Góp ý của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thành Tâm – Tây Ninh

Thứ Tư 09:48 28-10-2009

Kính thưa Chủ tọa,

Kính thưa Quốc hội, tôi xin có một số ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật viễn thông.

Thứ nhất, về quy hoạch viễn thông, trong dự thảo luật đưa ra hai loại quy hoạch, một là quy hoạch phát triển viễn thông của quốc gia quy định tại Điều 8, hai là quy hoạch về hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động quy định ở Điều 57 và quy định các địa phương phải thực hiện. Tuy nhiên, qua công tác thực tế công tác quy hoạch về viễn thông trong thời gian vừa qua, đặc biệt là quy hoạch tổng thể ở các địa phương, tôi đề nghị trong luật này cần quy định rõ hơn là: căn cứ vào quy hoạch viễn thông quốc gia, các địa phương xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển viễn thông ở địa phương, bởi vì lĩnh vực viễn thông rất đặc thù.

Trong Khoản 4, Điều 8 cũng quy định: trên cơ sở quy hoạch viễn thông quốc gia các doanh nghiệp viễn thông xây dựng quy hoạch và kế hoạch phát triển của doanh nghiệp mình. Trong ngành viễn thông thường là các doanh nghiệp triển khai các hoạt động đầu tư và thường quy hoạch ở toàn bộ mạng lưới chứ không quy hoạch lẻ, như vậy quy hoạch của các địa phương, đặc biệt là quy hoạch tổng thể thì có nên thực hiện hay không. Thời gian vừa qua các địa phương khi thực hiện quy hoạch, mặc dù làm quy hoạch như vậy nhưng nguồn lực đầu tư phụ thuộc vào các doanh nghiệp. Hai nữa là định hướng về công nghệ, hệ thống mạng lưới phụ thuộc vào các doanh nghiệp, vậy thì quy hoạch của địa phương tính khả thi thường thấp. Đề nghị cân nhắc xem lại vấn đề quy hoạch tổng thể phát triển viễn thông ở các địa phương.

Vấn đề thứ hai, về phí của người hoạt động viễn thông, về bản chất đây là tài sản vô hình, trong báo cáo thẩm tra cũng có nói tài sản vô hình của Nhà nước trong việc bán cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên trong Luật lại không quy định rõ là cơ quan nào có thẩm quyền quy định mức phí cũng như là sử dụng phí này như thế nào, mà chỉ ghi chung chung là giao Bộ Thông tin và truyền thông phối hợp với Bộ Tài chính quy định hoặc là tham mưu cho cơ quan có thẩm quyền quy định, như vậy thì chưa rõ ràng cụ thể. Tôi đề nghị đây là tài sản Quốc gia đưa vào sử dụng thì phải quy định cụ thể hơn trong luật.

Một số vấn đề chi tiết đó là ở Khoản 4, Điều 19 quy định Bộ Thông tin và truyền thông ban hành danh mục các doanh nghiệp nắm giữ phương tiện thiết yếu nhưng chưa có danh mục phương tiện viễn thông thiết yếu. Tức là có danh mục các doanh nghiệp nắm giữ nhưng mà không có danh mục các phương tiện viễn thông thiết yếu thì đề nghị bổ sung thêm cho đủ.

Khoản 2, Điều 52 quy định danh mục thiết bị đo lường tính cước bắt buộc phải kiểm định nhưng mà ở điểm c khoản 6 chưa quy định cơ quan nào có trách nhiệm thực hiện việc này, do đó đề nghị bổ sung trách nhiệm của Bộ thông tin và truyền thông ban hành danh mục thiết bị đo lường tính cước phải thực hiện kiểm định thì mới có cơ sở mà thực hiện.

Khoản 3, Điều 55 quy định "không bù chéo giữa các dịch vụ nhằm mục đích cạnh tranh không lành mạnh", đề nghị chuyển sang Điều 54 để phù hợp với tính chất của khoản này đó là nguyên tắc chứ không phải là căn cứ để tính cước. Cần cân nhắc quy định như Dự thảo Luật có nghĩa là các doanh nghiệp vẫn có thể thực hiện bù chéo giữa các dịch vụ và chỉ khi nào mà việc bù chéo này nhằm mục đích cạnh tranh không lành mạnh thì bị cấm. Như vậy thì cũng cần quy định rõ luôn cơ quan nào có thẩm quyền xác định và khi nào thì được xem việc bù chéo nhằm mục đích cạnh tranh không lành mạnh.

Về quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động, Khoản 2, Điều 57 đề nghị làm rõ phải có quy hoạch riêng về hạ tầng viễn thông thụ động hay lồng ghép vào các quy hoạch về các công trình giao thông các khu đô thị. Bởi vì trong này quy định các quy hoạch xây dựng các công trình giao thông, các khu đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao phải có quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong đầu tư xây dựng và thuận tiện cho việc thiết lập cơ sở hạ tầng viễn thông, cung cấp sử dụng dịch vụ viễn thông. Nếu quy định như vậy có thể hiểu phải có quy hoạch riêng về hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động. Tôi đề nghị để có sự thống nhất với nhau và thuận tiện trong quá trình thực hiện thì lồng ghép nội dung quy hoạch vào trong các quy hoạch khác, như vậy vừa tiết kiệm được chi phí, thống nhất trong các quy hoạch.

Về vấn đề Điều 19 quy định về cạnh tranh, trong này có một số nội dung ở khoản 2, quy định hành vi mà các doanh nghiệp không được thực hiện nhằm đảm bảo tính cạnh tranh. Tuy nhiên, có một số nội dung quy định, tôi cho là còn rất chung chung và rất khó xác định, chẳng hạn như Điểm b của Khoản 2 nói là sử dụng các ưu thế về mạng về phương tiện thiết yếu để cản trở việc xâm nhập thị trường, hạn chế gây khó khăn cho hoạt động cung cấp dịch vụ của các doanh nghiệp viễn thông. Việc này luật quy định chung như vậy là được, nhưng xác định thế nào là cản trở, khi nào gọi là cản trở thì cũng chưa được rõ ràng, Điểm d của Khoản 2 nói là không cung cấp kịp thời cho các doanh nghiệp viễn thông khác các thông tin kỹ thuật và phương tiện thiết yếu và các thông tin thương mại liên quan cần thiết cho các doanh nghiệp viễn thông khác để có thể cũng cấp dịch vụ, không cung cấp kịp thời như thế nào thì gọi là không cung cấp kịp thời, nhưng trong Luật ở Khoản 7 của Điều 19 do Bộ thông tin truyền thông hướng dẫn mà không phối hợp với Bộ Công thương để hướng dẫn nhưng không hướng dẫn những nội dung này tôi nghĩ trong quá trình triển khai thực hiện rất khó khăn. Đó là một số ý kiến đóng góp, tôi xin hết.

Các văn bản liên quan