Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Xuân – Tây Ninh
Kính thưa Quốc hội,
Chúng ta biết rằng ăn uống một cách an toàn là nhu cầu tối thiểu và cơ bản của mọi người và nhu cầu đó trong thời gian vừa qua đã không được đáp ứng tốt. Ví dụ thì đã có nhiều ví dụ được nêu ra trong thời gian vừa qua. Theo tôi để đảm bảo nhu cầu này chúng ta cần có sự tham gia của ba đối tượng đó là Nhà nước, nhà sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng. Người tiêu dùng nào cũng muốn được an toàn, nhưng cho dụ người tiêu dùng thông thái đến đâu cũng không thể phát hiện hóa chất độc hại có trong thức ăn của mình. Còn người sản xuất kinh doanh chúng ta đòi hỏi những đối tượng này phải có trách nhiệm, có lương tâm nhưng trách nhiệm và lương tâm ở đây cũng không thể vận động suông mà phải bằng những chế tài hết sức nghiêm khắc, những xử phạt thật nặng và bắt bồi thường, thu hồi sản phẩm, có thể cấm hoạt động.
Bồi thường ở đây, rất tiếc chúng ta chưa làm luật bảo vệ người tiêu dùng, bồi thường ở đây không phải chỉ có bồi thường về cụ thể như cấp cứu mà bồi thường ở đây tôi nghĩ phải cả những chi phí khám chữa bệnh, tổn thất sức khỏe, tinh thần, thời gian lao động, chi phí xét nghiệm, cho phí thuê luật sư và thưa kiện. Phải làm như vậy thì người tiêu dùng mới có khả năng đi kiện nếu không thì "được vạ thì má đã sưng", không được bồi thường bao nhiêu cả mà chi phí rất lớn, cho nên điều này tôi đề nghị chúng ta có thể đưa ngay vào trong luật này.
Quan trọng nhất ở đây còn lại là vai trò của Nhà nước cần xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của Nhà nước là phải đảm bảo sự an toàn cho người dân trong vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Chúng ta phải làm sao để sản phẩm bán trên thị trường, trong những siêu thị và cửa hàng của chúng ta là phải an toàn, giống như nước ở trong vòi chảy ra phải là nước sạch, thị trường lưu thông cũng phải như vậy, nếu không cũng phải có cơ quan có trách nhiệm để đảm bảo vấn đề này. Chúng ta quy định rõ Nhà nước và các cơ quan Nhà nước có quyền gì, có trách nhiệm đến đâu để đảm bảo vệ sinh, nhưng không sách nhiễu, không phiền hà, không làm dụng quyền lực của mình để gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng vẫn phải đảm bảo hiệu quả. Điều này là một điều khó nhưng đã xây dựng luật thì chúng ta phải đảm bảo được điều đó. Còn quy định theo cách của dự thảo chúng ta, tức là Bộ Y tế là cơ quan chủ trì rồi song các bộ khác có liên quan v.v... thì nó cũng cơ bản giống với pháp lệnh hiện hành và nếu giống pháp lệnh hiện hành thì hiệu quả nó cũng như pháp lệnh hiện hành, tức là cũng như bây giờ thôi, cũng không thay đổi được gì nhiều. Theo tôi cần có một cơ quan thống nhất quản lý theo ngành dọc. Ở đây tôi nói ngành dọc rất quan trọng bởi vì các địa phương có thể vì quyền lợi của mình mà lơ là cho người sản xuất trong địa phương mình, nhưng sản phẩm đó sẽ được bán cho địa phương khác. Cho nên điều này cũng phải hết sức lưu ý và cần có một ngành dọc. Có thể tham khảo ví dụ thành lập Ủy ban vệ sinh an toàn thực phẩm quốc gia, cái này có thể trực thuộc Chính phủ, nếu khó khăn thì trực thuộc Bộ Y tế trước, nhưng về lâu dài cũng nên có một cơ quan trực thuộc Chính phủ để làm việc này và có phạm vi hoạt động bao trùm lên tất cả những hoạt động của các Bộ, ngành khác.
Chúng ta phải tăng cường nguồn ngân sách và nhân lực cho cơ quan này, điều này các đại biểu trước đã nói, chi phí chúng ta hiện nay rất thấp, sẽ không thể đảm bảo được việc đảm bảo an toàn cho người dân. Chúng ta phải thấy rằng luật này xây dựng xong thì làm sao để người dân biết rằng bữa cơm của mình là được ai đảm bảo sự an toàn và nếu mất an toàn xảy ra thì sẽ phải quy trách nhiệm cho ai. Và nếu có nghi ngờ thì sẽ báo cho ai để người ta giải quyết mối nghi ngờ và thắc mắc của mình. Cũng có thể ví dụ trong những vụ bê bối vừa qua, ví dụ bì heo, lòng của nước ngoài tràn ngập mất an toàn vệ sinh thực phẩm v.v... đều không tìm được địa chỉ trách nhiệm. Báo chí làm phanh phui lên thì trúng ai người đấy chịu, còn người quản lý ở đấy là ai, kỷ luật như thế nào, kể cả vụ nước tương đen đến bây giờ chúng tôi xem thử xem chúng ta kỷ luật được ai để xảy ra những sự việc như vậy. Trong khi đó ở một số nước họ áp dụng chế tài hết sức nghiêm khắc đối với những người sản xuất liên quan tới vệ sinh an toàn thực phẩm và chúng ta vừa biết Trung Quốc áp dụng án tử hình cho những người có liên quan tới sữa bẩn nhiễm melamine. Đi vào một số yêu cầu cụ thể tôi đề nghị:
Thứ nhất, chúng ta phải cấm những sản phẩm tươi sống từ nước ngoài vào Việt Nam nếu chưa qua cơ quan chức năng kiểm tra, điều này chúng ta có thể áp dụng và tương tự như nước khác áp dụng cho chúng ta, công bằng thôi. Bây giờ chúng ta làm sao mà mang hoa quả sang Trung Quốc hoặc các nước khác được, trên máy bay họ cấm ngay. Vậy Việt Nam cũng phải cấm, trừ khi có những bao gói đàng hoàng, có được chứng nhận thôi, ngoài ra tươi sống là phải cấm.
Thứ hai với hàng đông lạnh chúng ta quá dễ dãi, dễ dãi nhất thế giới trong chuyện này, quăng cái đùi gà đi nửa vòng trái đất sang đến đây bán vẫn rẻ hơn của Việt Nam lưu kho hàng 6 tháng đến 1 năm, đem ra chợ cho rã đông tự nhiên ở ngoài đó song bán, bán không hết lại cho vào tủ lạnh hôm sau bán tiếp. Điều này một mặt chúng ta sẽ không đảm bảo được vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng mặt khác chúng ta không bảo vệ được người sản xuất trong nước, đấy mới là điều quan trọng. Việc hàng rào kỹ thuật này phải có vai trò bảo vệ nền sản xuất trong nước chứ không đơn giản phải nói an toàn vệ sinh thực phẩm mặc dù chúng ta biết là chúng ta đặt tên như vây. Chúng ta hình dung con tôm của chúng ta đi Mỹ như thế nào, quả thanh long chúng ta đi Mỹ như thế nào? Làm rất khó khăn nhưng ngược lại trái cây từ Thái Lan, Trung Quốc sang Việt Nam như thế nào thì chúng ta biết ngay. Như vậy chúng ta tự thua thiệt trong vấn đề cạnh tranh, chưa nói đến vấn đề sức khỏe cho người tiêu dùng.
Thứ hai chúng ta phải cấm những sản phẩm đông lạnh mà ở nước ngoài không dùng, tôi nói những phế phụ phẩm, lòng lợn rồi lòng gà rồi chân gà, cổ cánh v.v... những thứ là phế phụ phẩm thì chúng ta nhập vào, vừa mất an toàn vệ sinh vì cái đó bảo quản rất khó và cũng không theo tiêu chuẩn của họ.
Thứ hai chúng ta không bảo vệ được người tiêu dùng trong nước mà việc cấm này tôi thấy một số nước vẫn áp dụng, cho nên trong điều khoản quốc tế chúng ta xem thử xem chúng ta được phép hay không, hoặc chúng ta nâng hàng rào kỹ thuật thật cao làm nản lòng những nhà nhập khẩu không thể vượt qua được. Chưa gì thấy vừa tăng quy trình kiểm tra lên là các nhà nhập khẩu kêu lên có vẻ muốn nới lại, cho nên muốn nới lại bao nhiêu thì người tiêu dùng thiệt bấy nhiêu và người sản xuất thiệt gấp đôi. Tôi đề nghị chúng ta quy định thật rõ.
Về thực phẩm biến đổi gien, đối với thực phẩm này thì ở các nước còn nhiều quan điểm khác nhau. Dù quan điểm nào đi chăng nữa tôi đề nghị phải công bố trên nhãn là thực phẩm trong đây có chứa bao nhiều phần trăm thực phẩm biến đổi gien, nguy cơ của nó hiện nay vẫn có, mức độ có thể đánh giá khác nhau, ví dụ nguy cơ gây dị ứng là nguy cơ rõ ràng. Tôi đề nghị thực phẩm biến đổi gien phải công bố trên nhãn một cách rõ ràng thành phần của nó cụ thể là bao nhiêu. Xin hết.