Thảo luận dự án Luật an toàn thực phẩm: Cần có “tổng tư lệnh”

Thứ Ba 15:31 24-11-2009

Thảo luận dự án Luật an toàn thực phẩm: Cần có “tổng tư lệnh”

TT - Tại phiên thảo luận ở tổ về dự thảo Luật an toàn thực phẩm chiều 23-11, nhiều đại biểu cho rằng các quy định của dự thảo chưa rõ ràng, đặc biệt chưa quy định dứt khoát một đầu mối chịu trách nhiệm quản lý vấn đề an toàn thực phẩm.

Theo nhiều đại biểu, dự thảo luật chỉ quản lý được các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất quy mô lớn, nói chung là loại “có tóc”, còn những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, hộ gia đình thì gần như không quản lý được. Trong khi đó, vấn đề lo ngại nhất hiện nay là chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng rong, thức ăn đường phố vốn có mặt ở khắp nơi.

Không thể xử lý hình sự!

Không vì sợ nhũng nhiễu mà không làm

Theo đại biểu Trương Hòa Bình, một lỗ hổng rất lớn trong dự thảo là vấn đề thanh tra. “Luật này nói thanh tra chuyên ngành nhưng chỉ nói chung chung là chưa đủ, phải quy định rõ con người, công cụ như thế nào. Có người lo ngại thanh tra chuyên ngành sẽ đi kèm với nó là những mặt trái nhũng nhiễu nhưng không vì thế mà không làm, vấn đề là phải quy định thật rõ”.

Theo các đại biểu, việc phân cấp cho địa phương quản lý thức ăn đường phố là việc nên làm nhưng phải quy định rõ trách nhiệm thuộc cấp nào và kiểm tra, xử lý, chế tài ra sao.

Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình (đại biểu tỉnh Long An) cho biết trong những năm gần đây các cơ quan chức năng phát hiện rất nhiều vụ sản xuất, buôn bán thực phẩm kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh nhưng chỉ dừng ở mức xử lý hành chính, không thể xử lý hình sự.

Lý do, theo ông, luật quy định người nào chế biến, cung cấp, buôn bán thực phẩm “mà biết rằng có thể gây hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe, gây chết người thì mới bị xử lý hình sự”. Và như vậy, dĩ nhiên “những trường hợp mình bắt được thì người ta nói tôi đâu có ý thức được là sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, gây chết cho người khác, như vậy không xử lý hình sự được” - ông Bình nói.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) - thành viên Ủy ban Khoa học - công nghệ và môi trường - cho biết bà đi giám sát bãi rác Nam Sơn thì thấy nhiều người nhặt rác rất mừng khi nhặt được chó chết mà người dân vứt bỏ. “Họ sẽ đem thui, chế biến, bán ra thị trường”. Cho rằng đây là thực tế rất nguy hiểm, vô cùng độc hại, bà Khánh yêu cầu phải bổ sung thực phẩm đã thải loại, tiêu hủy vào diện cấm tiêu thụ, chế biến.

Nên giao hẳn trách nhiệm cho Bộ Y tế

Đại biểu Nguyễn Thị Hoa, chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội, nêu thực tế: người dân cần thực phẩm sạch nhưng nhiều nơi làm thực phẩm, rau an toàn lại không bán được do ngành nông nghiệp không quản lý được, để thực phẩm bị trà trộn. Ngay ở siêu thị, các sản phẩm sạch cũng có thể bị trà trộn nên bà Hoa cho rằng người tiêu dùng đã mất lòng tin khiến sản phẩm chân chính cũng không đứng chân được. Vì vậy, theo bà, dự luật nên quy định cụ thể trách nhiệm từng bộ ngành.

Các đại biểu Nguyễn Thị Tuyến (Hà Nội), Nguyễn Hữu Đồng (Nam Định) đều nêu thực tế rằng hiện nay các bộ ngành đều có vai trò phối hợp mà không có một “tư lệnh” đúng nghĩa để quản lý và chịu trách nhiệm. Theo các đại biểu này, luật cần quy định rõ một đầu mối là Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ để thống nhất hành động và dễ truy trách nhiệm. “Có vụ ngộ độc hàng trăm người mà cuối cùng chẳng ai chịu trách nhiệm, dù liên quan đến tính mạng, sức khỏe hàng trăm người” - bà Tuyến nêu và theo bà, cần quy định cụ thể hơn nhằm giúp người dân có khả năng tố cáo những người gây ra sự cố nghiêm trọng như ngộ độc tập thể chẳng hạn.

Theo lịch trình, dự thảo Luật an toàn thực phẩm sẽ được Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường ngày 26-11 trước khi xem xét thông qua vào kỳ họp sau (giữa năm 2010).

N.TRIỀU - C.V.KÌNH - Theo Tuổi trẻ ngày 24/11/2009

 

Các văn bản liên quan