Kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm: Đừng để “cha chung không ai khóc”!

Thứ Ba 15:41 24-11-2009

Kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm: Đừng để "cha chung không ai khóc"!

Chiều hôm qua (23.11), QH thảo luận tại tổ về Luật An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Nhiều ý kiến cho rằng dự luật quy định trách nhiệm của các Bộ, ngành liên quan chưa rõ ràng; hình phạt chưa nghiêm khắc và cần phải  "luật hoá" thêm  vấn đề khác.

 

Trách nhiệm chính: Giao Bộ NN&PTNThay Bộ Y tế?

Các ĐB đều cho rằng, đây là dự luật liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều bộ, ngành. Vì vậy, nhiều quy định của dự luật có tính khả thi thấp. Chương nói về thanh tra còn quá chung chung. Một số ĐB đề xuất, một là chỉ quy định về địa vị pháp lý của cơ quan thanh tra như một số dự luật khác, hai là quy định hẳn một cơ quan. Giáo sư, bác sĩ Trần Đông A (ĐB Tp Hồ Chí Minh) yêu cầu xây dựng quan hệ phối hợp giữa Bộ Y tế với các bộ ngành có liên quan khác. "Thịt sống thuộc trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thịt chín thuộc trách nhiệm của Bộ Y tế, vậy loại thịt tái (thực phẩm chế biến bán thành phẩm - PV) thì thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ nào?" -  ĐB Trần Đông A ví von. ông đưa ra nhận định: "Đã đến lúc phải đào tạo những chuyên gia thực sự về VSATTP và đầu tư trang thiết bị cần thiết cho họ làm việc. Việc phân định trách nhiệm quản lý như thế nào giữa Bộ NN&PTNT với Bộ Y tế. ATTP có liên quan từ khâu sản xuất, lưu thông rồi đến tiêu dùng. Nếu không có quy định cụ thể thì dễ xảy ra tình trạng "cha chung không ai khóc". ĐB Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) đánh giá. Theo ĐB Thanh thì Luật quy định từ khâu sản xuất đến tiêu dùng, vì vậy nó liên quan đến ít nhất 3 Bộ, trong đó có Bộ NN&PTNT, Công Thương và Bộ Y tế. Tuy nhiên, các khâu này chúng ta kiểm soát chưa chặt chẽ. Việc sản xuất thực phẩm sạch cũng chưa được đề cập tới. Việc kiểm tra thực phẩm có đủ điều kiện để lưu thông trên thị trường hay không cũng khó thực hiện. Về chế tài xử phạt trong Luật cũng không có mà nó được điều chỉnh bằng những nghị định khác. Đề nghị phải đưa chế tài xử phạt vào Luật để tăng tính khả thi.

Về chế tài, ĐB Nguyễn Thị Hoa (Hà Nội) cho rằng chế tài xử phạt góp phần quyết định đến hiệu quả của Luật ATVSTP, nhưng trong dự thảo Luật chỉ có thanh kiểm tra chứ chưa đưa ra chế tài. Đây là Luật ảnh hưởng trực tiếp đến cả người sản xuất, người tiêu dùng và cơ quan quản lý nên phải có chế tài mang tính khung. Trên cơ sở đó, các Bộ liên quan soạn thảo để Thủ tướng quyết định chế tài xử phạt cụ thể, chứ xử phạt như hiện nay là quá nhẹ, không đủ khả năng răn đe, không mang lại hiệu quả cao. ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) thì cho rằng về nguyên tắc quản lý ATTP cần phải bổ sung: Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; bổ sung vấn đề khuyến cáo. ĐB này cũng cho rằng, ngành y tế luôn thiếu nhân lực vì vậy việc kiểm tra APTP nên giao Bộ NN&PTNT để ngành y tế tập trung khám, chữa bệnh.

Phải  đưa thức ăn đường phố vào quy củ

ĐB Phan Xuân Dũng (Thừa Thiên Huế) cho rằng: Cần phải làm thế nào để chúng ta có thực phẩm sạch sử dụng. ATTP phụ thuộc vào trình độ phát triển và văn hoá của từng quốc gia, tuy nhiên nếu không khéo thì chúng ta sẽ gây khó cho sản xuất thực phẩm trong nước, tạo điều kiện cho hàng nước ngoài tràn vào. Vì vậy, chúng ta cần có những quy chuẩn quốc gia riêng để vừa có thực phẩm sạch sử dụng vừa bảo đảm được sản xuất trong nước.

ĐB Trần Tiến Cảnh (Hà Nam)  nhận định, một số quy định trong dự luật rất mơ hồ như  ở khoản 2 Điều 24 quy định thực phẩm bày bán như phải để cao hơn mặt đất.  Vậy cao hơn là bao nhiêu? ĐB này đề nghị trong dự án luật nên có 1 điều khoản nào đó quy định trách nhiệm đảm bảo an toàn thực phẩm đối với những bếp ăn tập thể ở những khu công nghiệp, khu chế xuất. Đối với thực phẩm không nguồn gốc thì cần phải thu hồi và phải luật hoá quy định công bố thông tin đối với những sản phẩm bị thu hồi. Có như vậy mới đảm bảo để người dân biết và tránh. Về thực phẩm chức năng cũng cần phải có 1 chương quy định để quản lý loại sản phẩm này. Bởi thời gian qua, sản phẩm này được quảng cáo quá nhiều, bán thì đắt nhưng không biết chất lượng ra sao và cũng không có tài liệu nói về tác dụng như thế nào?.

ĐB Trần Thị Quốc Khánh cho rằng, chúng ta phải kiên quyết, mạnh tay với thức ăn đường phố khi Luật này có hiệu lực. "Không thể lấy lý do vì hoàn cảnh khó khăn, phải nuôi con ăn học mà bán thực phẩm nhôm nhoăm, không đúng quy định. Vì đây là một vấn đề khác, cần thiết thì chuyển đổi nghề nghiệp cho những người này. Nếu phát hiện bán hàng vỉa hè mà không có giấy phép là phải kiên quyết xử phạt. Như vậy, vấn đề văn minh đô thị mới được thực hiện".  Đối với thức ăn đường phố, ĐB Khánh cho rằng nên đổi tên gọi vì đây chỉ là cách gọi nôm na, không mang tính luật. Về những hành vi nghiêm cấm, ĐB Khánh đề xuất: Phải bổ sung nghiêm cấm sử dụng động vật chết, động vật đã bị tiêu huỷ. Rất đau lòng, khi vừa qua còn có tình trạng người dân nhặt chó đã chết ở bãi rác Nam Sơn về làm sạch rồi đem bán, hay những vụ cướp gà đã bị đem đi tiêu huỷ.  Vì vậy, hành vi này phải bị cấm khi nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của người dân.

Theo Đời sống pháp luật ngày 24/11/2009-Minh Lý

Các văn bản liên quan