Góp ý của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Hà – Gia Lai

Thứ Hai 09:21 02-11-2009


Kính thưa đoàn Chủ tịch,

Kính thưa Quốc hội,

Để góp phần hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục tôi xin tham gia thảo luận một số vấn đề sau.

Thứ nhất, về điều kiện thành lập trường và điều kiện cho phép hoạt động giáo dục, Điều 50. Theo Luật đầu tư, giáo dục là lĩnh vực đầu tư có điều kiện, sản phẩm của giáo dục là sản phẩm đặc biệt vì vậy cần quy định rõ ràng, chặt chẽ điều kiện thành lập nhà trường gắn liền với chiến lược quy hoạch, kế hoạch, chính sách giáo dục đào tạo và nhu cầu nguồn nhân lực của quốc gia.

Tôi đồng ý với dự thảo luật tách nội dung thành hai bước, đó là điều kiện thành lập và điều kiện hoạt động giáo dục. Tuy nhiên, tôi đề nghị luật cần quy định thời gian tối đa, từng thời điểm quyết định cho phép thành lập đến thời điểm cho phép hoạt động giáo dục. Tôi đồng ý với ý kiến của đại biểu Hải - Đoàn Đồng Nai. Nếu quá thời gian này thì cần rút quyết định, tránh tình trạng chưa chuẩn bị chu đáo dành phần, ảnh hưởng đến các cơ sở giáo dục khác hay chủ đầu tư khác cũng như kế hoạch phát triển giáo dục đào tạo của đất nước.

Thứ hai, luật cần quy định rõ trường hợp nhà trường bị đình chỉ hoạt động hoặc bị giải thể nhằm bảo đảm kỷ cương, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và tránh tình trạng trường đã đi vào hoạt động giáo dục nhưng bị đình chỉ, giải thể sẽ bị ảnh hưởng đến quyền lợi của người học.

Nội dung thứ hai, về thẩm định trường đại học, Điểm d, Khoản 1, Điều 51 luật hiện hành quy định Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập đối với trường đại học. Tuy vậy trong thời gian qua tình trạng phát triển ồ ạt các trường đại học không hội đủ điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo làm dư luận rất bất bình. Mặc dù tham gia thẩm định, giúp Thủ tướng quyết định là nhiều Bộ như: Bộ giáo dục và đào tạo, Bộ kế hoạch đầu tư, Bội Nội vụ, Bộ Tài chính v.v... nhưng không ai chịu trách nhiệm khi thẩm định chưa chính xác, đầy đủ.

Dự thảo luật quy định giao Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo thẩm quyền thành lập trường đại học là hợp lý, có như vậy mới phân công rõ ràng trách nhiệm quản lý Nhà nước của ngành giáo dục và phù hợp với quá trình cải cách hành chính, hội nhập quốc tế, tạo điều kiện để Thủ tướng Chính phủ tập trung vào quản lý điều hành vĩ mô. Song dự thảo luật cũng cần quy định trong trường hợp nào là trường hợp đặc biệt để Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương thành lập trường đại học.

Tôi đề nghị cần làm rõ như thế nào là trường hợp đặc biệt đó và Thủ tướng Chính phủ cần phải quyết định chiến lược phát triển giáo dục, quy hoạch mạng lưới các trường đại học có tính đến ưu tiên vùng, miền và lĩnh vực đào tạo trong từng giai đoạn của đất nước.

Thứ ba, về giáo dục đại học Điều 38 và văn bằng giáo dục đại học Điều 43. Tại Điều 38 luật quy định hệ thống văn bằng quốc dân bao gồm bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, thạc sĩ và tiến sĩ. Để đồng bộ và thống nhất hệ thống đào tạo tôi đề nghị cần xem xét quy định đào tạo tiến sĩ phải qua đào tạo thạc sĩ. Khoản 4 Điều 38 Dự thảo quy định "thời gian kéo dài của đào tạo tiến sĩ không quá 4 năm và rút ngắn không quá 6 tháng" theo tôi là chưa hợp lý, cần diễn đạt lại quy định "thời gian kéo dài không quá 1 năm và rút ngắn không quá 6 tháng".

Quy định rõ hướng đào tạo và cấp bằng sau đại học công nhận kỹ năng thực hành, ứng dụng đối với một số ngành. Đây hoàn toàn không phải là bằng thạc sỹ, tiến sỹ bởi lẽ các quá trình đào tạo này theo tôi khác nhau về quy trình tuyển sinh, chương trình đào tạo, mục tiêu đào tạo. Chúng ta không thể cấp bằng chỉ dựa vào thời gian đào tạo, đồng thời cũng cần quy định hướng chuẩn hóa, công nhận bằng tốt nghiệp các nước khác tại Việt Nam để dễ dàng trong sử dụng và đào tạo tiếp theo.

Vấn đề thứ tư, về kiểm định chất lượng giáo dục, thực tế cho thấy nhiều cơ sở đào tạo có đầu vào chất lượng cao nhưng tỷ lệ ra trường tốt nghiệp loại khá giỏi thấp hơn so với những trường có đầu vào chất lượng thấp, điều này một phần là do sự bất cập trong đánh giá giữa các cơ sở đào tạo. Vì vậy tôi thống nhất cao với dự thảo về việc bổ sung một số quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và cho phép thành lập các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục độc lập, nhằm xã hội hóa và tăng cường tính khách quan của vấn đề này. Tuy nhiên, những quy định trong dự thảo luật theo tôi chưa thể giúp phân loại được sản phẩm giáo dục của các cơ sở đào tạo và các hình thức đào tạo. Vì vậy luật cần quy định rõ Bộ giáo dục và đào tạo quy định chuẩn chất lượng tối thiểu đối với từng bậc học, từng hình thức đào tạo, đặc biệt là đối với bậc học đại học làm cơ sở cho các cơ sở tuyển dụng cán bộ đặc biệt là các cơ quan Nhà nước. Đồng thời quy định rõ chế tài đối với những cơ sở giáo dục công bố thông tin không đúng sự thật hoặc thực hiện không đúng cam kết cũng như chế tài đối với cơ sở kiểm định chất lượng giáo dục không chính xác.

Vấn đề thứ năm, về phân cấp quản lý trong giáo dục, thực trạng ở Việt Nam việc chồng chéo trong quản lý giáo dục là vấn đề nổi cộm, cụ thể ở Trung ương đó là việc quản lý chồng chéo giữa các bộ, ngành về giáo dục, thể hiện ở một số ngành chuyên môn hẹp thuộc các bộ, ngành khác ngành giáo dục quản lý, hoặc lĩnh vực dạy nghề là do 2 bộ quản lý.

Ở địa phương, việc quản lý các trường chuyên nghiệp cũng khác nhau, có một số trường trung cấp chuyên nghiệp thuộc Sở chuyên ngành quản lý. Trường cao đẳng thì có những trường thuộc Sở Giáo dục và đào tạo quản lý, có những trường trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý.

Vì vậy, luật cần phân cấp quản lý giáo dục, nhưng phải quy định thống nhất phân cấp cho ai, phân cấp như thế nào và khi nào thì phân cấp, nhằm tránh sự hoạt động kém hiệu quả manh mún, phân tán nguồn lực như trong thời gian qua. Xin hết.

Các văn bản liên quan