Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Việt Dũng – TP Hồ Chí Minh

Thứ Sáu 09:40 27-11-2009

Kính thưa Chủ tọa,

Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin đóng góp một số ý kiến vào dự thảo Luật bưu chính, về tổng thể tôi đồng tình với dự thảo Luật bưu chính lần này, việc thông qua Luật bưu chính lần này sẽ là một cơ sở pháp lý cao nhất để giúp xây dựng và phát triển ngành bưu chính hiện đại và để góp phần vào việc phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Đặc biệt là ý kiến thảo luận vừa rồi tôi cũng xin bày tỏ chính kiến là: việc xác định lĩnh vực dịch vụ bưu chính công ích và lĩnh vực bưu chính dành riêng là đã khẳng định vai trò, trách nhiệm điều tiết của Nhà nước trong việc cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho xã hội ở mọi vùng đất nước. Điều này nó cũng phù hợp với cách làm mà bưu chính các nước hiện nay trên thế giới đã và đang làm. Mặt khác một số đại biểu nói là nên cạnh tranh trong lĩnh vực bưu chính, mở ra cho thị trường tự do thì chúng ta cũng phải hình dung là: lĩnh vực bưu chính và lĩnh vực viễn thông về mặt kinh doanh là hoàn toàn khác nhau. Viễn thông thì lợi nhuận rất cao nhưng bưu chính thì không như thế. Chúng ta có thể hình dung nếu như một thị trường tự do hoàn toàn trong lĩnh vực bưu chính thì sẽ như thế nào hiện nay ở nước ta.

Thứ nhất, theo ý tôi là chỉ có một số thành phố lớn thì các doanh nghiệp ngoài xã hội mới tập trung vào kinh doanh. Còn những vùng xa ví dụ như U Minh mà gửi lên Pắc Pó chẳng hạn chắc là không ai tham gia với một giá trị là 2.000 đồng một lá thư.

Thứ hai, là các doanh nghiệp trong nước cũng không đủ trình độ về mặt tổ chức quản lý cũng như là trang thiết bị công nghệ để cạnh tranh với các doanh nghiệp chuyển phát nhanh của nước người, như vậy chúng ta mất dần thị trường xây dựng nền bưu chính quốc gia.

Thứ ba, nếu chúng ta làm như thế trong thời gian cạnh tranh, hoặc chỉ định nhiều doanh nghiệp có thể thực hiện bưu chính công ích thì việc gì sẽ xảy ra. Hiện nay với sản lượng bình quân đầu người 3 lá thư/1 năm, so với các nước phát triển là 300 - 400 lá thư/1 năm thì quy mô sản lượng các sản phẩm bưu chính ở nước ta còn rất thấp. Nếu chúng ta phân tán ra nhiều doanh nghiệp thì sẽ không đủ điều kiện tập trung sản lượng làm cơ sở cho việc hiện đại hóa ngành bưu chính. Tôi xin đóng góp thêm một số ý kiến trong dự thảo lần này:

Một, chính sách của nhà nước về bưu chính. Chúng ta biết hệ thống bưu cục hiện nay Tập đoàn bưu chính viễn thông trong nhiều năm đã xây dựng, chúng ta đã xây dựng được hệ thống bưu cục hơn 10.000 điểm phục vụ. Nếu chúng ta chỉ sử dụng hệ thống này để phục vụ các dịch vụ bưu chính thì lãng phí. Theo thông lệ bưu chính các nước ngoài dịch vụ bưu chính này thì hệ thống bưu cục này còn được coi như hạ tầng xã hội để cung cấp nhiều dịch vụ khác, ví dụ một số dịch vụ về tài chính, một số dịch vụ công mà nhà nước có thể giao cho hệ thống này thực hiện.

Chúng tôi đề nghị trong chính sách nhà nước nên bổ sung một khoản để thể hiện rõ chính sách nhà nước, để thúc đẩy sử dụng hiệu quả hệ thống bưu cục như là một hạ tầng xã hội.

