Dự thảo Luật An toàn thực phẩm: Chế tài còn mờ nhạt

Thứ Ba 15:35 24-11-2009

Dự thảo Luật An toàn thực phẩm: Chế tài còn mờ nhạt

 

 

 

 

(VnMedia) - Chiều nay (23/11), Quốc hội thảo luận tại tổ cho ý kiến về dự thảo Luật An toàn Thực phẩm. Các đại biểu cho rằng phần quy định về chế tài xử phạt như trong dự thảo Luật còn mờ nhạt, và rằng Dự thảo Luật cần quy định cụ thể các cá nhân, tổ chức kinh doanh, chế biến thực phẩm nếu có vi phạm phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng theo quy định của Bộ Luật Dân sự.

Ngoài ra, các đại biểu cũng nhìn nhận rằng muốn luật đủ nghiêm và có thể phát huy tác dụng tốt nhất, cần quy định cụ thể một cơ quan đầu mối có trách nhiệm quản lý công tác an toàn thực phẩm.

Dự thảo Luật An toàn Thực phẩm gồm 11 chương, 62 điều, quy định về điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm; hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm; quảng cáo, ghi nhãn về thực phẩm; thực phẩm nhập khẩu, xuất khẩu; kiểm nghiệm thực phẩm; kiểm soát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, ngăn chặn và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm; thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm; quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm và thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm.

Do tính chất phức tạp của quản lý nhà nước đối với an toàn thực phẩm nên việc phân công trách nhiệm và mối quan hệ phối hợp giữa các bộ, ngành, nhất là giữa Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương còn chưa rõ ràng. Đây chính là yếu điểm mà hiện tại chúng ta đang gặp phải. Điều này gây khó khăn trong triển khai và phối hợp thực hiện, dẫn đến đùn đẩy trách nhiệm lẫn nhau.

Tuy nhiên, với dự thảo Luật An toàn Thực phẩm được đưa ra Quốc hội lần này, các đại biểu cho rằng nhiều quy định còn chung chung, mang tính hô khẩu hiệu khó đi vào thực thi. Đại biểu Nguyễn Hữu Nhị (đoàn Nghệ An) cho rằng, muốn luật đủ nghiêm và có thể phát huy tác dụng tốt nhất, Luật cần quy định cụ thể một cơ quan đầu mối có trách nhiệm quản lý công tác an toàn thực phẩm.

Tán đồng điểm này, đại biểu Nguyễn Văn Luật (đoàn Kiên Giang) đề nghị giao cho Bộ trưởng Bộ Y tế có trách nhiệm giúp Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm và chịu trách nhiệm về an toàn của sản phẩm thực phẩm đối với sức khoẻ nhân dân. Với quan điểm này, đại biểu Luật cho rằng, quy trách nhiệm cho Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ khắc phục được việc đùn đẩy trách nhiệm như hiện nay.

Chia sẻ quan điểm của mình, đại biểu Nguyễn Văn Phát (đoàn Thanh Hóa) đề nghị Bộ Y tế điều hành chung nhưng trong Luật cũng cần ghi rõ nhiệm vụ của từng bộ liên quan trong việc quản lý, kiểm tra các sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.

Quan điểm chung của các đại biểu cho rằng, phần quy định về chế tài xử phạt như trong dự thảo Luật còn mờ nhạt. Các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật cần quy định cụ thể các cá nhân, tổ chức kinh doanh, chế biến thực phẩm nếu có vi phạm phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng theo quy định của Bộ Luật Dân sự. Song song với đó, Luật cũng đang thiếu các quy định về trách nhiệm của cơ quan kiểm soát người sản xuất. Đồng thời, các đại biểu nhất trí nên phân cấp mạnh cho Ủy ban nhân dân các cấp trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, ý kiến của các đại biểu cũng yêu cầu cần quy định rõ chức năng của các cơ quan thanh tra, kiểm tra về những thông tin có liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm. Trách nhiệm của những cơ quan này trong việc cung cấp thông tin liên quan đến sản phẩm. Nếu sai thì phải chịu trách nhiệm như thế nào...

 

Anh Thi - Theo VnMedia ngày 23/11/2009

 

Các văn bản liên quan