Góp ý của đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Phúc – Bình Thuận

Thứ Tư 14:25 28-10-2009


Kính thưa Quốc hội.

Trước hết cá nhân tôi cảm thấy rất thú vị khi các đại biểu Quốc hội tranh luận có thể nói nổi lên một vấn đề rất quan trọng và đấy là trách nhiệm. Quốc hội của chúng ta ngày càng có những cải tiến, những vấn đề như thế này đưa ra tranh luận các quan điểm khác nhau thì tôi cho rằng rất cần thiết để làm rõ thêm. Để tham gia tranh luận chứ không phải mang tính chất thảo luận vấn đề này thì tôi cũng xin phát biểu như sau:

Thứ nhất, khi mà chúng ta thấy năng lực quy định về vấn đề tổ chức trong các đạo luật của Quốc hội phải hết sức chú ý và phải xem xét rất thận trọng vì nếu không như các vị đại biểu Quốc hội phát biểu ở trong thời gian gần đây khi chúng ta ban hành nhiều đạo luật cũng lại sinh ra rất nhiều tổ chức và như thế có thể dẫn đến tăng bộ máy, tăng biên chế, đi ngược lại xu hướng về cải cách. Đấy cũng là một điểm mà cần phải cân nhắc rất thận trọng.

Thứ hai, là chúng ta phải xem lại trong thực tiễn hoạt động lập pháp của Quốc hội chúng ta từ trước đến nay thì đã giải quyết những vấn đề này như thế nào? Báo cáo với Quốc hội về những vấn đề mà quy định về nhiệm vụ, quyền hạn cua các Bộ trong Luật có quy định hay không thì cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Ngay cả quy định nhiệm vụ quyền hạn của một Bộ ở trong Luật thì cũng có quan điểm cho rằng Quốc hội ban hành những quy định chung, còn nhiệm vụ quyền hạn cụ thể thì hiện nay theo Luật tổ chức của Chính phủ thì Chính phủ lại ban hành các Nghị định để quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các Bộ thì cớ sao trong luật Quốc hội lại quy định, cũng là một loại ý kiến như vậy.

Loại ý kiến thứ hai, như đại biểu Trần Du Lịch nêu là những vấn đề gì thuộc quyền năng của các Bộ mà liên quan đến luật thì cũng phải quy định, nếu không đạo luật của chúng ta cũng lại dừng lại đạo luật khung là quy định rất chung chung. Và việc quy định về trách nhiệm, về nhiệm vụ, quyền hạn của các Bộ cũng không trái với Hiến pháp. Vì Bộ trưởng ngoài việc chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ thì còn phải chịu trách nhiệm với Quốc hội theo đúng quy định của Hiến pháp.

Một vấn đề nữa, vậy ngoài nhiệm vụ, quyền hạn của các Bộ được quy định trong luật thì những cơ quan mà thuộc Bộ có được quy định ở trong luật hay không, thì vấn đề này lại càng tranh luận từ trước tới nay tranh luận rất sôi nổi. Về mặt thực tiễn hoạt động lập pháp của Quốc hội, thì chúng ta xem lại thấy một số đạo luật hiện hành đã quy định những cơ quan ở trong các Bộ. Ví dụ như ta có Luật cạnh tranh thì ta có quy định về cơ quan quản lý cạnh tranh, trong đó nhiệm vụ, quyền hạn rất cụ thể những quyền năng của cơ quan này trong thủ tục về điều tra, xử lý những vụ việc về cạnh tranh quy định rất cụ thể. Hoặc chúng ta có Luật chứng khoán, thì chúng ta có Ủy ban chứng khoán. Ngoài những nhiệm vụ quản lý Nhà nước chung của Bộ tài chính thì chúng ta có Ủy ban chứng khoán với những quyền năng rất cụ thể. Kể cả vấn đề cấp giấy phép, xử lý v.v...Và chúng ta có một số đạo luật khác, kể cả Luật Hải quan của chúng ta cũng vậy. Hải quan thuộc Bộ Tài chính nhưng quyền năng của cơ quan Hải quan Trung ương và Tổng cục hải quan và các cục, chi cục cũng quy định rất cụ thể. Như vậy vấn đề đặt ra là có những đạo luật chỉ quy định đến nhiệm vụ quyền hạn của các bộ. Nhưng cũng có những đạo luật đã quy định đến những quyền năng. Ở đây tôi nói vấn đề tại sao tôi xin phép được dùng từ "quyền năng". Bởi vì những nhiệm vụ quyền hạn rất chi tiết cụ thể thì có thể do những nghị định của Chính phủ quy định. Nhưng những quyền năng, những nhiệm vụ quyền hạn mà nó trong quy trình thì thủ tục mà do luật định để xử lý những vụ việc, những quyền và nghĩa vụ của các doanh nghiệp, của các công dân có sự tham gia của các cơ quan này thì phải được quy định trong luật. Vì nếu không quy định trong luật thì chúng ta sẽ không có Luật hải quan quy định rất cụ thể nhiệm vụ quyền hạn của chi cục, của các Cục hải quan. Chúng ta cũng sẽ có luật về cạnh tranh quy định rất nhiệm vụ, rất quyền hạn cụ thể của cơ quan quản lý cạnh tranh ở trong luật về cạnh tranh v.v....

