Góp ý của Đại biểu Quốc hội Võ Thị Dễ – Long An

Thứ Sáu 10:57 27-11-2009

Kính thưa Quốc hội.

Về cơ bản tôi tán thành vấn đề chuẩn bị ban hành Luật an toàn thực phẩm. Tôi nghĩ rằng khi ban hành Luật an toàn thực phẩm sẽ đáp ứng lòng mong đợi của cử tri trong cả nước, đồng thời cũng thể hiện trách nhiệm trong công việc chăm sóc sức khỏe nhân dân. Về cơ bản tôi đồng tình với đa số các điều, khoản của dự thảo Luật. Tôi xin kiến nghị một số vấn đề để Quốc hội xem xét.

Trước hết về phạm vi điều chỉnh thì theo tôi luật nên điều chỉnh cả sản phẩm khai thác ngoài tự nhiên, vì biết rằng quản lý sản phẩm khai thác ngoài tự nhiên là không đơn giản nhưng theo tôi đây là khâu gây bận tâm lo lắng nhiều của đông đảo nhân dân trong cả nước, ở nước ta việc khai thác sử dụng sản phẩm khai thác ngoài tự nhiên là khá phổ biến như các loại rau, quả, củ và thủy hải sản và đồng thời ngộ độc do sử dụng thực phẩm khai thác ngoài tự nhiên là còn cao, theo báo cáo của Bộ y tế . Do đó Luật an toàn thực phẩm cần có quy định điều chỉnh đối với thực phẩm khai thác ngoài tự nhiên để vừa đáp ứng mong đợi của nhân dân, đồng thời cũng đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu nông lâm, thủy hải sản trong giai đoạn nước ta hội nhập với kinh tế thế giới.

Vấn đề thứ hai, tôi xin tham gia ý kiến về sản xuất kinh doanh thực phẩm tươi sống, tôi thống nhất như dự thảo ghi tại các Điều 18, 19, tuy nhiên tôi cũng có một số ý kiến băn khoăn về vấn đề này.

Thứ nhất, về tính khả thi ở một số điều kiện ghi trong Điều 18 và Điều 19 thì trong dự thảo có ghi là quy định đảm bảo an toàn về đất, về nước để sản xuất và đặc biệt là về vị trí địa lý.

Hai là phải lưu trữ toàn bộ hồ sơ trong quá trình sản xuất thì tôi cũng lo không biết khi ban hành ra thì một số hộ nông dân nhỏ lẻ hoặc vùng nông thôn, vùng sâu, điều này có khả thi hay không, thành ra cũng rất mong Ban soạn thảo sẽ thuyết minh thêm phần đánh giá tính khả thi của điều, khoản luật này.

Thứ hai, chúng tôi nhận thấy rằng dự án luật chưa có cụ thể hóa được việc kiểm tra giám sát và chế tài đối với việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi trên rau xanh và thuốc tăng trưởng, tăng trọng trong thịt động vật. Do đó chúng tôi đề nghị dự án luật lần này cần bổ sung quy định riêng đối với thực phẩm tươi sống ở các chợ, siêu thị thì phải có giấy phép do cơ quan quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm cấp giống như giấy chứng nhận kiểm dịch thú y đối với gia súc, gia cầm mà chúng ta đang thực hiện và chúng tôi cũng đề nghị cần có quy định để quy định người trực tiếp bán buôn các loại thực phẩm tươi sống ở các chợ đặc biệt các loại rau, củ, quả thì phải nắm được nguồn gốc mà mình đã lấy để bán buôn lại cho người dân.

Thứ ba, tôi đề nghị tại các chợ đầu mối và các chợ bán lẻ, siêu thị phải phân công lực lượng kiểm tra để kiểm tra vấn đề an toàn thực phẩm, đồng thời có những dụng cụ để kiểm tra nhanh tại thực địa để từ đó có xử lý nghiêm đối với các vi phạm.

Nội dung thứ ba, tôi xin được tham gia với Quốc hội là vấn đề về quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm của các Bộ, ngành. Cũng như ý kiến các đại biểu trước tôi đã nêu là nhiều loại thực phẩm đến tay người tiêu dùng trải qua rất nhiều khâu, từ khâu sản xuất, lưu thông, rồi chế biến đến lưu thông. Vì vậy vấn đề quản lý theo chuỗi thực phẩm và mối liên kết, liên ngành cần được thể hiện cụ thể, tôi tự hỏi rằng trong thời gian qua mặc dù có sự phân công cụ thể của các Bộ, ngành nhưng ai là nhạc trưởng và vai trò, trách nhiệm thể hiện đã đủ mạnh hay chưa? Do đó trong lần này để khắc phục tình trạng vừa qua có nhiều cơ quan quản lý nhưng khó quy trách nhiệm khi xảy ra ngộ độc hay vi phạm. Tôi thiết tha đề nghị trong phần quản lý Nhà nước cần đề nghị làm rõ trong Dự án luật, quy định rõ trách nhiệm thuộc về ai và ai là nhạc trưởng.

Hiện Dự án luật có nêu Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm và phân công cho Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế có trách nhiệm giúp Chính phủ quản lý, chúng tôi thống nhất về vấn đề này. Tuy nhiên, tôi đề nghị cần quy định rõ trách nhiệm và thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Y tế để có đủ quyền hạn trong thực thi nhiệm vụ và có hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Chính phủ, trước nhân dân về vấn đề này. Bên cạnh đó tôi cũng đề nghị cần làm rõ trong Dự án luật vai trò của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong khâu sản xuất, nuôi trồng và vai trò của Bộ Công thương cũng cần làm rõ.

Nội dung thứ tư, tôi xin được tham gia là vấn đề phân cấp quản lý và thành lập thanh tra chuyên ngành. Cũng như ý kiến của các đại biểu trước tôi cũng đồng tình với việc quản lý an toàn thực phẩm để có hiệu quả trong thời gian tới cần phải phân cấp mạnh cho chính quyền địa phương cũng như cần phải xã hội hóa.

Tôi đồng tình với các ý kiến trước tôi, tuy nhiên tôi nói thêm một ý là để địa phương quản lý tốt thì phải có nguồn nhân lực. Tôi muốn nói về thanh tra chuyên ngành, theo Nghị định 79 năm 2008 lực lượng thanh tra chuyên ngành đã được thành lập. Như ở Bộ Y tế theo báo cáo chúng tôi được biết có 9 thanh tra chuyên ngành, ở Bộ Nông nghiệp chỉ có 3, ở địa phương chưa có thanh tra chuyên ngành. Chính vì vậy trong thời gian qua việc thanh kiểm tra an toàn thực phẩm ở các địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Do đó trong dự thảo luật lần này cần quy định rõ nét hơn về tổ chức hoạt động của thanh tra chuyên ngành theo hướng thanh tra chuyên ngành cần thành lập ở Trung ương và địa phương, địa phương có thanh tra chuyên ngành do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tổ chức và chịu trách nhiệm chính trong việc thanh tra an toàn thực phẩm tại từng địa phương. Ở Trung ương cũng có bộ phận nhưng lực lượng chủ yếu ở Trung ương là giám sát hoạt động thanh tra chuyên ngành ở các địa phương. Tôi đề nghị dự án luật cần làm rõ việc đầu tư trang thiết bị và ngân sách phù hợp để thực thi nhiệm vụ.

Về vấn đề quản lý thức ăn đường phố, tôi thống nhất với dự án luật đã có quy định về điều kiện đảm bảo an toàn đối với thức ăn đường phố. Đối với Việt Nam chúng ta đây là đặc thù của nước ta, các cơ sở buôn bán thức ăn đường phố rất phổ biến, phần lớn chưa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Vừa qua do tình trạng thiếu nhân lực nên việc kiểm tra đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với thức ăn đường phố chỉ làm được một phần rất nhỏ, còn nhiều mảng chúng ta chưa làm được. Do đó để luật khả thi và thực sự có ý nghĩa chấn chỉnh khâu này, theo tôi dự án luật cần được phân cấp mạnh mẽ cho chính quyền địa phương quản lý, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm như các đại biểu đã phát biểu trước tôi.

Nội dung cuối cùng, tôi xin tham gia ý kiến đó là vấn đề xử lý vi phạm thì cũng qua giám sát tối cao tại Kỳ họp thứ 5cho thấy một số mức xử phạt thời gian qua chưa phù hợp. Chúng tôi đề nghị vấn đề xử lý vi phạm và mức xử phạt cần đủ sức răn đe và nên giao cho địa phương quy định sát hợp với hoàn cảnh kinh tế, xã hội theo khung xử phạt chung của Chính phủ ban hành, tùy từng địa phương sẽ có mức xử phạt phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội của mình. Tôi xin hết ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội.

 

Các văn bản liên quan