Góp ý của Đại biểu Quốc hội Lương Phan Cừ – Đắk Nông

Thứ Sáu 13:44 27-11-2009

Kính thưa Quốc hội,

Tôi bày tỏ sự đồng tình với nhiều ý kiến phát biểu của các đại biểu đã phát biểu trước, cũng như trong Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường. Đây là thảo luận lần thứ nhất cho nên chúng tôi xin tập trung thảo luận vào một số vấn đề lớn theo gợi ý của Đoàn thư ký.

An toàn thực phẩm là một lĩnh vực liên quan tới tất cả mọi cá nhân, gia đình, đặc biệt có vai trò quan trọng đối với sức khỏe con người. Nhưng tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm của chúng ta nhiều đại biểu đã nêu, trong báo cáo giám sát về an toàn vệ sinh thực phẩm của Quốc hội đã bàn tại kỳ họp trước, cho thấy bức tranh không tốt đẹp gì trong quá trình bảo đảm sự an toàn vệ sinh thực phẩm.

Việc quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm có nhiều bất cập, chúng ta có số văn bản đồ sộ, theo báo cáo giám sát ở cơ quan Trung ương có tới 337 văn bản, theo Tờ trình của Chính phủ thì chúng ta có tới 299 báo cáo và có nhiều văn bản ở địa phương. Nhưng tại sao tình trạng là an toàn vệ sinh của chúng ta vẫn tiếp tục như vậy. Trong qúa trình chúng ta tổ chức thực hiện thì đã bộc lộ có rất nhiều hạn chế, trước hết đó là đầu tư của chúng ta hết sức hạn chế.

Thưa các đồng chí, như trong Báo cáo của Chính phủ cho biết bình quân chúng ta đầu tư cho vấn đề này chỉ có 780 đồng thì quá thấp so với một nước ở trong khối chúng ta như Thái Lan thì chúng ta chỉ bằng 1/19 thôi, cho nên đầu tư của chúng ta quá thấp.

Thứ hai, hệ thống tổ chức quản lý Nhà nước yếu, thiếu, chưa thực sự thống nhất. Nó thể hiện ở chỗ là thanh tra, kiểm tra chuyên ngành chúng ta mới hình thành năm 2006. Như vậy việc an toàn vệ sinh thực phẩm chúng ta đặt ra rất lâu rồi, nhưng tại sao vấn đề thanh tra, kiểm tra nó quan trọng trong quản lý Nhà nước như vậy mà mới hình thành, mà số lượng đầu tư rất ít, rồi trang thiết bị của chúng ta cũng rất hạn chế, chúng ta có rất nhiều điều mà chúng ta không quản lý được, cho nên chúng ta để dẫn đến tình trạng đó. Chế độ báo cáo vấn đề này chúng ta thấy là ngay con số ngộ độc thực phẩm chúng ta không nắm được mà chúng ta phải lấy con số của tổ chức y tế thế giới. Như vậy chúng ta thấy hệ thống trong quản lý hết sức bất cập, cho nên việc ban hành Luật an toàn vệ sinh là hết sức cần thiết. Chúng ta không nói là chúng ta quá chậm để chúng ta có thể khắc phục nó, để làm sao mà chúng ta đảm bảo yếu tố sức khỏe cho người dân cũng như chúng ta thúc đẩy sản xuất là phát triển một cách bền vững. Tuy nhiên qua bức tranh như các đại biểu đã nêu lên và trong Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm thì cho thấy là các đại biểu chúng ta phát biểu về dự án luật này cũng hết sức băn khoăn cho tính khả thi dự án lần này. Nó thể hiện trong báo cáo tổng hợp về vệ sinh an toàn thực phẩm. Cho nên chúng tôi đề nghị Ban soạn thảo phải cân nhắc kỹ hơn nữa để khi ban hành Luật thực hiện có tính khả thi, chứ không chúng ta có một văn bản đồ sộ như vậy nhưng khi ban hành ra lại không khả thi.

Vấn đề thứ hai, chúng ta có văn bản đồ sộ như vậy. Các đại biểu hết sức băn khoăn tính khả thi ở trong dự án Luật này thì tại sao lại như vậy? Chúng tôi cũng hết sức đánh giá cao việc chuẩn bị dự án của Ban soạn thảo, chỉ có 2 năm kể từ khi thành lập Ban soạn thảo đến nay tức là tháng 10 năm 2007. Đến nay Ban soạn thảo đã chuẩn bị đầy đủ tài liệu theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cũng đã có tổng kết, có đánh giá, quá trình soạn thảo, lấy ý kiến tài liệu tham khảo đầy đủ như là các đại biểu cũng đã nêu. Tuy nhiên vấn đề an toàn thực phẩm là một vấn đề hết sức phức tạp, thực tiễn thi hành Pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm cho thấy tại sao ta có hệ thống văn bản đồ sộ như vậy mà việc thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm yếu. Phải chăng cơ chế chúng ta đặt ra là chưa phù hợp với trình độ phát triển kinh tế, xã hội cũng như là thói quen, tập quán của nhân dân ta ở trong lĩnh vực này. Buôn bán kinh doanh liên quan đến thực phẩm ăn uống nhỏ, ăn uống vỉa hè, thói quen sở thích của người tiêu dùng sử dụng các dịch vụ cung cấp thực phẩm tươi sống nhỏ lẻ, thức ăn đường phố v v...Có phải như vậy không? Chúng ta phải điều chỉnh vấn đề này như thế nào cho phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội cũng như nền văn hóa của nhân dân ta. Vấn đề phức tạp như vậy nhưng chúng tôi thấy trong quá trình soạn thảo xây dựng dự án Luật thì thấy hơi vội chưa thật là kỹ. Ví dụ như trong văn bản chúng tôi thấy trong báo cáo đánh giá tác động ở trang 6 trong phương pháp tác động nói ở đây theo quy định của dự thảo Luật nhưng mà lại nói khám chữa bệnh. Có thể chúng tôi nghĩ rằng Bộ Y tế, trưởng ban soạn thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh trong quá trình đáng giá tác động đó cũng có trong báo cáo tác động về vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn sử dụng lại là khám bệnh, chữa bệnh.

Lỗi ở trang 7, bước 7 điểm a nói là tác động tới hệ thống quản lý Nhà nước đến các đối tượng trực tiếp của luật, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, người hành nghề, người bệnh thể hiện không đầy đủ. Rồi đánh giá tác động là một quá trình hết sức quan trọng trong quá trình xây dựng và soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật là một yêu cầu của luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tuy nhiên báo cáo đánh giá tác động chuẩn bị chưa kỹ, chỉ được thực hiện có hai tuần. Ở đây tôi xin đọc cho các đại biểu và các đồng chí thấy đánh giá tác động trong báo cáo này cũng đã tự nhận là: "Do thời điểm thực hiện đánh giá này rất ngắn, chỉ trong hai tuần, kể cả thời gian chuẩn bị thu thập số liệu và viết báo cáo. Mặt khác việc đánh giá cũng được tiến hành trong một bối cảnh nhiều quy định phương án trong dự án luật vẫn đang trong quá trình bàn bạc, chỉnh sửa và có thể còn có nhiều thay đổi lớn nên những đánh giá trong báo cáo này có thể sẽ không phản ánh hết những tác động của các quy định trong Dự án luật".

Chúng tôi thấy đánh giá này hết sức quan trọng , chúng ta có ban hành được luật này hay không thì nó nằm ở báo cáo đánh giá này, nhưng nhận xét của những người viết báo cáo này như vậy thì chúng ta thấy công tác chuẩn bị chưa kỹ. Rồi báo cáo tổng kết, báo cáo thẩm định cũng mới xong ở tháng 7, tháng 8 năm 2009 đến bây giờ chúng ta đã trình dự án luật. Bởi vì những báo cáo tổng kết đó là cơ sở để chúng ta xây dựng luật. Điều đó cho thấy việc xây dựng luật chưa thật kỹ lưỡng, vội vàng, ảnh hưởng đến chất lượng trình văn bản ra Quốc hội như nhiều đại biểu Quốc hội đã phát biểu tại phiên thảo luận về Báo cáo công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cho nên tôi đề nghị Dự án cần được chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, nhất là báo cáo đánh giá tác động.

Vấn đề thứ ba, chúng tôi phát biểu liên quan đến vấn đề bình đẳng giới. Có khá nhiều vấn đề giới liên quan đến dự án luật này, nhưng người phụ nữ vẫn là người chủ yếu mua thực phẩm về dùng. Đa số phụ nữ là người buôn bán thực phẩm tươi sống, chế biến thực phẩm ở cơ sở nhỏ lẻ v.v... có nhiều vấn đề liên quan đến giới. Luật Bình đẳng giới đã tuyên bố nguyên tắc bảo đảm lồng ghép giới, có quy trình và yêu cầu Ban soạn thảo phải có báo cáo tác động và có thông tin liên quan đến vấn đề này, nhưng trong Tờ trình không có câu nào nói về vấn đề lồng ghép giới. Chúng tôi đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục có những đánh giá tác động bình đẳng giới, lồng ghép giới trong này tốt hơn. Xin hết.

Các văn bản liên quan