Góp ý của Đại biểu Quốc hội Dương Kim Anh – Trà Vinh

Thứ Tư 16:16 02-06-2010

Kính thưa Quốc hội,

Tôi nhận thấy nội dung dự thảo Luật an toàn thực phẩm lần này so với dự thảo trình Quốc hội kỳ họp thứ 6 đã có nhiều điều khoản được chỉnh sửa phù hợp và đảm bảo tính pháp lý. Tuy nhiên theo tôi còn một số điều sau đây cần phải được chỉnh sửa tiếp.

Ở Khoản 3, Điều 6 quy định: mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính được ấn định ít nhất bằng giá trị thực phẩm vi phạm đã tiêu thụ và nhiều nhất không quá 7 lần giá trị hàng hóa vi phạm đã tiêu thụ, tiền do vi phạm mà có sẽ bị tịch thu. Tôi đề nghị chỉ lấy một mức phạt cao nhất là gấp 7 lần giá trị hàng hóa vi phạm đã tiêu thụ, bởi vì nếu để khoảng cách giao động từ ít nhất đến nhiều nhất không quá 7 lần dễ xảy ra tình trạng tiêu cực trong xử lý. Đồng thời tôi cũng đề nghị Chính phủ quan tâm đến những đối tượng nghèo bán hàng rong để nuôi sống bản thân và gia đình có hình thức xử phạt nghiêm nhưng cũng phải xét đến hoàn cảnh và thu nhập của họ.

Điều 31 quy định điều kiện đối với vị trí kinh doanh thức ăn đường phố ở Khoản 1, tôi đề nghị luật nên quy định cụ thể phải cách biệt các nguồn gây ô nhiễm là bao nhiêu mét, 100m, 200m hay 500m. Theo tôi những quy định cụ thể nào ghi vào luật được thì nên đưa vào, không nên chờ hướng dẫn của ngành chức năng.

Điều 32, Khoản 2 quy định về dụng cụ ăn uống chứa đựng thực phẩm phải đảm bảo an toàn, được rửa sạch, vệ sinh trước khi sử dụng. Tôi đề nghị bỏ cụm từ "được rửa sạch vệ sinh trước khi sử dụng", thêm cụm từ "vệ sinh" sau từ "bảo đảm", thành nguyên câu là: "dụng cụ ăn uống, chứa đựng thực phẩm phải bảo đảm vệ sinh an toàn", tôi thấy quy định như vậy là đầy đủ.

Điều 33 tôi đề nghị bỏ Khoản 2 vì đã có quy định ở Điều 65.

Điều 62, Điểm a, Khoản 1 quy định về trách nhiệm chung của Bộ Y tế, tôi đề nghị thêm cụm từ "chủ trì": chủ trì xây dựng, ban hành hoặc trình Chính phủ ban hành và tổ chức thực hiện chiến lược, chính sách v.v.... Bởi vì Chính phủ giao cho Bộ Y tế là cơ quan chịu trách nhiệm chính về an toàn thực phẩm nên quy định thêm cụm từ "chủ trì" vào luật để thể hiện rõ trách nhiệm chính của Bộ Y tế, đồng thời để Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Bộ Công thương chịu sự chủ trì của Bộ Y tế trong công tác xây dựng, ban hành hoặc trình Chính phủ ban hành và tổ chức thực hiện các chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm.

Khoản 1, Khoản 2, của Điều 63 và Điều 64 tôi đề nghị thêm cụm từ "phối hợp với Bộ Y tế" ở đầu câu, quy định thêm như vậy để thể hiện rõ được trách nhiệm của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, tránh chồng chéo, đổ lỗi và vị nể lên nhau.

Điều 65 tôi đề nghị bỏ ý đầu của Khoản 1. Theo tôi, trên cơ sở văn bản quy phạm pháp luật quy chuẩn kỹ thuật mà Chính phủ và các bộ ban hành Ủy ban nhân dân các cấp căn cứ đó mà tổ chức quản lý điều hành, tổ chức triển khai thực hiện, không nên cấp nào cũng ban hành văn bản, nhiều văn bản sẽ gây sự chồng chéo khó thực hiện. Khoản 4, Điều 65 quy định Ủy ban nhân dân các cấp tập trung nguồn lực, trong khi đó yêu cầu về công tác tổ chức, giảm bộ máy, giảm biên chế, cắt giảm ngân sách v.v... Nhưng ở Trung ương thì yêu cầu địa phương việc gì cũng phải làm cho tốt, đạt mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, coi như trăm dâu đổ đầu tằm, các cấp ở địa phương đã và đang đuối sức. Trong khoản này cũng quy định huy động các nguồn lực của địa phương tham gia vào hoạt động quản lý an toàn thực phẩm. Thực tế hiện nay cán bộ, công chức ở cơ sở đa số kiêm nhiệm rất nhiều công việc nhưng chế độ trợ cấp kiêm nhiệm thì không được hưởng, nếu có cũng rất ít, cơ sở vật chất thiếu thốn. Do vậy, tôi đề nghị bỏ cụm từ "tập trung nguồn lực" và bỏ ý cuối cùng của khoản này, tức là "huy động các nguồn lực của địa phương tham gia vào hoạt động quản lý an toàn thực phẩm" vì hai ý này chỉ mang tính đề nghị khuyến khích mà không mang tính pháp lý.

Theo tôi việc tập trung kiện toàn bộ máy quản lý an toàn thực phẩm và tổ chức tập huấn đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ công tác quản lý an toàn thực phẩm của địa phương là việc rất cần thiết và cấp bách, nhưng cũng cần tập trung và quan tâm đến người sản xuất, người kinh doanh và người tiêu dùng. Các nhà khoa học cho rằng công tác vệ sinh an toàn thực phẩm có 4 nhóm đối tượng cần hướng tới, đó là nhà quản lý, người sản xuất, người kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng.

Như vậy cùng với những việc như đã nêu trên, tôi đề nghị các bộ, ngành trung ương quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, phương tiện làm việc để đảm bảo cho công tác quản lý an toàn thực phẩm được tốt hơn. Xin hết.

Các văn bản liên quan