Góp ý của Đại biểu Quốc hội Ngô Quang Xuân – Đồng Tháp
Kính thưa Quốc hội,
Tôi xin tham gia một số ý kiến như sau:
Thứ nhất, tôi nghĩ nước ta là nước sản xuất lương thực và thực phẩm, tiếp tục là nước xuất khẩu lớn về lương thực, thực phẩm. Vì vậy tính cấp thiết để ra luật này là hết sức cần thiết, ngoài lý do sức khỏe nhân dân. Bởi vì thế giới cũng có những đánh giá tương đối thiết thực về một số mặt của y tế Việt Nam. Riêng về thực phẩm thì chúng ta đang đứng trước những mâu thuẫn khá lớn.
Trong xuất khẩu thủy sản của chúng ta cũng chiếm trên dưới 3% toàn bộ thủy sản thế giới. Liên quan đến luật này để bảo đảm an toàn thực phẩm trong vấn đề này chúng ta ở mức thấp, chúng ta đang bị lạc hậu cho nên luật này rất cần thiết.
Vè phạm vi điều chỉnh, các nước họ điều chỉnh trong phạm vi các thực phẩm từ các nguồn thiên nhiên. Cho nên chúng tôi nghĩ việc này nhiều đại biểu phát biểu rồi và trong tài liệu giám sát cũng đưa vào. Còn tính khả thi tôi nghĩ cũng đứng trước một mâu thuẫn khá lớn tức là chúng ta có thực hiện được hay không, bởi vì nói phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, bởi vì trong luật này chúng ta đưa vào rất nhiều góc độ liên quan đến an toàn thực phẩm nhưng khả năng thực hiện đến đâu thì nó là cả một vấn đề rất khó. Ví dụ như các loại thức ăn đường phố rồi chúng ta có văn hóa về chợ làng, xã, rồi gần đây những văn hóa nhậu như văn hóa bia, thì tôi nghĩ là khó. Bây giờ làm thế nào giải quyết được toàn bộ việc này, tôi nghĩ trong luật này nêu ra nó khá cụ thể một chút hơn, phân biệt ra loại nào có thể giải quyết được ngay và loại nào cần một thời gian nhất định, chứ đưa vào tất cả các loại thực phẩm, tất cả các đối tượng và tất cả các địa dư kể cả địa lý có thể làm được hay không thì tôi nghĩ vấn đề tính khả thi rất khó. Còn một số điểm tôi nghĩ rất quan trọng thì các đại biểu đã phát biểu rồi, tôi nói thêm một chút, ví dụ nguồn gốc xuất sứ của hàng hóa hay thực phẩm biến đổi gien, thì thực ra việc này chúng ta phải coi trọng nó vì cái này nó thể hiện trình độ công nghệ của chúng ta và trình độ hội nhập của chúng ta, vì trong hàng hóa xuất khẩu kể cả nhập khẩu của các nước nếu thực sự nó dính đến chuyện xuất sứ hàng hóa là rất phiền toái. Ví dụ như con tôm hay con cá tra của chúng ta bị kiện là chống bán phá giá, nhưng sau đó người ta cũng truy lùng ra vấn đề xuất xứ hàng hóa, việc này nếu chúng ta không làm tốt thì tốn kém tiền của rất nhiều trong hoạt động xuất khẩu và hoạt động đối ngoại của chúng ta.
Ý cuối cùng, tôi nghĩ trách nhiệm nó cũng là cái khá thách thức trong Bộ luật này, trách nhiệm phân công ở đây đều nêu ra ở nhiều điều, từ Điều 4, Điều 52, Điều 58, 59, 60. Nhưng ở đây tôi nghĩ là cũng chưa đáp ứng được như các tổ đã thảo luận và có tổng kết ý kiến của các tổ, như thế tôi nghĩ trách nhiệm ở đây phải làm như thế nào cho thật rõ, bởi vì nó liên quan đến vấn đề sau này là chế tài và theo quan điểm của tôi thì có hai loại vấn đề.
Một là giáo dục và tuyên truyền. Hai là biện pháp chế tài. Hai yếu tố này đều rất quan trọng. Bởi vì giáo dục tuyên truyền từ người sản xuất, đến lưu thông hàng hóa, cho đến người tiêu dùng và chế tài này nó cũng liên quan đến cả ba khâu đó. Và vừa rồi chúng ta đã thảo luận hình sự cũng có đưa một góc độ nào đó quản lý có liên quan đến thực phẩm. Nhưng tôi nghĩ trong chế tài ở luật này là nó chưa đầy đủ lắm, cho nên tôi đề nghị Ban soạn thảo nên xem xét và nhận tổng hợp lại ý kiến đóng góp của các tổ, tôi thấy trong tổ phát biểu rất nhiều ý kiến rất giá trị.
Cuối cùng, tôi nghĩ dù là nó khó và luật này còn nhiều mâu thuẫn còn phải giải quyết nhưng mà không nên chờ đợi, không nên cầu toàn mà nên ban hành ra, sau đó thì chúng ta cũng dần dần chúng ta điều chỉnh để có bộ luật hoàn chỉnh. Tôi xin hết ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội.