Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết – Lạng Sơn

Thứ Sáu 10:55 27-11-2009

Kính thưa Chủ tọa,

Kính thưa Quốc hội, trước hết tôi xin bày tỏ sự nhất trí cao đối với việc ban hành Luật an toàn thực phẩm thay thế cho Pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay. Tôi đánh giá cao cố gắng của Ban soạn thảo cũng như của cơ quan thẩm tra của Quốc hội. Cầm dự thảo luật dày trên 300 trang, nặng gần 1kg như thế này đại biểu có cảm thấy phiền hà một chút nhưng rất hoan nghênh Ban soạn thảo. Để hoàn thiện đạo luật tôi xin đóng góp một số ý kiến như sau, vì đây cũng là lần phát biểu đóng góp đầu tiên cho đạo luật này cho nên tôi xin tập trung vào một số vấn đề lớn. Những vấn đề này xin báo cáo Quốc hội chúng tôi đã thảo luận ở tổ nhưng báo cáo tổng hợp không thể hiện được cho nên tôi thất lễ khi nhắc lại nhiều ý kiến đã được phát biểu ở tổ. Tôi xin nói 3 điểm sau.

Thứ nhất, nhận xét của tôi về cấu trúc của luật này chưa hợp lý, đây không phải là câu chuyện văn chương mà cấu trúc không hợp lý như vậy, chương mục bố trí không hợp lý như vậy thì nó không làm rõ được các vấn đề như sau:

Thứ nhất, không làm rõ được những việc chúng ta cần phải làm trong từng lĩnh vực cụ thể liên quan đến an toàn thực phẩm như khai thác thực phẩm trong tự nhiên,sản xuất chăn nuôi, trồng rồi chế biến thực phẩm, xuất nhập khẩu thực phẩm và vận chuyển và kinh doanh thực phẩm, kiểm nghiệm, kiểm tra, thanh tra, giải quyết tranh chấp khiếu nại, tố cáo, bồi thường xử lý vi phạm v.v....

Thứ hai, nó không làm rõ được quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan. Cụ thể là quyền và trách nhiệm của người sản xuất, người kinh doanh, người tiêu dùng, tổ chức kiểm nghiệm, tổ chức nghề nghiệp, tổ chức quyền lợi của người tiêu dùng, trọng tài, tòa án của các cơ quan quản lý Nhà nước, của các kiểm soát viên, của các đoàn kiểm tra v.v.... theo tôi chỉ có thể nêu bật những vấn đề này lên nếu chúng ta chia các chương, mục khác. Ví dụ đầu tiên chúng ta phải chia ra, có một chương ngoài những quy định chung thì có chương là quyền và nghĩa vụ của tổ chức cá nhân đối với việc đảm bảo an toàn thực phẩm. Tiếp theo chúng ta quy định rất cụ thể trong lĩnh vực khai thác tự nhiên và sản xuất thực phẩm như thế nào, trong lĩnh vực kinh doanh như thế nào, trong lĩnh vực xuất nhập khẩu như thế nào, trong lĩnh vực kiểm tra kiểm nghiệm v.v... như thế nào, ai làm gì thì như thế mới rõ lên được. Theo tôi Ban soạn thảo nên tham khảo Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa, vì theo quan điểm của tôi Luật an toàn thực phẩm cũng là loại luật đảm bảo an toàn hàng hóa cho nên nên tham khảo và cũng rất may sau kỳ họp này chúng ta sẽ giao cho Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đứng ra phối hợp cùng với ban soạn thảo để chỉnh sửa luật. Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa chính là luật mà Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường khóa trước đã phối hợp để trình Quốc hội. Theo chúng tôi cấu trúc của luật ấy nó hợp lý hơn.

Tôi xin chuyển sang vấn đề thứ hai, về cơ quan quản lý Nhà nước đối với an toàn thực phẩm. Báo cáo với quí vị, trong Pháp lệnh hiện hành đã giao rất rõ là Bộ y tế phụ trách chung chịu trách nhiệm trước Chính phủ. Bộ nông nghiệp có trách nhiệm gì? Bộ Công thương có trách nhiệm gì? và các địa phương có trách nhiệm gì?

Nhưng mà vì sao chúng ta không thi hành được, theo tôi có ba nguyên nhân như sau:

Thứ nhất, những quy định của Pháp lệnh nó không chi tiết, nó không gắn liền với trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân trong từng lĩnh vực như chúng tôi vừa nói, cho nên không làm bật lên được trách nhiệm của từng Bộ, từng địa phương ở trong các lĩnh vực ấy như thế nào.

Thứ hai, cũng phải nói thật tôi thấy Bộ y tế quá nhiều việc, quá bận, phải tập trung vào phòng dịch, phòng bệnh rồi khám, chữa bệnh cho nhân dân, cũng phải nói không có điều kiện để mà chăm lo kỹ đến công việc này.

Thứ ba, các địa phương người ta lại giao cho các Sở là chính, trong đó có vai trò chủ chốt của Sở y tế nhưng mà tiếng nói của Sở y tế cũng không phải là mạnh và làm gì thì cũng phải một ban bệ, tất cả các sở cùng nhau làm thì có thể nói nhiều khi nó cũng rất hạn chế hiệu quả.

Điểm thứ tư, theo tôi vì không có chế tài mạnh đối với những người sản xuất, đối với người kinh doanh, đối với cơ quan quản lý Nhà nước, nếu như anh để xảy ra những vụ việc như thế ở trong lĩnh vực của anh, ở trên địa phương của anh thì anh phải xử lý như thế nào thì chúng ta không có quy định thật là mạnh, cho nên hiệu quả của Pháp lệnh nó không cao thì bây giờ giải quyết như thế nào? Tôi nghĩ là Bộ y tế hiện nay quá nhiều việc, cho nên theo tôi nên giao cho Bộ khoa học và công nghệ. Bởi vì Bộ khoa học và công nghệ có cả một Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng, họ nắm toàn bộ qui trình công bố và ban hành các tiêu chuẩn và qui chuẩn kỹ thuật, nắm toàn bộ hệ thống kiểm nghiệm và có Chi cục ở tất cả các địa phương thì theo chúng tôi nên giao cho bộ đó.

Thứ hai, nếu không thì chúng ta phải lập một Ủy ban quốc gia học theo kinh nghiệm của nước Anh và của Mỹ là có các Ủy ban quốc gia về thực phẩm và thuốc thì Ủy ban này hàng tháng người ta đều họp công khai và truyền hình trực tiếp, nhân dân có quyền đến tham dự và có quyền đặt câu hỏi, ở những hội nghị như thế thì người chủ trì người ta phải đưa ra vấn đề và đưa ra các giải pháp. Tôi nghĩ nếu mà lập được Ủy ban quốc gia thì tốt nhưng các Uỷ ban quốc gia của nước ta thì phần lớn hoạt động không có hiệu quả, nhất là ủy ban ấy ở địa phương thì hoạt động càng khó hiệu quả. Cho nên chỗ này cũng cần phải cân nhắc thêm.

Thứ ba là tính khả thi thì vấn đề của Luật này khó ở chỗ hện nay chúng ta có hai hệ thống cung cấp thực phẩm, một là hệ thống công ty siêu thị, nhà hàng, hai là hệ thống tạm gọi là thức ăn đường phố, tức là những hộ gia đình mà các cá nhân kinh doanh thức ăn ở trên đường phố nhỏ lẻ. Bây giờ chúng ta quy định chung cho cả hai loại đối tượng này thì không thể nào quy định được. Theo chúng tôi là có những quy định riêng cho từng loại đối tượng này, đối với loại đối tượng thứ hai theo tôi phải có từng bước. Ví dụ trước hết phải có quy định dẹp bớt những chợ cóc không đảm bảo vệ sinh an toàn đi. Nhưng dẹp như thế các phường có chịu không? bởi vì đây chính là nguồn thu của các phường, chỗ đó ta phải tính. Hai nữa chúng ta cũng phải quy định về những lò giết mổ gia súc kể cả những chuyện mổ gà, mổ cá ngay trên vỉa hè, gần cống rãnh như thế, theo tôi chúng ta phải bỏ dần những thói quen như thế đi thì dần dần tiến tới từng bước chúng ta mới làm cho thức ăn ở đường phố đảm bảo vệ sinh an toàn được. Có thể nói hiện nay chủ yếu nhân dân ta sử dụng thức ăn là thức ăn đường phố nếu bây giờ chúng ta nương nhẹ thì có thể nói là rất khó đảm bảo an toàn thực phẩm, nhưng nếu chúng ta làm quá chặt ngay một lúc thì cũng khó. Theo tôi chỗ này phải có từng bước. Tôi có một số ý kiến như vậy. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan