Góp ý của Đại biểu Quốc hội Trần Hồng Việt – Hậu Giang

Thứ Sáu 15:28 18-06-2010

Kính thưa Quốc hội!

Tôi thấy dự thảo Luật khoáng sản (sửa đổi) kỳ này rất tiến bộ, tôi cũng rất nhất trí với nhiều ý kiến đại biểu phát biểu trước tôi. Tôi thấy khoáng sản là tài nguyên của quốc gia, phần lớn không tái tạo, vì vậy cần phải có sự quản lý chặt chẽ, thống nhất khai thác sử dụng hợp lý, tiết kiệm, không phải chỉ sử dụng trước mắt, phục vụ trước mắt, mà còn phải có tầm nhìn chiến lược lâu dài, phải có ý thức tiết kiệm. Lẽ ra trước đây chúng ta phải có ý thức tiết kiệm, không phải đến bây giờ, để dành lại một phần cho con cháu chúng ta sau này thụ hưởng.

Lịch sử cũng cho ta thấy khoáng sản càng về thời gian, càng về lâu dài sau này càng tăng giá trị thì giá trị nó càng lớn. Vì vậy, theo tôi chỉ nên khuyến khích khai thác khoáng sản ưu tiên chế biến ở trong nước phục vụ cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hạn chế xuất khẩu thô, cần thiết là chúng ta nên dừng lại xuất khẩu thô một số các khoáng sản, cũng như là than đá, ti tan thì chúng ta nên tạm thời ngừng xuất khẩu loại khoáng sản đó. Tóm lại phải thiết lập lại kỷ cương, trật tự quản lý chặt chẽ việc khai thác khoáng sản, chúng ta thấy rằng cũng có nhiều nước trên thế giới họ làm giàu nhưng mà không phải là họ khai thác khoáng sản tài nguyên đất nước của họ nhưng mà họ vẫn giàu.

Từ quan điểm đó đi vào nội dung cụ thể về thẩm quyền cấp phép, thăm dò khai thác khoáng sản thì tôi cơ bản nhất trí như dự thảo là phải tập trung thống nhất ở Bộ tài nguyên và môi trường. Đi vào cụ thể Khoản 2, Điều 83, phân cấp ở Ủy ban nhân dân tỉnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường than bùn, theo tôi đến mức cỡ đó là được. Còn lại những loại khoáng sản nhỏ, lẻ, phân tán gì đấy thì tôi đề nghị không phải là Ủy ban nhân dân tỉnh nữa mà cũng tập trung cho Bộ Tài nguyên và môi trường. Bởi vì để tránh sơ hở những khai thác khoáng sản nhỏ lẻ chỉ có thể đem lại lợi ích trước mắt cục bộ cho một nhóm người nào đó, nhưng mà phí đền bù theo như dự thảo nghị định phí đền bù là 2% doanh thu, tôi e là phí đền bù không đủ để địa phương bù đắp lại việc tái tạo môi trường cũng như khắc phục thiệt hại của đời sống nhân dân nơi bị khai thác khoáng sản.

Về Điều 41, điều kiện cấp giấy phép thăm dò khoáng sản ở Khoản 1, Điểm d, có quy định tôi cho là rất chung: "có thiết bị công cụ chuyên dùng cần thiết để thi công các công trình thăm dò khoáng sản". Vấn đề này nói rất chung, không lượng hóa. Tôi xem trong dự thảo nghị định cũng không thấy thế nào là thiết bị công cụ chuyên dùng, có những cụ thể, lượng hóa chất lượng như thế nào? Trong dự thảo nghị định tôi cũng tìm chưa ra vấn đề đó, cho nên đề nghị Ban soạn thảo xem xét nên cụ thể hóa hơn.

Ở Điều 7, quyền lợi của nhân dân địa phương nơi có tài nguyên khoáng sản khai thác ở Khoản 3, tôi rất nhất trí với ý kiến đại biểu phát biểu trước tôi không phải là khuyến khích mà xem đây là các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải có trách nhiệm, phải có nghĩa vụ, đầu tư nâng cấp duy tu xây dựng cơ sở hạ tầng nơi tổ chức, cá nhân đó khai thác khoáng sản, chứ không phải khuyến khích, khuyến khích thì người ta muốn làm thế nào thì làm, không làm thì thôi.

Ở Khoản 5, về việc lập dự toán ngân sách giao cho địa phương, trong Khoản 7, tôi cũng đồng tình với ý kiến của đại biểu Nương. Dự toán do địa phương lập, nhưng Trung ương có phê duyệt đúng theo dự toán của địa phương hay không, hay là bớt lại, như thế phải làm rõ vấn đề này, khi lập dự toán thì Trung ương có phê duyệt đúng theo dự toán hay không?

Điều 54, chúng tôi đề nghị giải thích thêm điều kiện để được xem xét cấp giấy phép khai thác khoáng sản, Khoản 3 quy định vốn chủ sở hữu ít nhất là 30%, tại sao quy định ít nhất là 40, 50%, chỗ này chúng tôi chưa được giải thích rõ. Tôi e những quy định phần vốn sở hữu thấp như vậy, năng lực để khai thác như thế nào, không đủ năng lực thì bán, chuyển lại như thế nào cho những đơn vị khác để lấy chênh lệch sẽ gây xáo trộn, gặp nhiều khó khăn.

Về đền bù tài nguyên khoáng sản ở Khoản 2, Điều 76 tôi đồng ý, trước tôi có đại biểu Triệu Sỹ Lầu phát biểu chỗ này chỗ phí chưa có đồng tình, nhưng tôi thấy ngoài khoản thuế đó, theo dự thảo nghị định 2% doanh thu hàng năm nhằm để nộp ngân sách của địa phương, đảm bảo những lợi ích của người dân địa phương nơi khai thác. Tôi xin hết.

Các văn bản liên quan