Như thế chúng ta dành lại tất cả những quy định cụ thể đấy cho Chính phủ hoặc là cho các bộ thì lại đến luật là rất khung. Mà ở các nước khác chúng tôi tham khảo thì cũng thấy đối với những cơ quan thuộc Bộ ở những quy định mức độ nào đấy nếu ở góc độ quyền năng trong một quy trình cụ thể thì vẫn phải quy định trong luật và việc phân biệt được trách nhiệm của Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm về mặt chính trị, về quản lý chung và những quyền năng cụ thể. Những cơ quan đấy có thể bị kiện ra tòa nếu thực thi những quyền năng đấy ở trong quy định thủ tục đấy thì chúng ta cũng phải quy định, kể cả chúng ta vẫn có quy định trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Công an, nhưng chúng ta vẫn có luật tới đây hoặc pháp lệnh hiện nay quy định cơ quan điều tra trong thủ tục tố tụng thì như thế nào. Rõ ràng chúng ta cũng phân biệt những đạo luật mà quy định những quy trình thủ tục và trong quy trình thủ tục đấy có những chủ thể thì phải quy định nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể của các chủ thể đấy, mặc dù những chủ thể đấy có thể thuộc Bộ hoặc không thuộc Bộ.

Một điểm nữa mà có lẽ chúng ta phải tiếp tục nghiên cứu là trong tổ chức bộ máy Nhà nước của chúng ta, trong cơ chế thị trường hiện nay chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu. Bởi vì chúng ta hiện nay vẫn là đơn giản hóa các cơ quan của chúng ta điều tiết thị trường hoặc chúng ta chỉ đặt ở Quốc hội, hoặc chúng ta chỉ đặt ở Chính phủ, hoặc ta đặt ở cơ quan tư pháp. Nhưng trên thực tế theo xu hướng phát triển của cơ chế thị trường thì chúng ta nghĩ sẽ có những cơ quan độc lập hoạt động theo luật do đạo luật đấy nó sinh ra, nó cũng không thuộc về bộ máy hành pháp, nó cũng không thuộc về bộ máy lập pháp, cũng không thuộc về bộ máy tư pháp. Ở các nước khác, cả những nước phát triển và đang phát triển thì thị trường đòi hỏi phải xuất hiện những cơ quan như vậy. Những cơ quan như vậy điều tiết thị trường có một vị trí độc lập đương nhiên phải theo luật và có sự quản lý chung. Chúng tôi thấy chúng ta phải tiếp tục nghiên cứu, nhưng vì hiện nay chúng ta chưa phát triển những hình thức thiết chế như vậy cho nên thường chúng ta ghép hoặc chúng ta đặt vào Bộ này, hoặc chúng ta đặt vào Bộ kia. Nhưng nếu chúng ta đặt những thiết chế về điều tiết thị trường như Ủy ban chứng khoán, như cơ quan quản lý cạnh tranh và những thiết chế khác thì cũng nên bảo đảm những vị trí độc lập tương đối và những quyền năng cụ thể. Tôi tán thành có thể quy định trong luật những thiết chế như vậy, sau này chúng ta có thể sửa Hiến pháp, sửa các luật tổ chức hình thành nên các cơ quan mang tính độc lập. Như vừa rồi Quốc hội ban hành các luật về cơ quan kiểm toán nhà nước cũng là cơ quan mang tính độc lập, nó không hoàn toàn thuộc về lập pháp, cũng không hoàn toàn thuộc về hành pháp mà độc lập theo luật.

Tôi tán thành ý kiến của các đại biểu Quốc hội, nếu quy định ở Điều 6 như trong dự thảo luật thì không đúng. Khi chúng ta quy định những quyền năng rất cụ thể thì giao cho Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông. Chúng ta quy định Điều 6 rất cô đọng là cơ quan quản lý chuyên ngành về tần số vô tuyến điện là cơ quan thuộc Bộ Thông tin và truyền thông, thực hiện theo sự phân công và do Thủ tướng Chính phủ quy định thì không cần thiết, nếu quy định như thế này thì không giải quyết vấn đề gì, chỉ cần Nghị định của Chính phủ cũng được, không cần đưa vào luật.

Tôi tán thành ý kiến của anh Lê Bộ Lĩnh và một số đại biểu, nếu chúng ta giao cho cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về tần số vô tuyến điện những quyền năng độc lập trong quy trình xử lý các nghiệp vụ chuyên môn thì chúng ta quy định cụ thể trong này, nếu không chúng ta không thể quy định như thế này, bởi vì tất cả những vấn đề này đều do Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông thực hiện, từ cấp giấy phép, xử lý v.v... Tôi đề nghị cần cân nhắc cách quy định, vấn đề tham khảo lại các luật như Luật chứng khoán, Luật cạnh tranh là những luật phản ánh quản lý theo cơ chế thị trường. Xin hết.

Các văn bản liên quan