Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trung Nhân – TP Cần Thơ

Thứ Sáu 09:41 27-11-2009

Kính thưa Chủ tọa kỳ họp,

Kính thưa đại biểu Quốc hội, tôi xin phép có một số ý kiến như sau:

Trước hết, tôi nhất trí với dự thảo luật kỳ này và Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, cũng như các ý kiến trước tôi. Về các ý kiến trước đây tôi đã phát biểu ở tổ, một số ý kiến đã được tiếp thu, nên xin phép không nhắc lại, tôi xin phát biểu thêm một số ý kiến nhằm khẳng định quan điểm của mình.

Thứ nhất, ở Điều 7 quy định về các trường hợp được phục vụ ưu tiên. Trong Điều 7 quy định có 4 trường hợp được ưu tiên, tôi nghĩ rằng trong dự thảo luật nên bổ sung thêm trường hợp thư hỏa tốc cũng được ưu tiên. Vì đại biểu Quốc hội thấy rằng thư của Quốc hội gửi cho đại biểu đều đóng dấu hỏa tốc, nếu chúng ta căn cứ vào 4 khoản này khi có thư hỏa tốc mà ngành bưu điện từ chối chuyển thư thì nhiều khi Quốc hội chúng ta đi họp trễ hoặc sẽ có việc gì đó trục trặc. Vì vậy thư hỏa tốc của các cơ quan Nhà nước khi gửi cũng được xem là một loại thư phục vụ ưu tiên, xin đề nghị bổ sung vào Điều 7 như vậy.

Tiếp theo ở Điều 10, về hợp đồng cung ứng dịch vụ bưu chính có quy định khi đóng dấu trên thư là xác định thời gian chấp nhận bưu gửi, tôi đề nghị cần phải có địa điểm nữa thể hiện bằng mã số của bưu điện ở nơi đó, để sau này khi có tranh chấp chúng ta có thể truy xuất lại nguồn gốc của thư đó để quy trách nhiệm.

Ý kiến tiếp theo, quy định ở Điều 14 và Điều 15 liên quan đến đối ngoại, liên quan trong ngành bưu chính và trong một số điều khác quy định rải rác về một số hoạt động liên quan đến hợp tác quốc tế. Tôi nghĩ rằng trong thời buổi chúng ta hội nhập ngày càng sâu và rộng như hiện nay thì việc hợp tác quốc tế trong ngành bưu chính cần phải quan tâm chặt chẽ hơn, sâu hơn. Cho nên đề nghị thiết kế thêm một điều liên quan đến cung ứng dịch vụ bưu chính và liên quan đặc biệt với hợp tác quốc tế để chúng ta có đầy đủ cơ sở sau này chúng ta khi hợp tác quốc tế và thực hiện liên kết quốc tế trong bưu chính.

Liên quan đến mạng bưu chính dùng riêng, trong thảo luận ở tổ tôi đã có ý kiến rồi, Điều 20 về mạng bưu chính dùng riêng, trong này quy định mạng bưu chính dùng riêng được thiết lập để phục vụ nhu cầu thông tin của các cơ quan Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang nhân dân.

Tôi đề nghị nên bổ sung thêm một số tổ chức khác hay một số tổ chức có nhu cầu, vì thực sự nếu chúng ta chỉ phục vụ cho Nhà nước, Đảng hay quân đội nhân dân, thì chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập hay trong nền kinh tế thị trường, một số tổ chức lớn có hệ thống đại lý, hệ thống chân rết lớn, người ta cần một hệ thống chuyển thư riêng, đảm bảo an toàn và bảo đảm bí mật kinh doanh thì người ta cần thiết lập, khi đó người ta vận chuyển người ta không tốn tiền, người ta được quyền thiết lập hệ thống dùng riêng, như vậy chỉ đăng ký với cơ quan bưu chính, như vậy nên bổ sung cụm từ và một số tổ chức khác. Tại Điều 31, về mạng bưu chính công cộng, ở điều này tại Khoản 2 quy định rằng Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm bố trí đủ quỹ đất cho các công trình xây dựng, nó giống như Luật viễn thông cũng quy định Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố bố trí đủ đất cho xây dựng công trình này. Tôi nghĩ từ "đủ " này không biết khi nào là đủ, vì nhu cầu của các đơn vị nhiều khi rất lớn mà nguồn đất của các địa phương hạn chế, đặc biệt là quỹ đất ở các đô thị. Cho nên nếu ghi là "đủ" thì biết khi nào là đủ, cho nên chỉ cần ưu tiên là được rồi chứ đủ thì tôi nghĩ còn rất khó khăn, hiện nay đất chúng ta cũng đã giao hết đất cho người dân quản lý, nếu chúng ta ghi "đủ" thì nhiều khi đất đó thuộc quyền quản lý của người dân thì không thể lấy của người dân mà giao cho doanh nghiệp được, mà doanh nghiệp phải đi thỏa thuận với dân để có được quỹ đất phục vụ cho công trình của mình. Cho nên đề nghị thay chữ đó thành "ưu tiên" thôi chứ không ghi là "đủ". Tiếp theo liên quan đến Điều 44 quy định về trách nhiệm quản lý Nhà nước về hoạt động bưu chính, Ủy ban nhân dân các cấp tôi đề nghị nên sửa lại Khoản 1 quy định về Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ của mình, thực hiện quản lý thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, xử phạt vi phạm hành chính về bưu chính tại địa phương do mình quản lý theo quy định của luật này và pháp luật khác có liên quan", tôi nghĩ nếu quy định các cấp thì cấp phường còn có thể chứ cấp xã có khó khăn vì ở đó không có cán bộ chuyên trách chuyên môn về lĩnh vực này nên không thể thực hiện đầy đủ các nội dung đó. Cho nên cần giới hạn từ cấp huyện trở lên hoặc cấp tỉnh thôi, không thể quy định các cấp được. Khoản 2 quy định là "Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có bộ phận chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân thực hiện nhiệm vụ quản lý về bưu chính", như vậy mâu thuẫn với điều trên. Bởi vì nếu Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện kiểm tra mà Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố mới có bộ máy chuyên môn thôi thì mâu thuẫn. Nếu quy định cấp nào cũng có như Khoản 1 thì ở dưới phải có cấp tương đương. Tôi xin có thêm một số ý kiến như vậy, xin hết. Xin cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan