Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Hà – Gia Lai

Thứ Tư 16:17 02-06-2010

Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin tham gia thảo luận 3 vấn đề đối với dự án Luật an toàn vệ sinh thực phẩm như sau:

Thứ nhất, về điều kiện đảm bảo an toàn đối với thức ăn đường phố được quy định tại các Điều 31, 32, 33 của dự án luật. Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, mỹ quan đường phố, an toàn trật tự trên địa bàn ngoài quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Điều 31 tôi đề nghị bổ sung Khoản 3 nội dung cụ thể như sau: "Kinh doanh thức ăn đường phố phải tuân thủ quy hoạch về địa điểm kinh doanh được quy định bởi cơ quan có thẩm quyền" và bổ sung vào Khoản 2, Điều 33 nội dung: Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm quy hoạch về địa điểm kinh doanh thức ăn đường phố nhằm tạo cơ sở pháp lý để cơ quan có thẩm quyền quy định về vấn đề này trong thực tế.

Thứ hai, về quy định ghi nhãn thực phẩm, Điều 44 dự án luật. Khoản 1, Điều 44 quy định: "Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến bao gói sẵn tại Việt Nam phải thực hiện việc ghi nhãn thực phẩm trước khi sản phẩm được lưu thông trên thị trường theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa", có nghĩa là các loại thực phẩm khi lưu thông trên thị trường đã có nhãn hàng hóa về sản phẩm. Tuy nhiên đối với một số sản phẩm cụ thể thì phải tuân thủ thêm các quy định về nhãn thực phẩm được quy định ở các Điểm a, b, c, d.

Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, đa số đại biểu Quốc hội đề nghị dự thảo luật phải ghi nhãn đối với tất cả thực phẩm biến đổi gen. Tuy nhiên, tại Điểm d, Khoản 1 và 2, Điều 44 dự thảo lần này quy định như sau: đối với một số thực phẩm biến đổi gen phải ghi dòng chữ "biến đổi gen", giao cho Chính phủ quy định cụ thể loại thực phẩm biến đổi gen phải ghi nhãn, mức tỷ lệ, thành phần thực phẩm có gen biến đổi phải ghi nhãn. Quy định như vậy được hiểu rằng chỉ có một số loại thực phẩm biến đổi gen và một số loại này cũng chỉ ghi dòng chữ "biến đổi gen" khi đạt một mức độ nhất định.

Tuy nhiên, Khoản 1, Điều 15 dự thảo Nghị định của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm thì không quy định loại mà chỉ quy định ghi nhãn đối với thực phẩm có chứa từ 3% thành phần có gen biến đổi. Để thống nhất giữa luật, nghị định và đa số ý kiến đại biểu Quốc hội, tôi đề nghị bỏ cụm từ "loại thực phẩm biến đối gen phải ghi nhãn" ở Khoản 2, Điều 44 dự thảo luật. Đồng thời đề nghị Ban soạn thảo làm rõ cơ sở tại sao lại chọn mức 3% trở lên mà không phải là một tỷ lệ khác.

Thứ ba, về thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, một số nước trên thế giới quy định thực phẩm bổ sung tăng cường vi chất dinh dưỡng là một trong các loại của thực phẩm chức năng. Mặc dù họ cho phép lưu hành rộng rãi thực phẩm biến đổi gen nhưng lại có luật riêng quy định về thực phẩm chức năng, chứng tỏ sự quan trọng cũng như phức tạp trong việc quản lý đối với lĩnh vực này. Tuy nhiên ở nước ta chưa có luật riêng quy định về thực phẩm chức năng và chỉ quy định ở một vài điều của dự án luật này mang tính chất nguyên tắc để Chính phủ, Bộ Y tế ban hành các quy định cụ thể trong văn bản dưới luật.

Cụ thể Khoản 4, Điều 15: Điều kiện đảm bảo an toàn đối với thực phẩm chức năng quy định "Giao Bộ Y tế quy định cụ thể về quản lý thực phẩm chức năng". Tuy nhiên, hiện Bộ Y tế chưa có dự thảo nghị định về vấn đề này. Vì vậy, tôi đề nghị Bộ Y tế khi ban hành nghị định thì phải quy định rõ hơn về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm chức năng từ khâu sản xuất, nhập khẩu, phân phối, kinh doanh, bán hàng và đặc biệt là kiểm soát giá cũng như kiểm định các nội dung công bố của các cơ sở sản xuất đối với các loại thực phẩm này. Đồng thời đề nghị Ban soạn thảo bổ sung vào Điểm a Khoản 1 Điều 44 quy định ghi nhãn thực phẩm đối với thực phẩm chức năng là cần ghi dòng chữ "thực phẩm chức năng" đối với các loại sản phẩm này. Xin hết ý kiến. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan