Góp ý của Đại biểu Quốc hội Tống Văn Thoóng – Lai Châu

Thứ Sáu 15:26 18-06-2010

Kính thưa Quốc hội,

Ai cũng ý thức được rằng tài nguyên khoáng sản thuộc sở hữu của toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý, nhưng lâu nay việc quản lý của Nhà nước có lúc, có nơi, có chỗ còn rất lỏng lẻo vì quyền lợi của địa phương chưa được đảm bảo, hạ tầng cơ sở xuống cấp nhất là đường xá, giao thông, tệ nạn xã hội, khu vực khai thác khoáng sản phát sinh. Dự án Luật khoáng sản (sửa đổi) lần này chúng ta phải khắc phục được những hạn chế nêu trên. Thực tế nội dung của các điều luật, tôi xin đóng góp như sau:

Điều 7 thiết kế theo 3 khoản như hiện nay tôi thấy chưa đủ điều kiện để thực hiện trên thực tế. Ví dụ ưu tiên lao động tại địa phương ai giám sát, các doanh nghiệp tổ chức, cá nhân đó sử dụng bao nhiêu %, không ai biết và coi như nếu thiết kế như thế này thì có cũng được mà không có cũng không sao. Về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thu hồi đất nếu đưa vào thì phải nói rõ là các tổ chức, cá nhân phải chịu đến mức nào, theo luật và các quy định của địa phương, của nhà nước, tái định cư và thu hồi đất đến mức nào. Nếu theo luật của nhà nước thôi, xin thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội, tính toán, hỗ trợ cho đồng bào nhà, ruộng, nương ở vùng sâu, vùng xã cực kỳ thấp, như vậy quyền lợi, nghĩa vụ của đồng bào không được đảm bảo. Vậy nên thiết kế như thế nào đó để quyền lợi của đồng bào được nâng lên ở khu vực có khoáng sản được thăm dò, khai thác.

Khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng nâng cao, nâng cấp hạ tầng cơ sở, điều này nên là trách nhiệm, phải đầu tư hạ tầng cơ sở, nhưng bây giờ ai kiểm tra, đầu tư đến mức nào, bao nhiêu chúng ta cũng phải thiết kế. Giao cho Ủy ban nhân dân huyện, xã của địa bàn nơi có khoáng sản chẳng hạn, nếu nói xong không ai kiểm tra, không có lực lượng nào kiểm tra cuối cùng chúng ta không kiểm tra, giám sát được và hiệu quả thực tiễn là không có.

Điều 23, khu vực cấm, tạm cấm, trước tôi đã có đại biểu có ý kiến, bây giờ khu vực biên giới chúng ta có đưa vào khu vực cấm và tạm cấm không. Vì biên giới phải đảm bảo tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn biên giới và các vấn đề tiêu cực khác. Chúng ta nên nghiên cứu và theo tôi nên bổ sung vào khu vực biên giới để nghiên cứu cho kỹ vùng nào là cấm, khu vực nào là cấm. Và bổ sung vào ý thứ hai khu vực đầu nguồn sông suối theo tôi cũng đưa vào là cấm. Bây giờ tất cả chúng ta rất đang lo lắng các nguồn nước sinh hoạt, các nguồn nước thủy điện lớn nhỏ của cả nước nhưng các đầu nguồn đó không biết có thu được lợi nhuận bao nhiêu không? Nếu chúng ta cứ cấp phép là rất khó khăn cho nguồn nước.

Điều 41, 42, 45 là điều kiện được cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản nhưng ở đây thiếu một điều là điều kiện được cấp phép, về thuế thì chỉ là thuế tổ chức cá nhân, doanh nghiệp thôi nhưng về thuế nhà nước thì điều kiện nào để được cấp phép, chúng ta không đề cập. Theo tôi là phải có những điều kiện mà các bộ ngành, kể cả Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh cấp phép cũng thế và Bộ tài nguyên và môi trường cấp phép cũng vậy, phải có ý kiến thẩm định các Bộ có liên quan nhất là Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Bấy lâu nay chỗ này chúng ta làm không rõ, không chặt cho nên có thể nói dễ dãi. Về điều kiện cấp phép nên bổ sung như vậy.

Điều 83 về thẩm quyền cấp phép chúng ta thiết kế các khu vực khoáng sản nhỏ lẻ, phân tán và tận thu. Theo tôi nếu mà giao thẩm quyền là đúng, nhưng nếu thiết kế như vậy có thể rất nhiều mỏ sẽ nhỏ lẻ, phân tán, tận thu và khoáng sản chúng ta đa số phân tán. Chỗ này rất có thể sẽ bị lách luật và chúng ta không quản lý được. Trên thực tế chúng ta lấy diện tích để làm nhỏ lẻ hay lấy trữ lượng để làm nhỏ lẻ, hay chỗ nào là mỏ to, mỏ tập trung, tất nhiên Bộ Tài nguyên và môi trường phải công bố. Nhưng chỗ này theo tôi cũng phải thiết kế cho phù hợp hơn để đảm bảo quản lý Nhà nước chặt chẽ hơn và được đảm bảo theo nguyên tắc thủ tục trong việc cấp phép thăm dò khai thác khoáng sản. Tôi xin hết ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan