Góp ý của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Bé – Kiên Giang

Thứ Hai 09:09 02-11-2009


Kính thưa Quốc hội,

Tôi cơ bản thống nhất về sự cần thiết sửa đổi Luật giáo dục năm 2005 như Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội. Tôi xin đóng góp thêm một số nội dung cụ thể như sau:

Thứ nhất, về điều kiện thành lập trường quy định tại Điều 50 dự thảo luật, tôi cơ bản thống nhất, song tôi cơ bản nhận thấy quy định như luật năm 2005 hay như luật sửa đổi không ảnh hưởng gì lớn trong việc quản lý, điều hành của ngành giáo dục. Những quy định ở nội dung này trong Luật giáo dục năm 2005 mặc dù chưa cụ thể, nhưng không là nguyên nhân gây ra những hiện tượng như ở trường Đại học Phan Thiết và một số trường khác mà báo chí vừa nêu.

Ở đây là do việc thực hiện chưa nghiêm quy trình thẩm định cho phép hoạt động đối với trường học, mà khâu thẩm định là khâu quyết định rất quan trọng trong việc cho ra đời các trường có chất lượng hay không có chất lượng. Nếu kỳ này Quốc hội thống nhất sửa đổi quy định này, ngoài nội dung đã nêu trong dự thảo, tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thêm nội dung quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thẩm định, đặc biệt phải gắn trách nhiệm của đơn vị đề nghị thành lập trường, đơn vị thẩm định thật rõ ràng để điều luật được thực hiện nghiêm túc.

Thứ hai, về vấn đề cán bộ quản lý giáo dục, tôi thống nhất thêm cụm từ "cán bộ quản lý" ở tiêu đề Mục 3, Chương IV như dự thảo. Tuy nhiên, tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thêm nội dung nay vì Quốc hội đã có Nghị quyết 35 thông qua tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội Khóa XII về đổi mới cơ chế tài chính cho giáo dục, trong đó có chính sách cho nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục như phụ cấp thâm niên, phụ cấp nghề.

Tôi thiết nghĩ giáo dục được xác định là quốc sách hàng đầu, nghị quyết sáng suốt của Quốc hội đã ban hành cần phải đưa vào luật để thể hiện nội dung này tạo hành lang pháp lý tốt hơn cho hoạt động giáo dục. Từ đó tôi đề nghị đưa vấn đề về phụ cấp thâm niên, phụ cấp nghề vào Mục 3, Chương IV của luật sửa đổi mà Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra.

Thứ ba, về tên gọi nhà giáo, tôi thống nhất như dự thảo đã nêu ở Khoản 3, Điều 70. Tuy nhiên, vấn đề này có liên quan đến Luật dạy nghề, tôi đề nghị nghiên cứu sửa đổi Luật dạy nghề cho phù hợp trong hệ thống pháp luật.

Tôi xin nói thêm một đối tượng khác cũng đang làm công tác giảng dạy trong các cơ sở giáo dục. Tại Khoản 2, Điều 49 Luật giáo dục năm 2005 có ghi: "Chính phủ quy định cụ thể các trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân". Luật đã có hiệu lực 3 năm, nhưng đến nay chưa có quy định cụ thể, một số quyền lợi và nghĩa vụ của đội ngũ đang làm công tác giảng dạy ở đây chưa được luật chế tài, ví dụ như trường chính trị tỉnh. Như vậy đội ngũ giảng dạy ở đơn vị này có được coi là nhà giáo hay không, trong khi họ là những người chuyên nghiệp trong công tác giảng dạy. Tôi đề nghị cần quy định cụ thể trong điều luật này để đảm bảo quyền lợi cho lực lượng đang làm công tác ở nơi đây.

Thứ tư, một số nội dung khác tôi đề nghị cần sửa đổi:

Một, tại Khoản 1, Điều 8 luật năm 2005 nêu "Văn bằng hệ thống giáo dục quốc dân gồm Bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, Bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, Bằng tốt nghiệp trung cấp, Bằng tốt nghiệp cao đẳng, Bằng tốt nghiệp đại học, Bằng thạc sỹ, tiến sỹ", luật cũng quy định bỏ kỳ thi tốt nghiệp trung học cơ sở, nhưng lại giao cho trưởng phòng giáo dục đào tạo huyện, quận, thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, dựa trên điều kiện học sinh hết chương trình trung học cơ sở có đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo. Nghĩa là học sinh không thi tốt nghiệp mà cấp bằng tốt nghiệp. Tôi nhận thấy, qua quy định như trên gây ra chuyện bất cập rất lớn. Thực tế đối với bậc tiểu học cũng được quy định là bỏ kỳ thi tốt nghiệp, bỏ bằng tốt nghiệp nhưng giao cho Hiệu trưởng xác nhận kết quả hoàn thành chương trình cấp học vào học bạ. Qua thực tế áp dụng thì tôi thấy đã tạo ra thuận lợi rất lớn trong công tác quản lý và công tác quản lý ở cơ sở. Đặc biệt là phân cấp tối đa cho Hiệu trưởng trong vấn đề quản lý, chịu trách nhiệm trực tiếp về chất lượng giáo dục ở đơn vị mình. Như vậy tôi thiết nghĩ là, đối với trung học cơ sở cũng được quy định là bỏ kỳ thi tốt nghiệp mà lại giao cho Trưởng phòng giáo dục phải cấp bằng tốt nghiệp, chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục này chứ không phải là Hiệu trưởng là người tổ chức kiểm tra, quyết định hoàn thành chương trình cấp học này. Bên cạnh đó việc không tổ chức thi tốt nghiệp mà cấp bằng tốt nghiệp, theo tôi là một vấn đề không hợp lý. Tôi đề nghị cần sửa đổi hai điều khoản này và bỏ quy định Bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bỏ việc cấp Bằng trung học cơ sở và giao cho Hiệu trưởng xác nhận, chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục của đơn vị mình.

Về quản lý Nhà nước, về giáo dục nghề nghiệp thì hiện nay giáo dục nghề nghiệp do hai bộ quản lý. Nghề chuyên nghiệp thì do Bộ giáo dục và đào tạo quản lý còn dạy nghề là do Bộ lao động, thương binh và xã hội quản lý. Nghề chuyên nghiệp hay là dạy nghề theo tôi đó cũng là đó cũng là đào tạo đội ngũ lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật để đảm bảo lao động có hiệu quả hơn và có điều kiện liên thông lên bậc học cao hơn. Song hai Bộ có hai chiến lược phát triển nghề nghiệp và cũng phân tán trong công tác quản lý Nhà nước. Tôi thiết nghĩ vấn đề này, vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn lực trực tiếp tham gia lao động cần có chiến lược hoàn hảo và tập trung của quốc gia, để tạo điều kiện tốt hơn cho việc phát triển cả về số lượng và chất lượng trong công tác giáo dục đào tạo nghề nghiệp và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong giai đoạn công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế thế giới. Tôi thống nhất với ý kiến Báo cáo của Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội. Tôi đề nghị nghiên cứu đưa vào luật quy định về quản lý Nhà nước về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp quy về một đầu mối để quản lý tập trung hơn.

Vấn đề thứ tư, về vấn đề giáo viên trong chương trình xây dựng luật của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XII có nêu vấn đề về xây dựng Luật giáo viên. Song Quốc hội đã thảo luận là thấy không cần thiết phải xây dựng một luật riêng mà phải đưa nội dung này vào trong sửa đổi Luật giáo dục 2005. Nhưng kỳ sửa đổi này tôi không thấy nêu một vấn đề gì đến vấn đề lĩnh vực giáo viên. Tôi đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu nên đưa vào dự thảo lần này một vấn đề có liên quan đến giáo viên để tạo hành lang pháp lý chặt chẽ hơn trong việc đào tạo, bồi dưỡng thực hiện chế độ chính sách, quyền hạn và nghĩa vụ của giáo viên. Tôi đã phát biểu xong. Xin cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan