Góp ý của đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông – Thanh Hoá

Thứ Hai 09:10 02-11-2009


Kính thưa Quốc hội,

Giáo dục đào tạo có tác động mật thiết đến cuộc sống hàng ngày của hầu hết mọi người dân và mọi gia đình, là vấn đề nhậy cảm, búc xúc, nóng bỏng trong dư luận xã hội như trên diễn đàn Quốc hội. Đặc biệt chất lượng giáo dục vẫn còn là câu hỏi lớn chưa có lời giải. Song, muốn giải quyết được vấn đề nêu trên phải xuất phát từ triết lý giáo dục, từ cơ cấu nền giáo dục quốc gia và xây dựng nhân cách cho người học. Phải biết lựa chọn những tồn tại gì là căn bản nhất, then chốt nhất để tập trung tháo gỡ nhằm tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục. Nhưng thời gian qua ngành giáo dục đào tạo chưa làm được điều đó, ngược lại luôn bị động, lúng túng thường chạy theo dư luận xã hội, nên những giải pháp xử lý nặng tính phong trào, tình thế, chắp vá nên thiếu tính đồng bộ và tính đột phá. Việc phân bổ và nâng cấp ồ ạt các trường đại học cao đẳng ở các địa phương cũng như ngoài công lập khi chưa đủ điều kiện về giáo viên và cơ sở vật chất đã bộc lộ rất rõ trình độ quản lý yếu kém đi kèm với những tiêu cực ẩn nấp bên trong. Việc liên kết đào tạo tại chức, đào tạo từ xa giữa các trường đại học với các cơ sở giáo dục tại địa phương đã cho ra lò hàng loạt những tấm bằng thật, nhưng kiến thức giả. Bởi nó được hình thành trên quan hệ thương mại hóa giáo dục mua bằng, bán điểm đã tạo cơ hội cho nhiều người không đủ điều kiện học chính quy như học sinh thi trượt đại học, cao đẳng hay cán bộ công chức học ít nhưng dễ dàng có bằng đại học, cao đẳng để chạy việc và giữ ghế. Còn nhà trường thì cần tiền để tồn tại và nâng cao thu nhập cho giáo viên như ý kiến trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội Khóa XI tháng 3 năm 2007 đã thừa nhận.

Việc liên kết ít nhiều nhằm mục đích doanh thu cho trường đào tạo và chưa chú trọng đúng mức đến chất lượng làm giảm lòng tin của người học và xã hội. Nhưng vì chưa có biện pháp thích hợp nên những bức xúc và tiêu cực trên không những chưa được ngăn chặn mà có xu hướng tiếp tục phát triển. Từ nhu cầu của các đối tượng trên lại được cơ chế xã hội hóa giáo dục khuyến khích, sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng, các lớp liên kết đào tạo mọc lên như nấm ở các trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh, cấp huyện, thậm chí có cả doanh nghiệp tư nhân thấy lợi cũng xin mở lớp. Có trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh tiến hành liên kết hàng chục trường đại học ở tất cả các ngành nhưng đến khi tiến hành kiểm tra Bộ giáo dục và đào tạo mới phát hiện được. Đáng lưu ý việc liên kết, đào tạo thời gian qua chủ yếu mang tính lợi nhuận là chính chứ không chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo. Nhiều trường đã không huấn luyện sinh viên đúng nhu cầu cuộc sống nên nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng không tìm được việc làm do cung cầu, do không đáp ứng được yêu cầu công việc hoặc không đúng ngành nghề chuyên môn được đào tạo dẫn đến sự lãng phí rất lớn cho gia đình và xã hội.

Để xảy ra tình trạng trên trách nhiệm chính thuộc vệ Bộ giáo dục và đào tạo để việc thẩm định do bộ tiến hành, mặt khác Bộ cũng là cơ quan quản lý Nhà nước về vấn đề này. Trước tình trạng giáo dục đào tạo còn nhiều bức xúc, bề bộn, lộn xộn, chất lượng thấp đạo đức thày trò xuống cấp, việc mở thêm trường mới và thu tiền tràn lan không đáp ứng được yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhiều cử tri mong đợi dự án luật sửa đổi lần này sẽ tạo khuôn khổ pháp lý cho việc đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục nước nhà nhằm khắc phục triệt để những hạn chế tồn tại nêu trên, khôi phục niềm tin và sự tôn trọng trong nhân dân. Nhưng đáng tiếc dự thảo luật chưa đáp ứng được đòi hỏi bức thiết của cuộc sống về giáo dục, các vấn đề nêu trong dự thảo luật còn chung chung, có nhiều điều, nội dung cũng như nghị quyết khó xác định cách thức thực hiện như thế nào. Tôi xin được thảo luận vào 3 điều cụ thể sau:

Thứ nhất, Khoản 1, Điều 11 phổ cập giáo dục tôi nhất trí và đánh giá cao việc bổ sung phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, đây là bước tiến mới sau nhiều năm dư luận và đại biểu Quốc hội kiến nghị gay gắt liên tục. Tuy nhiên, cuộc sống đòi hỏi phải phổ cập cả bậc học này chứ không phải chỉ giới hạn ở độ 5 tuổi. Đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung và có lộ trình cụ thể.

Thứ hai, về thời gian đào tạo trình độ tiến sỹ, Điều 38, tôi nhất trí quan điểm của Ủy ban thẩm tra không cần thiết phải sửa đổi điều này vì luật hiện hành đã phù hợp. Đúng là chất lượng tiến sỹ ngày nay có vấn đề, tiến sỹ giấy ra đời nhiều nhưng hoàn toàn không phải thời gian mà chủ yếu do tiêu chí công nhận tiến sỹ chưa cụ thể, do phẩm chất năng lực của người hướng dẫn, của Hội đồng đánh giá chất lượng tiến sỹ cũng như công tác quản lý, thời gian và sản phẩm của nghiên cứu sinh v.v...Tôi đề nghị cần quy định bổ sung cụ thể yêu cầu này cho rõ ràng, minh bạch và chặt chẽ.

Thứ ba, về thành lập nhà trường và thẩm quyền thành lập trường đại học. Về thành lập nhà trường, Điều 50 tôi nhất trí với dự thảo cần tách quy trình thành lập nhà trường ra thành 2 bước. Bước quyết định thành lập nhà trường và bước cho phép hoạt động giáo dục. Nhưng cần quy định cụ thể, rõ ràng, chặt chẽ điều kiện thành lập nhà trường, điều kiện cho phép hoạt động giáo dục, thẩm quyền và trách nhiệm cá nhân trong việc thẩm định và cho phép hoạt động giáo dục. Các trường hợp như thế nào thì bị đình chỉ hoạt động hoặc bị giải thể.

Về thẩm quyền quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập trường đại học Điều 50. Sáng nay tôi có nhận được tờ báo Giáo dục và thời đại đều đề cập đến ý kiến của một số đại biểu nhất trí quan điểm giao quyền thành lập trường đại học cho Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo. Theo tôi nếu dự án luật không tách việc thành lập trường ra làm 2 bước, mà vẫn để như trước đây thì tôi nhất trí giao cho Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo quyết định để đề cao tinh thần trách nhiệm của các cá nhân. Nhưng nay dự án luật tách quy trình thành lập nhà trường làm 2 bước rõ ràng nên trách nhiệm cá nhân của mỗi bước cũng khá cụ thể. Cho nên tôi nhất trí với quan điểm của Ủy ban thẩm tra giao cho Thủ tướng Chính phủ thẩm quyền quyết định thành lập trường đại học và giao cho Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo thẩm quyền cấp phép hoạt động giáo dục cho trường đại học đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập. Như vậy sẽ phù hợp với tình hình của chúng ta hiện nay. Xin trân trọng cảm ơn.

Các văn bản liên quan