Góp ý của đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch – TP Hồ Chí Minh

Thứ Tư 09:47 28-10-2009

Kính thưa Chủ tọa,

Kính thưa Quốc hội,

Trên cơ sở mấy vấn đề gợi ý của Chủ tọa và Đoàn thư ký, theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có một số vấn đề có ý kiến khác nhau. Tôi muốn bày tỏ quan điểm của mình về một số ý kiến vừa nêu.

Trước hết tôi rất đồng tình và hoan nghênh dự thảo lần này chỉnh sửa và tiếp thu những ý kiến lần trước và bản giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ bản tôi rất tán đồng. Tôi muốn bày tỏ một số ý kiến để làm rõ hơn.

Vấn đề thứ nhất, liên quan đến sử dụng cơ sở hạ tầng chung thì tôi tán đồng với quy định ở Điều 45 và Điều 60. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh một điều rất quan trọng phát sinh hiện nay để tiết kiệm hiệu quả và sự cạnh tranh giữa các nhà khai thác trong vấn đề sử dụng cơ sở hạ tầng và giải quyết tình trạng việc đào đường xá của các ngành điện lực, ngành cấp nước v.v... Nên Điều 60 tôi đề nghị ban hành nghị định cụ thể căn cứ vào Luật xây dựng cũng như căn cứ vào Luật quy hoạch đô thị và Luật viễn thông lần này, trong nghị định của Chính phủ quy định rất cụ thể vấn đề sử dụng các hạ tầng, ở đây ta gọi khái niệm là viễn thông thụ động, tức là các cống, các trạm v.v... cái đó là cái rất phức tạp hiện nay tôi đề nghị cách như vậy.

Thứ hai là ý kiến phí hoạt động về viễn thông, bản chất nó là gì? Trong giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã rõ, nhưng tôi nói thật đây nó không phải là phí mà cũng không phải là thuế. Bản chất của nó là một thương quyền thuộc sở hữu Nhà nước chuyển nhượng hoặc bán cho nhà khai thác dịch vụ viễn thông có điều kiện, loại thương quyền này đến khai thác, bản chất của nó là như vậy. Thành ra quy định của luật là đúng, nó không phải là phí, không phải là thuế. Chính vì vậy thương quyền lĩnh vực này rất lớn và trong lịch sử phát triển nhiều nước muốn giữ độc quyền viễn thông vì muốn giữ thương quyền này. Ví dụ như Singapore họ mở cửa tất cả thị trường từ khi lập quốc, nhưng riêng viễn thông tới năm 2000 mới mở cửa, bởi vì đây là thương quyền khai thác. Thành ra quy định của luật là hợp lý.

Vấn đề tiếp theo là viễn thông công ích, xin thưa đây là vấn đề diễn ra trong nhiều năm ở nước ta, đặc biệt là vấn đề đầu tư vào vùng sâu, vùng xa. Có những lúc muốn đưa điện thoại về một xã biên giới phải bắn 3 trạm viba tốn hàng chục tỷ đồng. Những việc như vậy kinh nghiệm các nước thường giao cho một doanh nghiệp làm vấn đề công ích và các doanh nghiệp khác phải chia việc mà chia sẻ dịch vụ này và theo thị phần của anh. Mỗi nước có cách làm khác nhau. Riêng chúng ta từ năm 2004 lập Quỹ công ích để bù đắp, tôi cho rằng cách tính trên thị phần để đóng góp vào Quỹ công ích là cần thiết.

Tuy nhiên, tôi đề nghị ở Điều 22, Khoản 4 tôi cho rằng đây là quỹ nhiều đại biểu quan tâm, vấn đề công khai minh bạch sử dụng nó như thế nào, địa vị pháp lý quỹ như thế nào? Do đó tôi đề nghị Điều 22, Khoản 4 thì Thủ tướng sẽ có quyết định thành lập cái này, quy định cái này, tôi nghĩ để nâng địa vị pháp lý lên, tính độc lập và tầm quan trọng có thể là tổ chức quỹ này với hình thức một nghị định và quy định Bộ Tài chính quy định về quy chế tài chính, nâng nó lên để hoạt động và giám sát hoạt động vấn đề này thì tôi cho rằng nó sẽ phù hợp.

Vấn đề thứ ba, liên quan đến vấn đề cạnh tranh quy định tại Điều 13 đến Điều 19, đây là vấn đề rất phức tạp trong Luật viễn thông. Tôi cho rằng hiện nay có Luật cạnh tranh, tôi rất đồng tình ở đây có đối chiếu lại Luật cạnh tranh với luật này. Tuy nhiên, tôi đề nghị từ một số điều khoản để ổn định cần làm rõ hơn vai trò của Bộ Công thương và Bộ Thông tin và Truyền thông trong vấn đề giải quyết các tranh chấp trong cạnh tranh. Những vấn đề cạnh tranh trong này cũng có quy định nhưng tôi đề nghị làm rõ hơn, nhất là Khoản 7, Điều 19, đặc biệt xử lý mối quan hệ có thể quy định chức năng của hai bộ trong vấn đề này. Khoản 7, Điều 19 quy định: Bộ Thông tin và Truyền thông chủ động phối hợp với Bộ Công thương quy định, nên chăng chỗ này Chính phủ quy định bằng một nghị định hay một dự án nào đó trong việc giải quyết vấn đề này.

Về cơ quan quản lý chuyên ngành, tôi thống nhất như trong báo cáo, tức là phải lập ra một cơ quan chuyên ngành. Trong dự thảo ở Kỳ họp thứ 5 quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ của cơ quan này, nâng tầm nó lên nhưng kỳ này có lẽ để dung hòa giữa hai ý kiến nên cuối cùng giao cho Chính phủ. Theo tôi nếu tốt hơn thì quy định luôn trong luật, bởi vì đưa vào luật mà chỉ đưa tên, không đưa chức năng, nhiệm vụ thì không có ý nghĩa cho nên tôi muốn bảo lưu dự thảo đưa ra tại Kỳ họp thứ 5 về vấn đề này.

Điểm cuối cùng liên quan đến vấn đề bảo đảm quyền lợi của người sử dụng viễn thông, tôi cho rằng như thực tế hiện nay nên quy định rõ hơn về quyền của người sử dụng. Đặc biệt hiện nay có tình trạng khi một nhà khai thác kéo đường dây vào một khu chung cư là độc quyền cung cấp, khách hàng không có lựa chọn, mặc dù đã có quy định vì đây là vấn đề rất phức tạp. Do đó tôi đề nghị quy định rõ hơn trong luật trách nhiệm của các doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ và quản lý Nhà nước trong vấn đề này như thế nào để đảm bảo lợi ích của người sử dụng dịch vụ.

Đó là mấy điểm tôi phát biểu thêm trong ý kiến khác nhau.

Cuối cùng, tôi cho rằng luật lần này có thể thông qua được với tất cả nội dung như bản giải trình và cơ bản tán thành với ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Xin cảm ơn.

Các văn bản liên quan