Điểm tiếp theo, về mã bưu chính tôi cũng đồng ý với đại biểu Nga ở Hải Dương, mã bưu chính là cực kỳ quan trọng trong việc thiết lập một nền bưu chính hiện đại. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, thậm chí sau khi có Pháp lệnh bưu chính viễn thông thì đến hiện nay chúng ta vẫn chưa có được mã bưu chính của quốc gia để đi vào cuộc sống, có thể trên giấy tờ chúng ta có, nhưng cuộc sống bình thường chưa có. Đây là cơ sở để chúng ta xây dựng mã bưu chính, ngành bưu chính mà tự động hoá, tin học hoá và nâng cao được chất lượng của dịch vụ cũng như năng suất lao động, cho nên tôi đề nghị chúng ta phải nâng tầm Điều 19 thành nhiều điều khoản hoặc một chương riêng để khẳng định trách nhiệm về xây dựng mã bưu chính quốc gia là của ai cho rõ ràng và cũng thấy rằng việc sử dụng mã bưu chính không chỉ là quyền lợi mà là trách nhiệm của người sử dụng bưu chính.

Điều tiếp theo là Điều 31, về việc xây dựng mạng bưu chính công cộng. Trong các điều ở đây dự thảo luật mới chỉ đề cập đến việc xây dựng các hạ tầng về bưu cục và các trạm, các thùng thư, các trạm khai thác. Tuy nhiên, còn một phần rất quan trọng trong mạng bưu chính công cộng đó chính là các tuyến vận tải, có thể là đường bộ, đường sông, đường thuỷ v.v... Hiện nay các điều khoản này chưa đề cập đến vấn đề này và trong thực tiễn vừa qua Tổng công ty Bưu chính Việt Nam cũng rất khó khăn trong việc thiết lập này, thiếu sự hỗ trợ của các ngành, các cấp liên quan. Cho nên tôi đề nghị dù sau này ai thực hiện nhiệm vụ bưu chính công ích thì trong luật cũng nên có quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức liên quan trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp đó, thiết lập mạng, tuyến vận chuyển cho việc thiết lập mạng bưu chính công ích, mạng bưu chính công cộng.

Vấn đề về tem bưu chính, chúng ta phải xác định rằng tem bưu chính trong Điều 34 có quy định, nhưng tôi đề nghị bổ sung thêm các điều khoản về việc lưu giữ các tư liệu, các công cụ trong quá trình sản xuất tem bưu chính. Bởi vì đối với các nước con tem bưu chính nó gắn liền với lịch sử phát triển của đất nước đó, của nền bưu chính nước đó và đây là những công cụ rất quan trọng để giữ gìn lịch sử phát triển của bưu chính. Tôi đề nghị nên bổ sung thêm một số điều khoản để quy định trách nhiệm giữ gìn các sản phẩm có liên quan đến con tem bưu chính.

Thứ hai, nên mở rộng quyền thiết kế để đề xuất với cơ quan quản lý Nhà nước về việc sản xuất ra các bộ tem mới. Bởi vì con tem không chỉ là công cụ để thanh toán cước của bưu chính mà nó còn mang ý nghĩa là tác phẩm văn hóa nghệ thuật lịch sử, đồng thời nó cũng là một dịch vụ kinh doanh. Tôi đề nghị vấn đề này chúng ta nên có một quan điểm thoáng để làm sao cho doanh nghiệp thực hiện bưu chính công ích có thể sử dụng kinh doanh hiệu quả con tem, góp phần vào việc là giảm bớt hỗ trợ của Nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ bưu chính công ích.

Chúng tôi cũng đề nghị, cần bổ sung thêm điều khoản về quy định chất lượng dịch vụ bưu chính, đặc biệt là các dịch vụ bưu chính công ích vì đây Nhà nước đặt hàng cho một doanh nghiệp để thực hiện nhiệm vụ này, tuy nhiên trách nhiệm sẽ như thế nào nếu như không thực hiện tốt, chúng tôi đề nghị nên có một điều khoản quy định về chất lượng dịch vụ bưu chính. Tôi xin hết, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan