Góp ý của PGS-TS Trần Đáng – Chủ tịch Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam

Thứ Sáu 09:11 11-09-2009

GÓP Ý VỀ DỰ THẢO

15 LUẬT AN TOÀN THỰC PHẨM

I. YÊU CẦU CHUNG CỦA LUẬT AN TOÀN THỰC PHẨM CẦN ĐẠT:

1. Luật ATTP cần phải cao hơn pháp lệnh VSATTP, phải đầy đủ, cụ thể hơn. Nếu thấy chưa tốt hơn pháp lệnh VSATTP thì chưa cần ban hành luật; song thực tế đòi hỏi phải có luật ATTP càng sớm càng tốt.

2. Luật ATTP nên kế thừa những ưu điểm, tích cực, còn phù hợp của Pháp lệnh VSATTP, các luật, pháp lệnh khác liên quan và các Quyết định, Thông tư của các Bộ về lĩnh vực ATTP. Đồng thời nên nghiên cứu kỹ các hướng dẫn của WHO, FAO và luật các nước.

3. Thiết kế nên logic theo chuỗi cung cấp thực phẩm.

4. Nội dung nên đảm bảo 05 tính chất và 04 mục tiêu:

* 05 tính chất: (1) Tính lý luận.

                          (2) Tính thực tiễn.

                          (3) Tính hội nhập.

                          (4) Tính liên ngành.

                          (5) Tính kế thừa.

* 04 mục tiêu:  (1) Nền tảng cho việc đảm bảo ATTP.

                          (2) Chỉ dẫn cho thanh tra, kiểm tra ATTP.

                          (3) Hướng dẫn cho người sản xuất, kinh doanh áp dụng tiêu chuẩn và phương pháp đảm bảo ATTP.

                          (4) Cung cấp niềm tin cho người tiêu dùng.

5. Mục đích cuối cùng của luật An toàn Thực phẩm là:

+ Bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng ở Việt Nam (86 triệu dân).

+ Phát triển kinh tế - xã hội.

Vấn đề này như ngài Thượng nghị sĩ Quốc hội Mỹ Lugar khi tiếp đoàn viết Luật An toàn thực phẩm Việt Nam tại Văn phòng Quốc hội Mỹ ngày 06/03/2008 đã khuyến cáo:

- Giải quyết vấn đề ATTP cần có cả 3 cơ quan: cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp và cơ quan tòa án.

- Xây dựng Luật ATTP cần chú ý tới 3 vấn đề:

(1) Giảm bớt sự trở ngại trong kinh doanh, không gây ảnh hưởng tới thương mại và tăng các sản phẩm Thực phẩm an toàn.

(2) Tạo khả năng phân phối rộng rãi các sản phẩm Thực phẩm an toàn, sản phẩm TPCN tới người tiêu dùng.

(3) Có một chương trình giáo dục tuyên truyền về pháp luật và kiến thức An toàn thực phẩm.

II. VỀ BỐ CỤC : Nên bỏ bớt một số chương, mục và thêm một số chương mục mới so với dự thảo.

Bố cục chung: nên thiết kế thành 17 chương:

Chương 1: Những quy định chung.

Chương 2: Thực phẩm.

Chương 3: Điều kiện sản xuất, kinh doanh Thực phẩm.

Chương 4: Sản xuất, kinh doanh Thực phẩm.

Mục 1: Sản xuất kinh doanh Thực phẩm ban đầu.

Mục 2: Chế biến Thực phẩm.

Mục 3: Bảo quản, vận chuyển Thực phẩm.

Mục 4: Nhập khẩu Thực phẩm.

Mục 5: Xuất khẩu Thực phẩm.

Mục 6: Truy nguyên nguồn gốc và thu hồi sản phẩm Thực phẩm.

Mục 7: Quảng cáo, ghi nhãn Thực phẩm.

Mục 8: Kiểm nghiệm Thực phẩm.

Chương 5: Thực phẩm chức năng.

Chương 6: Phụ gia Thực phẩm.

Chương 7: Thực phẩm biến đổi gen và Thực phẩm chiếu xạ.

Chương 8: Trang thiết bị, dụng cụ, vật liệu bao gói, đồ chứa đựng Thực phẩm.

Chương 9: Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật về Thực phẩm.

Chương 10: Phòng ngừa ngộ độc Thực phẩm và các bệnh truyền qua Thực phẩm.

Chương 11: Ô nhiễm Thực phẩm và phân tích nguy cơ ô nhiễm Thực phẩm.

Chương 12: An ninh Thực phẩm.

Chương 13: Giáo dục truyền thông và An toàn Thực phẩm.

Chương 14: Phân công trách nhiệm quản lý An toàn Thực phẩm.

Chương 15: Kiểm tra, thanh tra An toàn Thực phẩm.

Chương 16: Xử lý vi phạm.

Chương 17: Điều khoản thi hành.

Tham khảo các luật mới ban hành cho thấy:

+ Luật Thương mại: 9 chương – 324 điều.

+ Luật Hải quan: 8 chương – 82 điều.

+ Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa: 7 chương - 71 điều.

+ Luật QCTC: 7 chương – 71 điều.

+ Luật Giáo dục: 9 chương – 120 điều.

III. VỀ NỘI DUNG: Cần hết sức chú ý xem xét lại thật kỹ từng mục, từng điều, từng đoạn, từng dòng, từng câu để chỉnh sửa, cần bổ sung nhiều nội dung mới cho đầy đủ và bỏ nhiều nội dung trong dự thảo chưa phù hợp. Sau đây chỉ là một số ví dụ:

1. Trong chương I: Những quy định chung

(1) Điều 1: Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng:

- Nên viết gọn như Pháp lệnh.

- Mục 2/ điều 1 ghi: “Luật này áp dụng đối với cơ quan, Tổ chức, cá nhân Việt Nam và Tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam

Luật này không thể áp dụng cho bất cứ cơ quan tổ chức, cá nhân nào ở Việt Nam. Cần sửa cho chính xác (mục 2 điều 1).

(2) Điều 2: Chưa đề cập đến 3 tình huống:

- Các luật khác khác với luật này.

- Luật của các nước.

- Công ước Quốc tế.

(3) Điều 3: Trong 26 định nghĩa cần xem xét và chỉnh sửa cho chính xác. Ví dụ:

+ Điều kiện bảo đảm ATTP là các quy chuẩn kỹ thuật là không đúng!

- Quy chuẩn kỹ thuật là quy định về mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý mà sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế - xã hội phải tuân thủ để đảm bảo an toàn, vệ sinh, sức khỏe con người, bảo vệ động vật, thực vật, môi trường; bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia, quyền lợi của người tiêu dùng và các yêu cầu thiết yếu khác.

- Điều kiện: theo từ điển ABC Tiếng Việt, là hoàn cảnh, điều cần phải có.

“Điều kiện” thường dùng bổ nghĩa cho một động từ, ví dụ: điều kiện ăn, điều kiện ở, điều kiện sản xuất…

Điều kiện an toàn thực phẩm là các yêu cầu cần phải có về cơ sở, trang thiết bị dụng cụ và con người để các cơ sở sản xuất kinh doanh Thực phẩm sản xuất, chế biến và bảo quản các sản phẩm Thực phẩm đạt tiêu chuẩn ATTP. Trong dự thảo 15 dùng quá nhiều từ “Điều kiện”, có chỗ lạm dụng không đúng, ví dụ ở điều 7: “Điều kiện chung đối với Thực phẩm”. Nếu thế, nên gọi là “Luật về điều kiện ATTP thì phù hợp hơn!”

+ Thực phẩm đã qua chiếu xạ nên viết là: Chiếu xạ thực phẩm: là phương pháp sử dụng các chất có tính phóng xạ nhằm ngăn ngừa sự biến chất, hư hỏng của Thực phẩm và ngăn ngừa sự xâm nhập vi sinh vật nhiễm vào Thực phẩm. Viết như trong dự thảo 15 là chưa đủ, cái chính của chiếu xạ là ngăn sự xâm nhập của vi sinh vật để bảo quản Thực phẩm.

+ Ô nhiễm Thực phẩm: cần đưa ra định nghĩa chính xác.

+ Ngộ độc Thực phẩm: định nghĩa như dự thảo là sai, vì nếu ngộ độc mạn tính thì có nằm trong định nghĩa này không. Nên lấy định nghĩa trong Pháp lệnh VSATTP.

+ Bệnh truyền qua Thực phẩm: định nghĩa không chính xác.

+ Sự cố Thực phẩm, kiểm nghiệm Thực phẩm, Thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, hạn sử dụng, lô sản phẩm nên bỏ vì đã có ở văn bản pháp luật khác hoặc không cần thiết.

+ Nên thêm một số định nghĩa như : mối nguy ATTP, sản xuất ban đầu, an ninh Thực phẩm, vận chuyển Thực phẩm, phân phối Thực phẩm…vì liên quan đến các nội dung trong luật.

+ Nhìn chung phải rà lại tất cả các định nghĩa cho chuẩn xác.

(4) Điều 4, 5, 6: cần sửa bỏ một số câu không chính xác và bổ sung cho đầy đủ, ví dụ: nếu thực hiện 4 điểm trong điều 4 liệu có đảm bảo kiểm soát được toàn bộ chuỗi cung cấp Thực phẩm không? Trả lời: chắc chắn không!

(5) Đề nghị thêm:

- Một điều về Quyền và Nghĩa vụ của Tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh Thực phẩm.

- Một điều về Hội, Hiệp hội (xem mục 2 trong phần III).

- Một điều về Người tiêu dùng (Quyền và Nghĩa vụ).

2. Cần thiết trong Luật ATTP có 1 Điều về Hội, Hiệp hội:

* Lý do:

- Ở các nước: vai trò, quyền và nghĩa vụ của Hội, Hiệp hội trong kiểm soát chuỗi cung cấp thực phẩm rất được đề cao.

- Các luật khác đều có một số điều về Hội, Hiệp hội: Luật Dược (Điều 8), Luật Thương mại (Điều 9), Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật (Điều 11 và 63), Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa (Điều 21)…

- Xu hướng phát triển của xã hội dân sự với 03 yếu tố cơ bản: Nhà nước pháp quyền, thị trường (các Doanh nghiệp sản xuất kinh doanh) và xã hội công dân. Hội và Hiệp hội có đặc điểm cơ bản là: (1) Có tính chuyên ngành sâu; (2) Tập hợp được nhiều chuyên gia giỏi; (3) Có tính lý luận và thực tiễn cao, và với nguyên tắc hoạt động là tính tự nguyện, tính tự quản, tính chuyên nghiệp và hoạt động thường xuyên, ổn định vì mục tiêu lợi ích nghề nghiệp của Hội viên và cộng đồng.

* Trong Luật An toàn thực phẩm nên có 01 Điều trong chương I như sau:

Điều…: Hội và Hiệp hội về thực phẩm (trong chương I).

1. Hội và Hiệp hội về thực phẩm được thành lập để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm, động viên tổ chức, cá nhân và cộng đồng đảm bảo an toàn thực phẩm, tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, nâng cao nhận thức và thực hành của cộng đồng về ATTP, hỗ trợ các cơ quan quản lý trong các hoạt động vì CLVSATTP.

2. Hội và Hiệp hội có nghĩa vụ:

(1) Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm.

(2) Thực hiện chức năng tư vấn, phản biện, giám định xã hội về các vấn đề liên quan đến ngành nghề thực phẩm.

(3) Tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn, hội nghị, hội thảo, hội chợ, triển lãm, nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực ATTP.

(4) Thực hiện các dịch vụ công nhận, chứng nhận, kiểm nghiệm và dịch vụ khác về ATTP.

(5) Đề xuất và tham gia xây dựng, góp ý các văn bản pháp luật, các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn về ATTP.

(6) Tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân, cộng đồng đảm bảo ATTP thuộc lĩnh vực hoạt động của Hội, Hiệp hội. Bảo trợ và giúp đỡ tổ chức, cá nhân trong nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ, kinh nghiệm quản lý để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong quản lý, sản xuất, kinh doanh, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tăng cường khả năng cạnh tranh của sản phẩm thực phẩm Việt Nam.

3. Hội và Hiệp hội có quyền:

(1) Được kiến nghị và chất vấn với cơ quan quản lý Nhà nước về những vấn đề liên quan đến ATTP.

(2) Được hỗ trợ ngân sách và tham gia các hoạt động CTMTQG về ATTP.

(3) Được tham gia đóng góp ý kiến trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách, pháp luật về ATTP.

(4) Được tổ chức các dịch vụ liên quan đến ATTP theo quy định của pháp luật.

(5) Được cung cấp thông tin về ATTP.

(6) Đại diện cho hội viên trong quan hệ đối nội, đối ngoại có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của Hội, Hiệp hội.

4. Hội và Hiệp hội Thực phẩm được tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật về Hội.

3. Chương Thực phẩm (sau chương I) với nội dung như sau:

Mục 1: Tiêu chuẩn sản phẩm Thực phẩm cần đảm bảo:

            - Chất lượng

            - An toàn.

Mục 2: Điều kiện sản phẩm Thực phẩm được lưu hành. Cần quy định các tiêu chí để sản phẩm Thực phẩm được lưu hành (tiêu dùng).

Mục 3: Thực phẩm kém chất lượng: tiêu chí và phòng chống.

Mục 4: Thực phẩm giả: Nêu các tiêu chí Thực phẩm giả và biện pháp phòng chống.

Mục 5: Thực phẩm ô nhiễm (không sạch): tiêu chí và phòng chống.

Mục 6: Thực phẩm không đạt tiêu chuẩn: tiêu chí và phòng chống

Mục 7: Dinh dưỡng Thực phẩm. Mục này nên viết như sau:

(1) Thực phẩm phải đảm bảo giá trị dinh dưỡng và cảm quan. Chính phủ sẽ xác định và áp dụng một chính sách trong sản xuất, chế biến, phân phối và tiêu dùng để nâng cao tình trạng dinh dưỡng trong cộng đồng.

(2) Trong trường hợp có sự thiếu hụt và bị giảm dinh dưỡng trong Thực phẩm tại cộng đồng, Chính phủ sẽ xác định yêu cầu cần thiết để tăng cường và làm giàu thành phần về giá trị dinh dưỡng đối với một số Thực phẩm đang được lưu thông tiêu dùng.

(3) Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng Thực phẩm phải đảm bảo đầy đủ các yêu cầu dinh dưỡng Thực phẩm đã xác định và có  biện pháp ngăn cản quá trình làm giảm hoặc mất chất dinh dưỡng trong Thực phẩm.

 

 

4. Cần thiết có một chương trong Luật An toàn thực phẩm: Chương Thực phẩm chức năng.

* Lý do:

+ TPCN là một lĩnh vực rất rộng lớn, phức tạp, trong 10 năm qua đã phát triển rất mạnh mẽ, hiện ở Việt Nam đã có hơn 500 Doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh TPCN với hơn 1500 sản phẩm đang lưu hành.

+ TPCN có những tác dụng ưu việt là: chống oxy hóa, kéo dài tuổi thọ; Tạo sức khỏe sung mãn; Tăng cường sức đề kháng, giảm nguy cơ bệnh tật; Hỗ trợ điều trị bệnh tật; Hỗ trợ làm đẹp cho con người và góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo.

Số người sử dụng TPCN ngày càng tăng. Ở Nhật Bản, bình quân 1 người dân dùng 125 USD TPCN/ năm, người Mỹ dùng 67,2 USD/ năm, người châu Âu dùng 51,2 USD/ năm và các nước châu Á (trừ Nhật) mới dùng 3,1 USD TPCN/ năm. Ở nước ta số người dùng và mức độ dùng TPCN đang tăng lên mạnh mẽ.

+ TPCN có tính đặc thù khác với thực phẩm truyền thống, là loại sản phẩm nằm trong khoảng giao thoa giữa Thực phẩm và Thuốc.

+ Ở nhiều nước đã ban hành một Luật riêng về TPCN, ví dụ Mỹ (1994), Nhật (1991, 2001), Australia (2001)…

Ở nước ta chưa thể ra được một Luật riêng về TPCN nên ít nhất là có 01 chương về TPCN trong Luật ATTP.

* Nội dung: Chương Thực phẩm chức năng:

4.1. Điều 1: Định nghĩa và tiêu chí TPCN.

4.2. Điều 2: Phân biệt TPCN với Thực phẩm truyền thống và Thuốc.

4.3. Điều 3: Phân loại TPCN.

4.4. Điều 4: Điều kiện để sản phẩm TPCN được lưu hành:

(1) Đảm bảo chất lượng:

- Thành phần nguyên liệu.

- Hàm lượng hoạt chất.

 

- Ổn định chất lượng từ khâu sản xuất đến tiêu dùng (đến hạn sử dụng).

(2) Đảm bảo tính an toàn : Cần nêu rõ:

- Với sản phẩm kế thừa Y học cổ truyền và Các vitamin, khoáng chất.

- Với sản phẩm TPCN mới, lần đầu sản xuất.

(3) Đảm bảo tính hiệu quả:

- Với sản phẩm kế thừa Y học cổ truyền và các vitamin, khoáng chất đã có tiêu chuẩn, quy chuẩn: Không cần thử lâm sàng vì là các sản phẩm đã được đúc kết, thử nghiệm trong cộng đồng qua thời gian dài nay được tổng kết thành bài thuốc được công nhận.

- Đối với sản phẩm mới: cần có báo cáo thử lâm sàng hoặc chứng nhận lưu hành tự do của nước sản xuất.

Theo Quy định của EU: “Cơ quan đăng ký không cần cung cấp các kết quả thử độc tính (tính an toàn) và thử hiệu quả (tính hiệu quả) nếu nhà sản xuất có thể cung cấp các tài liệu chi tiết các công trình nghiên cứu khoa học đã công bố rằng các Thực phẩm đã được sử dụng một cách ổn định, có hiệu quả đã được công nhận và mức độ an toàn chấp nhận được”.

(4) Sản phẩm TPCN phải ghi nhãn theo quy định.

(5) Sản phẩm TPCN phải được công bố tiêu chuẩn hoặc chứng nhận lưu hành tự do.

4.5. Điều 5: Quản lý TPCN: Nên có các mục sau:

4.5.1.Mục 1: Chứng nhận sản phẩm lưu hành tự do:

- Loại 1: Sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, bài thuốc Đông y, Nhà sản xuất chỉ thông báo đến VFA với hồ sơ theo quy định.

Loại này bao gồm: Các sản phẩm kế thừa bài thuốc Y học cổ truyền, các vitamin, khoáng chất đã có quy chuẩn, tiêu chuẩn.

- Loại 2: Cần có chứng nhận lưu hành tự do của VFA. Loại này là các sản phẩm TPCN mới.

- Loại 3: Cần có chứng nhận của VFA, khi sử dụng cần có chỉ định kê đơn của bác sĩ và giám sát chặt chẽ của cán bộ y tế. Loại này là TPCN đặc biệt, dùng cho người phải ăn qua ống Sonde, phụ nữ có thai, trẻ sơ sinh, người già nhai nuốt khó.

4.5.2. Mục 2: Quản lý sản xuất TPCN:

- Cơ sở sản xuất TPCN: phải được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận đủ điều kiện VSATTP (điều kiện cơ sở, điều kiện trang thiết bị và điều kiện con người).

- Sản phẩm: theo Mục 1 điều 5.

4.5.3. Mục 3: Nhập khẩu, xuất khẩu TPCN:

- Nhập khẩu TPCN: Chứng nhận cho lưu hành tự do tại Việt Nam trên cơ sở công nhận, thừa nhận các kết quả tương ứng.

- Xuất khẩu TPCN: theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

4.5.4. Mục 4: Thông tin, quảng cáo TPCN.

- Cần có chứng nhận nôi dụng thông tin quảng cáo phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn công bố.

- Cơ quan thông tin quảng cáo chỉ cho thông tin, quảng cáo khi có chứng nhận phù hợp nội dung.

4.5.5. Mục 5: Kinh doanh (bán) TPCN:

+ Các kênh thương mại: tất cả các kênh thương mại đều có thể bán TPCN. Theo quốc tế gồm 07 hình thức sau:

(1)         Các cửa hàng công cộng.

(2)         Các quầy bán lẻ (trong nhà thuốc, trung tâm thương mại).

(3)         Các cửa hàng, siêu thị chuyên bán TPCN.

(4)         Bán hàng trực tiếp qua mạng.

(5)         Bán hàng qua các nhà chuyên môn.

(6)         Các câu lạc bộ bán hàng.

(7)         Bán hàng đa cấp.

+ Điều kiện bán hàng TPCN:

- Cơ sở: Tùy loại hình thương mại mà có quy định điều kiện về cơ sở phù hợp, không nghiêm ngặt như Thuốc nhưng cũng không quá đơn giản như bán Thực phẩm thường.

- Trang thiết bị: Tùy loại hình thương mại, có quy định thích hợp ví dụ: tủ đựng, giá đựng, túi xách…

- Con người: người trực tiếp bán TPCN cần phải được học 01 khóa đào tạo về TPCN có chứng nhận. Tuy không nghiêm ngặt như Thuốc (phải là Dược sĩ), nhưng không thể ai cũng bán TPCN, nhất là bán hàng đa cấp.

4.6.  Điều 6: Đánh giá chất lượng tính an toàn và tính hiệu quả của sản phẩm TPCN:

4.6.1. Mục 1: Đánh giá chất lượng sản phẩm TPCN. Cần quy định theo  các tiêu chí:

- Thành phần nguyên liệu.

- Hàm lượng theo công bố.

- Tính ổn định của chất lượng từ khâu sản xuất tới tiêu dùng (hạn sử dụng).

4.6.2. Mục 2: Đánh giá tính an toàn sản phẩm TPCN. Quy định theo các tiêu chí sau:

- Thành phần nguyên liệu, hàm lượng.

- Thử nghiệm trên động vật.

- Thử trên người

- Đánh giá nguy cơ.

4.6.3. Mục 3: Đánh giá tính hiệu quả: quy định theo các tiêu chí sau:

- Thử nghiệm trên động vật

- Thử nghiệm trên người.

4.7.  Điều 7: Thử nghiệm trên người Thực phẩm chức năng.

4.7.1. Mục 1: Yêu cầu thử trên người:

- Các sản phẩm TPCN mới chưa được lưu hành ở trong nước và ngoài nước thuộc loại 2 + 3 đều phải thử lâm sàng.

- Đã được nghiên cứu xong giai đoạn tiền lâm sàng và đã được thử nghiệm trên động vật.

- Có quy trình sản xuất, chế biến ổn định.

- Sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng theo hồ sơ đăng ký thử lâm sàng.

- Nhãn sản phẩm phải ghi: “Sản phẩm dùng cho thử trên người, cấm dùng cho mục đích khác”.

- Đối tượng thử trên người: là những người tình nguyện đáp ứng yêu cầu chuyên môn và có khả năng hành vi dân sự bình thường.

4.7.2.  Mục 2: Các sản phẩm TPCN miễn phải thử trên người:

- Sản phẩm kế thừa các bài thuốc Đông y đã được công nhận.

- Các sản phẩm bổ sung vitamin, khoáng chất đã có tiêu chuẩn, quy chuẩn.

- Các sản phẩm nhập khẩu mà đã được chứng nhận lưu hành tự do hoặc chứng nhận sử dụng ở nước sản xuất hoặc các nước khác một cách rộng rãi, được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận là an toàn và có hiệu quả.

- Các sản phẩm mà lịch sử sử dụng ổn định, tính hiệu quả và tính an toàn đã được công nhận mà nhà sản xuất có thể trình lên cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền thông qua các báo cáo khoa học, các tài liệu khoa học hoặc các tài liệu có tính chính thống của quốc gia (dược điển, sách chuyên ngành được xuất bản hợp pháp, các quyết định, quy định, thông tư của Chính phủ hoặc của Bộ quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm.

Bộ trưởng Bộ Y tế quy định quy chế thử nghiệm trên người của TPCN.

5. Cần có một chương xử phạt.

*  Lý do: Luật các nước đều quy định xử phạt cụ thể.

+ Malaysia: Điều 13 quy định hành vi vi phạm và xử phạt tù tới 5 năm hoặc phạt tiền.

+ Thái Lan: Chương 8 với 13 điều quy định các hành vi vi phạm và mức phạt tù tới 3 năm và 30.000 bạt hoặc cả 02 án.

+ Indonesia: Chương 10 với 04 điều quy định hành vi vi phạm và mức phạt tới 05 năm tù và 600 triệu Rupi.

+ Luật các nước khác cũng đều quy định xử phạt ngay trong luật (Trung Quốc, Mỹ, Canada…)

* Về nội dung:

+ Quy định các vi phạm và mức phạt cụ thể tương ứng.

+ Trong việc xử phạt, nếu có tranh chấp, cần quy định vai trò và trách nhiệm của Tòa án trong việc xử lý về tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và các vấn đề có liên quan. Kinh nghiệm của Mỹ, Nhật và các nước đã chỉ ra rằng : tham gia vào giải quyết vấn đề ATTP của 1 quốc gia cần có sự tham gia của 3 cơ quan: cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp và tòa án.

6. Các chương khác của dự thảo: cần sửa đổi và bỏ bớt phần không phù hợp và đưa thêm phần cần thiết, phù hợp.

- Các chương khác đề nghị bổ sung như Mục II.

- Nội dung trong các chương quảng cáo ghi nhãn, Thực phẩm nhập khẩu, kiểm nghiệm Thực phẩm, giáo dục truyền thông, thanh tra, kiểm tra, cần chỉnh sửa cụ thể, đầy đủ. Viết như dự thảo là không đạt yêu cầu.

IV. VỀ KIẾN THỨC QUẢN LÝ VÀ CHUYÊN MÔN:

Đề nghị chỉ đạo tổ biên soạn cập nhật các quy định Quốc tế và kế thừa các quy định ở Việt Nam còn phù hợp. Như dự thảo 15 này thì chưa đáp ứng được yêu cầu. Ví dụ:

+ Tại sao chỉ nêu Thức ăn đường phố trong luật? (Mục 5/ chương 3). Thức ăn đường phố chỉ là loại hình trong khâu phân phối bao gồm:

(1)   Bán lẻ (siêu thị, cửa hàng, Thức ăn đường phố…).

(2)   Cung ứng Thực phẩm (Bếp ăn tập thể, máy bay, trường học, bệnh viện, quân đội…)

(3)   Bếp ăn hộ gia đình.

Những vấn đề về điều kiện kinh doanh Thực phẩm đã được đề cập ở phần khác. Nếu nêu Thức ăn đường phố thì còn nhiều vấn đề khác quan trọng hơn cũng phải nêu như: Bếp ăn tập thể, bếp ăn công nghiệp, bếp ăn trường học, bệnh viện, trên máy bay…

+ Các nội dung nêu ở Luật là để kiểm soát hoạt động chứ không chỉ có kiểm soát sản phẩm. Theo kiến thức hiện đại về quản lý ATTP là phải kiểm soát quá trình. Song trong luật này hầu như chỉ đề cập đến sản phẩm là chính, không có nội dung về kiểm soát quá trình, chưa đề cập đến một cách cụ thể việc áp dụng tiêu chuẩn HACCP cho các cơ sở sản xuất chế biến Thực phẩm. Điều này trái với quan điểm đã nêu ở mục II/ trang 7 của tờ trình cũng như chỉ dẫn của WHO.

- Chẳng hạn: Chương V: “Thực phẩm nhập khẩu và xuất khẩu”. Nếu là kiểm soát quá trình phải ghi là: “Nhập khẩu Thực phẩm và xuất khẩu Thực phẩm” như trong pháp lệnh VSATTP năm 2003 đã ghi.

- Ghi nhãn Thực phẩm biến đổi gen: mục d/ điều 29 cần xem lại cho phù hợp quốc tế.

- “Thức ăn đường phố” giao Bộ Y tế quản lý là không khả thi mà ở nước nào cũng vậy, đều giao Chính phủ địa phương, vì nó liên quan chủ yếu đến Quy hoạch đô thị.

+ Mục 1/ điều 40 viết như dự thảo là: “Việc kiểm soát nguy cơ ô nhiễm Thực phẩm bao gồm các hoạt động về đánh giá, quản lý và truyền thông nguy cơ” là sai!

Hoặc mục 2 điều này cũng sai. Đề nghị xem tài liệu của WHO/ FAO năm 2000, ILSI Euro 2001, ILSI – ASEAN 2004 và ANZFA Modelling 2001.

+ Nên bỏ chương quản lý Nhà nước mà thay bằng: Phân công trách nhiệm quản lý ATTP như các luật khác đã viết.

Nội dung này nếu không có Bộ tài nguyên môi trường thì có ATTP được không? Ngoài ra cần bổ sung: Bộ Tài chính (TCHQ) và Ủy ban nhân dân các cấp.

Ở Mỹ, Chính phủ đã phân công 06 Bộ và cơ quan Bang quản lý về ATTP, trong đó có cơ quan bảo vệ môi trường. Trong phân công quản lý, thế giới đều theo nguyên tắc:

(1) Chưa thành Thực phẩm: Bộ sản xuất (Bộ Nông nghiệp, Bộ Công thương).

(2) Thành Thực phẩm: Bộ quản lý Thực phẩm (thường là Bộ Y tế, vì Thực phẩm liên quan đến sức khỏe). Vấn đề này đã nêu ở Pháp lệnh Vệ sinh An toàn Thực phẩm, Nghị định 163 và các Thông tư liên Bộ. Nên kế thừa.

Bộ quản lý Thực phẩm phải đáp ứng các yêu cầu sau:

(1)   Đánh giá tác động giữa Thực phẩm và sức khỏe, phát triển nòi giống (đánh giá nguy cơ).

(2)   Ban hành và chứng nhận tiêu chuẩn ATTP.

(3)   Ban hành về chứng nhận đủ điều kiện ATTP (điều kiện về cơ sở, điều kiện về

TTB và điều kiện về con người.

(4)   Thanh tra ATTP.

(5)   Phòng ngừa, điều trị ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm.

Đề nghị Chính phủ và Quốc hội thấy rõ việc nào của Bộ nào thì cứ giao, không nên giao theo ý kiến đề nghị của các Bộ, ý kiến các Bộ chỉ là tham khảo.

+ Ở điều 12: dự thảo xếp: TPCN, Thực phẩm chiếu xạ, Thực phẩm biến đổi gen là Thực phẩm đặc biệt là chưa chính xác. Trên thế giới chưa thấy có tài liệu nào xếp như thế. Ví dụ: củ khoai tây chiếu xạ, Thực phẩm bổ sung B1, B2, muối iode, nước mắm bổ sung Fe… có phải là Thực phẩm đặc biệt không? Trả lời: không!

+ Nhìn chung: cần xem xét tỷ mỉ các chương mục cho thật đầy đủ và chính xác.

+ Việc Dự thảo 15 Luật ATTP bỏ việc cấp chứng nhận đủ điều kiện VSATTP là một sai lầm lớn, vì:

(1) Kinh doanh Thực phẩm là kinh doanh có điều kiện.

(2) Điều kiện kinh doanh Thực phẩm có hai loại: loại có nguy cơ cao cần phải được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện (ví dụ: Thái lan: 57 ngành nghề chế biến Thực phẩm; Nhật Bản quy định 34 ngành nghề chế biến Thực phẩm phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện mới được hoạt động). Tại Pháp lệnh Vệ sinh An toàn thực phẩm đã quy định 10 nhóm Thực phẩm có nguy cơ cao phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện VS ATTP. Ở nhiều nước (Mỹ, Canada, Trung Quốc, Úc… tất cả các cơ sở thực phẩm đều phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện VS ATTP. Loại sản xuất, kinh doanh Thực phẩm có nguy cơ thấp thì cơ sở chỉ áp dụng đầy đủ các điều kiện ATTP mà không cần cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện.

(3). Việc sản xuất thức ăn cho động vật (trên cạn và dưới nước) cũng phải có đủ điều kiện, tại sao sản xuất thức ăn cho người lại định thả nổi ?

 

V. VỀ VĂN PHONG.

Đề nghị chỉnh sửa cho đúng văn phong luật pháp và ATTP, tránh dùng các từ dân dã (ví dụ: “Thực phẩm thiu, thối” – Mục c/ Điều 6, “nơi kinh doanh” – Mục 2/ Điều 19, “Phụ gia Thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến”, vi chất dinh dưỡng phải nằm trong danh mục cho phép theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế” – Mục 2/ Điều 21; “ Túi ngoại giao, túi lãnh sự” – Mục 6/1/Điều 32; “Bộ trưởng Bộ quản lý chuyên ngành trong phạm vi quản lý của mình quy định hồ sơ, thủ tục…” – Mục 2/ Điều 35; “ Hồ sơ, thủ tục, trình tự đăng ký” – Mục 3/Điều 27; “Tại khoản g của khoản này” – Mục c/ Điều 53… và nhiều lỗi khác.

Ví dụ: Theo từ điển Tiếng Việt phổ thông, thủ tục là cách thức tiến hành một công việc với nội dung, trình tự nhất định. Ở đây vừa dùng “thủ tục” vừa dùng “trình tự” là thừa, không trong sáng về ngôn ngữ.

VI. GÓP Ý KHÁC:

1. Về tờ trình:

Cần có phân tích về nguyên nhân của vấn đề để thấy rõ đặc điểm và quy luật của quá trình kiểm soát ATTP ở nước ta.

Về nguyên nhân: có:

+ Nguyên nhân khách quan:

- Nền nông nghiệp chưa phát triển (chăn nuôi, trồng trọt), còn phân tán, nhỏ lẻ, lạc hậu.

- Nền kinh tế đang phát triển, còn hạn chế về cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị.

- Môi trường ô nhiễm, cung cấp nước sạch, xử lý chất thải.

- Công nghệ chế biến Thực phẩm còn thủ công là phổ biến.

+ Nguyên nhân chủ quan:

- Trách nhiệm.

- Tổ chức, biên chế.

- Đầu tư.

- Nâng cao dân trí, nâng cao tuyên truyền giáo dục.

- Xử phạt.

2. Dự thảo nên dịch ra tiếng Anh, đăng website xin góp ý của các thành viên WTO.

Kết luận chung:

Dự thảo 15 từ bố cục, nội dung, hình thức, văn phong chưa đạt yêu cầu cần chỉnh sửa toàn bộ mới có thể đạt được một luật ATTP theo mong muốn của tình hình.

Trên đây là một số góp ý, thảo luận sơ bộ, xin cơ quan có liên quan tham khảo để viết lại, chỉnh sửa một Luật ATTP đạt trình độ khu vực và Quốc tế, có thể

“sống được” vài  thập kỷ tới, đáp ứng được tình hình kiểm soát ATTP ở Việt Nam.

  Xin trân trọng cảm ơn.

                                    Hà Nội ngày 08/9/2009

PGS. TS Trần Đáng – Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam

                                         - Nguyên Cục trưởng Cục ATVSTP/ Bộ Y tế.

Các văn bản liên quan