xây dựng luật này, làm thế nào đó để cho khoáng sản thực sự là tài nguyên sở hữu toàn dân và do Nhà nước đại diện chủ sở hữu, Nhà nước phải quản lý thế nào đấy, phải cấp phép, hay cho khai thác thế nào đấy, nhưng mà đảm bảo lợi ích hài hòa, trước hết là lợi ích toàn dân, sau đó lợi ích chủ doanh nghiệp và cuối cùng lợi ích của những nơi người dân có mỏ được khai thác. Hết giờ, tôi xin gửi lại ý kiến cụ thể của tôi cho đoàn thư ký.

 

Các văn bản liên quan