Góp ý của đại biểu Quốc hội Võ Thị Hồng Thoại – Bạc Liêu

Thứ Tư 14:26 28-10-2009


Kính thưa Quốc hội,

Khi đặt vấn đề sự cần thiết ban hành Luật tần số vô tuyến điện là luật chuyên ngành sâu được xem là tài nguyên quan trọng đặc biệt, nó không chỉ phục vụ cho lĩnh vực kinh tế xã hội mà cả trong lĩnh vực an ninh quốc phòng và bảo vệ quyền lợi chủ quyền quốc gia về tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh. Đây là nguồn tài nguyên được dùng chung nên đòi hỏi việc quản lý thống nhất và yêu cầu luật này ban hành nhằm tạo tính pháp lý cao, tương ứng vị trí đặc biệt. Qua nhiều ý kiến đại biểu phát biểu trước tôi đã đề cập những nội dung mà tôi muốn phát biểu ở đây nhưng tôi thấy cần tỏ rõ quan điểm của mình về ba vấn đề sau:

Thứ nhất, cơ quan quản lý chuyên ngành về tần số vô tuyến điện được quy định tại Điều 6, theo tôi được biết Chính phủ đã có Quyết định số 88 năm 2008 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục tần số vô tuyến điện thuộc Bộ thông tin và truyền thông. Trong thực tế quyết định này đang được thực hiện và không có trở ngại gì và vẫn phát huy được tác dụng. Tại dự thảo luật, xin ý kiến đại biểu Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội thời gian qua cũng đã trên cơ sở Quyết định 88 mà Ban soạn thảo đã có cụ thể hóa một số nội dung thuộc chức năng nhiệm vụ của cơ quan chuyên ngành vào dự thảo luật để xin ý kiến. Nhưng hiện tại kỳ họp này, tại Khoản 2, Điều 6 chỉ nêu giao cho Chính phủ quy định.Theo quan điểm của tôi, tôi đề nghị nên nghiên cứu nêu cụ thể chức năng quản lý về tần số vô tuyến điện luôn vào dự thảo luật để làm căn cứ triển khai thực hiện khi luật có hiệu lực thi hành thì vẫn thuận lợi mà không gọi là quy định pháp luật như nhiều đại biểu đã có phân tích trước tôi. Tôi thấy việc này chúng ta nên, bởi vì khi đặt vấn đề ban hành dự án luật này nhằm để tạo tính pháp lý cao cho một dự án chuyên ngành có tính chuyên sâu và có tầm quan trọng đặc biệt. Chính vì vậy tôi đề nghị theo hướng chúng ta nên cụ thể một vài chức năng quan trọng đã được quy định tại Quyết định 88 của Chính phủ cụ thể hóa vào dự án luật này.

Vấn đề thứ hai là những hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 9 có 5 khoản, qua nghiên cứu tôi thấy 5 khoản này chủ yếu điều chỉnh đối với đối tượng sử dụng tần số vô tuyến điện mà chưa điều chỉnh đối tượng là tổ chức, cá nhân có chức năng quản lý tần số vô tuyến điện. Vì vậy, tôi đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm vì trong thực tế nhiều trường hợp cũng do sự lợi dụng quyền hạn mà có những hành vi sách nhiễu gây khó hoặc thiếu công tâm trong thực hiện nhiệm vụ quản lý làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có liên quan. Do đó trong Điều 9 tôi đề nghị nên nghiên cứu thêm để quy định hành vi bị nghiêm cấm đối với đối tượng thuộc tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác quản lý. Trong Điều 9 này chủ yếu điều chỉnh đối với đối tượng tổ chức, cá nhân là người sử dụng là chính thì điều này cũng tiếp tục được nghiên cứu.

Vấn đề thứ ba là đảm bảo an toàn bức xạ vô tuyến điện, Điều 14 tại Điểm d, đ Khoản 5 quy định trách nhiệm của Bộ thông tin và truyền thông, tôi băn khoăn sợ sẽ phụ thuộc, nể nang, thiếu khách quan, nên chăng hai chức năng quy định tại Điểm d, đ Khoản 5 của Điều 14 thì chuyển qua thuộc trách nhiệm của Bộ khoa học công nghệ sẽ hay hơn và trong quá trình thực hiện nó sẽ thuận lợi hơn. Bởi vì hiện tại tôi không biết trong quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ thông tin và truyền thông theo Nghị định của Chính phủ như thế nào nhưng mà trong dự án Luật điều chỉnh kỳ này thì nên chăng tại Điểm d, đ Khoản 5 chuyển cho Bộ khoa học và Công nghệ.

Ở đây tôi xin được nêu hai nội dung tôi quan tâm là Điều 14 điểm d khoản 5 quản lý hoạt động tổ chức đánh giá sự phù hợp về an toàn bức xạ vô tuyến điện để phục vụ yêu cầu quản lý Nhà nước và điểm đ quy định thủ tục kiểm định và công bố danh sách tổ chức đủ điều kiện kiểm định về an toàn bức xạ vô tuyến điện đối với đài vô tuyến điện theo quy định. Theo tôi thì hai điểm này chuyển cho chức năng của Bộ khoa học và công nghệ sẽ phù hợp. Tôi xin có một số ý kiến phát biểu. Tôi xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan