Góp ý của Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh – TP Hà Nội

Thứ Sáu 09:44 27-11-2009

Kính thưa Quốc hội,

Tôi tán thành với rất nhiều ý kiến đã phát biểu trước tôi mà vì điều kiện thời gian không có nên tôi không nhắc lại. Tuy nhiên trong dự thảo Luật lần này mặc dù đã được sự tiếp thu rất nghiêm túc của Ban Soạn thảo tuy nhiên nếu chúng ta không xem xét cho kỹ thì sau đây khi luật được ban hành sẽ có nhiều quy định không phù hợp với thực tiễn và nó có những quy định thậm chí là mâu thuẫn với một số luật khác. Chính vì thế mà chúng tôi hết sức mong muốn Quốc hội xem xét kỹ bởi vì những quy định ở đây sẽ tác động đến các tổ chức và cá nhân và các hộ gia đình về vấn đề bưu chính.

Trước hết chúng tôi muốn nói rằng dự thảo Luật này cần bổ sung và khuyến khích các hoạt động xã hội hóa vào quy định về chính sách Nhà nước đối với dịch vụ bưu chính. Thực tế xã hội ngày càng phát triển nhu cầu dịch vụ bưu chính thì cũng ngày càng đa dạng và do nhiều tổ chức, cá nhân tham gia không ít, hiện nay thì không ít các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã và đang có đăng ký kinh doanh thực hiện dịch vụ chuyển phát các bưu phẩm không phải qua bưu điện. Những doanh nghiệp nhỏ và vừa đó họ vẫn đang làm và làm rất tốt, được rất nhiều doanh nghiệp cũng như người dân gửi mà không qua bưu điện, nhưng trong chính sách, trong luật pháp chúng ta không quy định xã hội hóa. Một thực tế nữa tôi nghĩ rằng nếu chúng ta quan tâm đến vấn đề xã hội hóa hoạt động dịch vụ bưu chính này cũng như những vấn đề xã hội hóa một số vấn đề khác trong xã hội thì chúng ta sẽ góp phần giảm bớt gánh nặng cho xã hội. Đặc biệt là cũng sẽ góp phần giảm bớt việc đầu tư tập trung của tập đoàn của Nhà nước đối với vùng sâu, vùng xa và vùng nông thôn. Vì nếu nhiều tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động này, thực tế đã và đang diễn ra nhưng trong luật của chúng ta không quy định xã hội hóa thì vô hình chung những hoạt động đó một mặt vẫn đi bên ngoài nhưng mặt khác lại không được quy định vào trong luật này làm cho chúng ta cảm thấy việc thực hiện dịch vụ bưu phát chỉ qua bưu điện là không đúng với thực tiễn hiện nay.

Vấn đề thứ hai, dự luật dự kiến đưa ra quy định người sử dụng dịch vụ phải lắp đặt hộp thư gia đình và đơn vị quản lý đối với khu đô thị, khu dân cư nhà cao tầng phải bố trí địa điểm thuận lợi để lắp đặt hệ thống thùng thư công cộng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp được chỉ định cung ứng dịch vụ bưu chính công ích lắp đặt hệ thống này. Tôi không hiểu quy định này đã được nghiên cứu đánh giá tác động đối với trong chính sách hay chưa? người dân và các đơn vị tổ chức đó đã được hỏi ý kiến về tính khả thi của những quy định này chưa? Nếu chưa nghiên cứu kỹ và chưa có đánh giá tác động của những quy định này có thể sau khi được Quốc hội thông qua thì những quy định này thực sự là nó sẽ không khả thi, người ta có thể nghĩ rằng những quy định trong luật chỉ có thể tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp ngành bưu chính thôi mà chưa tiện lợi cho các tổ chức và cá nhân khác nhất là những người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt lại còn yêu cầu phải chỉ định doanh nghiệp công ích để lắp đặt những cái này thì tôi thấy điều kiện này nó cũng không phù hợp trong vấn đề đối với các khu đô thị, khu dân cư trong quy định của dự thảo luật có quy định đấy.

Vấn đề thứ ba, dự thảo luật quy định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ bưu chính và doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính. Việc gửi và chấp nhận phát bưu gửi và việc mở kiểm tra thu giữ bưu chính, có một số quy định chưa khả thi, chưa có sự chủ động phối hợp với các ngành khác nhằm góp phần cải cách thủ tục hành chính. Thực tế là người gửi vật phẩm, hàng hóa đi nước ngoài nếu không phải là doanh nghiệp thì phần lớn là người dân sẽ không biết thậm chí cả nhân viên bưu điện cũng không thể biết được những vật phẩm, hàng hóa đó có phù hợp với pháp luật của các nước khác hay không? Nếu không phù hợp thì vật phẩm, hàng hóa đó buộc phải quay trở lại người gửi và sẽ rất phiền hà. Để cải cách thủ tục hành chính đề nghị Bộ thông tin và truyền thông phối hợp với ngành hải quan và ngành an ninh thống nhất quy định một cửa liên thông, tránh tình trạng bưu điện thì nhận gửi nhưng đến khi qua hải quan và an ninh lại bị giữ lại. Tôi thấy quy định này cũng là trong điều hành chung của Chính phủ, mà chúng ta không quy định cho thống nhất liên thông thì cũng chưa góp phần vào cải cách thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp và người dân.

Đối với Chương VIII và Chương IX. Về Chương VIII tôi tán thành ý kiến của đại biểu Trần Thế Vượng, tôi không nhắc lại nữa. Đối với Chương IX, một mặt tôi cũng tán thành với ý kiến của đại biểu Lê Minh Hồng đoàn Hà Nam, nhưng một mặt tôi cũng xin bổ sung thêm ở Điều 44, quy định giao cho trách nhiệm quản lý Nhà nước về hoạt động bưu chính của Ủy ban nhân dân các cấp. Tôi cảm thấy quy định này chưa phù hợp với quy định của Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Không có lý gì khi hoạt động dịch vụ bưu chính không thực hiện được do tổ chức và doanh nghiệp đã không hoàn thành với người gửi mà quay trở lại để yêu cầu Ủy ban nhân dân giải quyết khiếu nại, tố cáo, chuyện này tôi cho không phù hợp. Vấn đề này cần được nghiên cứu kỹ để phù hợp với Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Mặt khác cũng không làm gánh nặng hơn để cho Ủy ban nhân dân các cấp trong vấn đề thực hiện những tồn tại của hoạt động cung ứng dịch vụ bưu chính do doanh nghiệp không thực hiện được, lại giao cho Ủy ban nhân dân đi giải quyết. Tôi cho chuyện này không phù hợp một tí nào, nên chăng Sở thông tin truyền thông giúp cho Bộ thông tin truyền thông ở địa phương. Tôi xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan