Góp ý của Liên hiệp xuất khẩu Nông nghiệp và Thực phẩm (FAEA)

Thứ Sáu 09:13 11-09-2009

 

  

Bình luận về Dự thảo 15 (ngày 24/8/09) của Luật An toàn Thực phẩm của Việt Nam

 

Ngày 10 tháng 9 năm 2009

 

Theo đề nghị của Cơ quan Quản lý Thực phẩm Việt Nam (VFA) của Bộ Y tế và Phòng Thương Mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Liên hợp Xuất khẩu Nông nghiệp và Thực phẩm (Food & Agriculture Export Alliance –viết tắt là FAEA) phối hợp với Dựa án STAR-Việt Nam xin trân trọng gửi Bản Bình luận sau đây đối với Dự thảo 15 ngày 24 tháng 8 năm 2009 của Luật An toàn thực phẩm.  

 

FAEA đánh giá cao nỗ lực của VFA và Ban soạn thảo trong việc xây dựng dự thảo Luật an toàn thực phẩm. Dự thảo hiện tại phản ảnh một số khái niệm và nguyên tắc quan trọng của chính sách an toàn thực phẩm hiện đại, và luật này sẽ đóng góp một phần quan trọng cho sự an toàn và phúc lợi xã hội của người dân Việt Nam.

 

Chúng tôi đề cao chủ định của Chính phủ thông báo Luật này cho Ủy ban SPS của WTO. Do một số các yếu tố của dự thảo Luật này ảnh hưởng đến ghi nhãn sản phẩm, chúng tôi cũng đề nghị dự thảo này được thông báo cho Ủy Ban của WTO về Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT).

 

FAEA trước đây đã cung cấp bình luận bằng văn bản đối với các dự thảo trước của Luật này và gần đây nhất là dự thảo 10.1 – dự thảo được công bố trên trang web của VFA để xin ý kiến đóng góp của công chúng. Trong bản bình luận này, chúng tôi chỉ tóm tắt lại một số những vấn đề quan trọng còn tồn đọng trong bản Dự thảo 15.

 

 

Bình luận 1: Ghi nhãn công nghệ sinh học

 

Các Điều 29 và 30 quy định tất cả các thực phẩm nội địa và nhập khẩu GM phải được ghi nhãn là có chứa thành phần GM. Luật không đưa ra quy định chi tiết về thực phẩm GM như quy định của các nước khác, và cũng không thiết lập một ngưỡng đối với sự hiện diện tối thiểu của thành phần GM trong thực phẩm – nghĩa là ngưỡng thành phần GM là 0.

 

Những quy định này là không rõ ràng và xung đột với các điều khoản về ghi nhãn GM của Dự thảo Nghị định an toàn sinh học quy định ngưỡng là 5%. Theo ngưỡng 5% này, các sản phẩm chứa ít hơn 5% nguyên liệu GM trong thành phần sẽ không phải ghi nhãn là thực phẩm GM. Ngưỡng 5% được sử dụng tại Nhật Bản. Quy định ngưỡng là rất quan trọng bởi vì chúng sẽ hỗ trợ thương mại và giảm đáng kể chi phí kiểm tra sự hiện diện của nguyên liệu GM trong thành phần thực phẩm.

 

Không có bằng chứng khoa học về việc các sản phẩm công nghệ sinh học có hại cho sức khỏe con người và môi trường. FAEA tin rằng ghi nhãn công nghệ sinh học bắt buộc là không cần thiết, gây nhầm lẫn (gợi ý sản phẩm GM không an toàn), tốn kém, không khả thi trong thực hiện, và có thể dẫn đến gian lận.

 

FAEA khuyến nghị xóa bỏ các quy định về ghi nhãn GM trong Luật này.

 

 

Bình luận 2: Phù hợp quy chuẩn và đăng ký đối với thực phẩm đã qua chế biến (Điều 9.2)

 

Điều 9.2 yêu cầu thực phẩm đã qua chế biến phải “được đăng ký bản công bố hợp quy trước khi lưu thông trên thị trường”.

 

Quy định này nên được xem xét lại để nó không tạo ra sự mâu thuẫn với Luật chất lượng sản phẩm hàng hoá. Luật chất lượng sản phẩm hàng hoá (Điều 28(1)(d) và 34(2)) chỉ yêu cầu việc chứng nhận hợp quy đối với các sản phẩm trong nhóm 2 (là nhóm các sản phẩm có khả năng gây mất an toàn).

 

Bên cạnh đó, không hiểu mục đích của việc đăng ký thực phẩm đã qua chế biến trước khi lưu thông là gì.  Cũng không rõ liệu có phải lô hàng nào cũng phải đăng ký hay không, hay có phải bất cứ sản phẩm nào trước khi được lưu thông trên thị trường cũng phải đăng ký hay không.  Cho dù yêu cầu là gì đi chăng nữa thì điều đó cũng tạo ra một gánh nặng đối với thương mại và rõ ràng là không hề góp phần cải thiện an toàn thực phẩm.

 

Một yêu cầu tương tự đã tồn tại trong quy định hiện hành ở Việt Nam và các nhà nhập khẩu thấy rằng nó là một cản trở lớn đối với thương mại. 

 

Hệ thống này nên được loại bỏ.

 

 

Bình luận 3: Yêu cầu đối với thực phẩm nhập khẩu

 

Điều 31 là không rõ ràng về việc liệu có phải tất cả các thực phẩm nhập khẩu đều phải được đăng ký bản công bố hợp quy trước khi được buôn bán hay không. Theo Điều 9, chỉ có ‘thực phẩm đã qua chế biến’ nội địa mới phải đăng ký bản công bố hợp quy.

 

Nếu Điều 31 được áp dụng rộng cho một loạt các sản phẩm hơn phạm vi áp dụng của Điều 9 thì sẽ dẫn đến vi phạm nghĩa vụ đối xử quốc gia của WTO. Theo nguyên tắc đối xử quốc giả của WTO, các quy định đối với sản phẩm nhập khẩu không được khắt khe hơn các quy định đối với sản phẩm nội địa.

 

Ngoài ra, các yêu cầu về an toàn nhập khẩu nên phản ánh nguy cơ đi kèm với sản phẩm.

Ví dụ, ngũ cốc và hạt dầu làm thức ăn chăn nuôi hoặc dùng trong chế biến thực phẩm có nguy cơ rất thấp. Do đó, những sản phẩm có nguy cơ thấp này không nên yêu cầu phải đăng ký bản công bố hợp quy. Nguyên tắc dựa trên rủi ro/nguy cơ đã được thể hiện trong Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa – luật này chỉ quy định chứng nhận/công bố hợp quy với các sản phẩm có nguy cơ cao. Nguyên tắc dựa vào nguy cơ này nên được áp dụng trong Luật này.

 

 

Bình luận 4: Quảng cáo thực phẩm (Điều 27) 

 

Điều 27 quy định tất cả các quảng cáo thực phẩm phải được đăng ký trước với Bộ Y tế. Sẽ là không thực tế khi yêu cầu đăng ký mọi quảng cáo TV thương mại mới hay quảng cáo trên báo, mà cũng không thực tế hay cần thiết khi yêu cầu phải đăng ký từng biển quảng cáo sẽ được treo trên cửa sổ nhà hàng, vì thế cần có thêm quy định bổ sung để làm rõ nội dung quản lý được nêu trong Điều này là gì.  Các quy định trong các Điều này cũng không bao gồm hoặc không đề cập tới một khái niệm là các quảng cáo phải “rõ ràng và trung thực” mà yêu cầu này dường như là chủ định mang tính logic nhất của điều khoản này. Do vậy và các nhà soạn thảo cần xem xét lại để làm rõ ràng chủ định của mình.

 

Thay bởi đăng ký trước tất cả các quảng cáo, quy định thẩm quyền cho BYT cấm các quảng cáo gian lận sẽ mang lại hiệu quả hơn.

 

Dự thảo Luật An toàn Thực phẩm của FAO tháng 3/2009 có các quy định sau liên quan tới việc quảng cáo thực phẩm có thể được coi là rõ ràng hơn:

 

Điều xx: Quảng cáo

 

1. Nghiêm cấm việc xuất bản hoặc cho phép xuất bản, để bán hoặc xúc tiến việc bán bất cứ loại thực phẩm nào, các quảng cáo có nội dung sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn.

 

2. Bộ trưởng Bộ Y tế có thể đặt ra các yêu cầu đối với việc quảng cáo một số loại thực phẩm nhất định.

 

3. Đối với các loại thực phẩm nêu trong khoản (2) trên đây, Bộ trưởng Bộ Y tế chịu trách nhiệm phê duyệt trước nội dung quảng cáo thực phẩm theo các thủ tục đã quy định.

 

 

 

Bình luận 5: Dấu hợp chuẩn/ hợp quy trên nhãn thực phẩm (Điều 29)

 

Điều 29.2 (b) quy định nhãn thực phẩm phải ‘thể hiện sản phẩm được chứng nhận an toàn bằng dấu hợp chuẩn hoặc dấu hợp quy’.

 

Yêu cầu này không rõ ràng về việc tiêu chuẩn hay quy chuẩn kỹ thuật nào mà thực phẩm cần phải tuân thủ. Mà nó cũng không rõ ràng về việc yêu cầu về sự phù hợp này là chỉ giới hạn đối với các quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến an toàn thực phẩm.

 

Yêu cầu này có thể gây rắc rối đối với các thực phẩm nhập khẩu tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật của nước xuất khẩu và mang dấu hợp chuẩn/ hợp quy khác trong khi các sản phẩm này bảo đảm mức an toàn tương đương hoặc cao hơn.

Bình luận 6: Kiểm tra thực phẩm nhập khẩu (Điều 33)

 

Điều 33 quy định các mức độ kiểm tra nhà nước khác nhau đối với thực phẩm nhập khẩu (chặt/ thông thường/ giảm). Đằng sau các mức độ khác nhau trong việc kiểm tra nhà nước này ngụ ý khái niệm kiểm tra dựa trên nguy cơ. Theo khái niệm nay, thực phẩm có nguy cơ cao hơn thì sẽ phải bị kiểm tra khắt khe hơn.

 

Chúng tôi khuyến nghị rằng khái niệm kiểm tra dựa trên nguy cơ nên được đưa vào các yêu cầu về kiểm tra nhà nước đối với thực phảm nhập khẩu một cách rõ ràng hơn. Dưới đây là ngôn ngữ của dự thảo tháng 3 năm 2009 của FAO có chứa khái niệm về dựa trên nguy cơ:

 

1. Bản chất và mức độ kiểm tra và thử nghiệm thực phẩm sẽ tương xứng với mức độ rủi ro/ nguy cơ của thực phẩm đó.

 

2. Việc đánh giá rủi ro/nguy cơ theo khoản (1) trên đây sẽ cân nhắc tới cả tính chất và mức độ nguy hiểm hiện hữu của thực phẩm và bao gói thực phẩm, và khả năng thực phẩm không tuân thủ.

 

3. Bộ trưởng Y tế sẽ ban hành nghị định trong đó liệt kê các thực phẩm có nguy cơ cao phải được kiểm tra và nghị định này sẽ được sửa đổi tuỳ từng thời điểm.

 

 

Bình luận 7: Truy nguyên nguồn gốc thực phẩm không an toàn (Điều 44)

 

Có vẻ như dự thảo luật yêu cầu các nhà sản xuất và chế biến phải thực hiện một cơ chế truy nguyên nguồn gốc.  Song các yêu cầu cụ thể là gì và các yêu cầu đó áp dụng với những đối tượng nào lại không được Luật quy định rõ ràng.  Việc yêu cầu truy nguyên nguồn gốc vượt quá “một bước trên” và “một bước dưới” trong chuỗi thực phẩm có thể là việc làm bất khả kháng hoặc vô cùng đắt đỏ đặc biệt đối với những doanh nghiệp nhỏ.  Các yêu cầu về việc lưu giữ hồ sơ truy nguyên nguồn gốc phải tuân thủ với các nghĩa vụ theo WTO để đảm bảo rằng hàng nhập khẩu không bị điều chỉnh bởi các yêu cầu khắt khe hơn so với hàng hàng sản xuất trong nước.

 

Các yêu cầu về truy nguyên nguồn gốc không nên quá mang tính quy tắc và phải tạo điều kiện sao cho cả các hồ sơ đơn giản trên giấy tờ cũng như trên máy tính có thể đáp ứng được yêu cầu đó.  Yêu cầu về truy nguyên nguồn gốc trong dự thảo hiện tại có vẻ như quá mang tính quy tắc khi quy định rằng việc truy nguyên nguồn gốc phải “căn cứ vào mã số ghi trên sản phẩm và hồ sơ lưu.”  Các yêu cầu cụ thể này có vẻ như không phù hợp cho từng kiểu nhà sản xuất và từng loại sản phẩm, vì thế chúng tôi đề nghị nên quy định về vấn đề này trong các văn bản dưới luật.

 

 

Bình luận 8: Định nghĩa “Ngày hết hạn” (Điều 6 và 45)

 

Thuật ngữ ‘sản phẩm hết hạn sử dụng’ được sử dụng trong Điều 6 (nghiêm cấm sử dụng thực phẩm đã quá hạn sử dụng) và Điều 45 (yêu cầu thu hồi sản phẩm hết hạn sử dụng), tuy nhiên thuật ngữ ‘sản phẩm hết hạn sử dụng’ hay ‘ngày hết hạn’ không được định nghĩa trong dự thảo Luật.

Chúng tôi khuyến nghị rằng định nghĩa ‘ngày hết hạn’ và các thuật ngữ có liên quan được đưa vào trong Luật và các định nghĩa này nên phù hợp với Tiêu chuẩn Codex 1 (Xin xem Phụ lục 1).

 

Tiêu chuẩn Codex 1, Tiêu chuẩn Chung cho Dán nhãn Thực phẩm đóng gói sẵn, quy định một số loại ngày về tuổi của thực phẩm đóng gói, và “ngày hết hạn” chỉ là một trong số các ngày này.

 

Trừ khi dự thảo luật này quy định rõ ràng hơn bằng cách đưa ra một số định nghĩa dựa trên Codex, nếu không có thể xảy ra nguy cơ thanh tra thực phẩm sẽ đánh đồng “ngày hết hạn” với “tuổi thọ tối thiểu” mà thường được biết đến với cụm từ “dùng tốt nhất trước ngày.”  Nếu sự nhầm lần này xảy ra thì một thực phẩm chưa được coi là mất an toàn có thể sẽ bị thu hồi và tiêu hủy

 

 

Bình luận 9: Thẩm quyền của các Bộ ngành trong việc quản lý an toàn thực phẩm (Điều 53) 

 

Điều 53 vẫn không rõ ràng về trách nhiệm cụ thể của từng Bộ ngành là như thế nào. Ví dụ, trong Điều 53.1, Bộ Y tế sẽ ban hành các quy chuẩn kỹ thuật đối với tất cả các sản phẩm thực phẩm.

 

Nhưng Điều 53.2 lại quy định Bộ NN&PTNN chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về sản phẩm nông, lâm, thủy sản (có nghĩa là Bộ NN&PTNN sẽ phải ban hành các quy chuẩn kỹ thuật cho các loại sản phẩm này – theo Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật)

 

Thẩm quyền quản lý các quy chuẩn kỹ thuật của Bộ Y tế chỉ giới hạn ở các sản phẩm  nằm trong phạm vi thẩm quyền quản lý của Bộ, hay là như thế nào?

 

Không rõ lý do tại sao Điều 53.1.c lại trao quyền cho Bộ Y tế tiến hành thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của các Bộ ngành khác khi cần thiết. Cần phải quy định rõ ràng hơn về thẩm quyền và trách nhiệm phối hợp giữa các Bộ Y tế, NN & PTNN và Bộ Công thương.

 

 

 

 


Phụ lục 1

 

Trích từ phần Định nghĩa của Tiêu chuẩn Codex 1, Các Tiêu chuẩn Chung cho việc Dán nhãn Thực phẩm Đóng gói trước.[1]

 

Về việc sử dụng cách Đánh dấu Ngày cho thực phẩm đóng gói trước:

 

“Ngày Sản xuất” nghĩa là ngày thực phẩm trở thành sản phẩm như mô tả.

 

“Ngày Đóng gói” nghĩa là ngày thực phẩm đó được đặt vào vật đựng trực tiếp và cuối cùng sẽ được bán trong vật đựng trực tiếp đó.

 

“Ngày Bán Cuối” nghĩa là ngày cuối cùng được chào bán tới khách hàng mà sau ngày đó vẫn còn một thời gian lưu giữ hợp lý tại nhà.

 

“Tuổi thọ Tối thiểu” (“dùng tốt nhất trước ngày”) nghĩa là ngày kết thúc giai đoạn mà theo bất kỳ điều kiện lưu giữ nào được quy định, sản phẩm trong thời gian đó hoàn toàn có thể tiếp thị được và giữ nguyên bất kỳ tiêu chí chất lượng cụ thể nào theo bất kỳ tuyên bố được đưa ra một cách rõ ràng hoặc ngầm định. Tuy nhiên, sau ngày đó, thực phẩm vẫn có thể hoàn toàn đáp ứng yêu cầu.

 

“Ngày Sử dụng Cuối” (Ngày Dùng Cuối Cùng được Khuyến nghị, Ngày Hết hạn) nghĩa là ngày kết thúc của một giai đoạn được tính trước mà theo bất kỳ điều kiện lưu giữ  nào được quy định, sau ngày đó sản phẩm có thể sẽ không còn các thuộc tính chất lượng mà khách hàng thường mong đợi. Sau ngày này, thực phẩm không nên được coi là có thể tiếp thị được.

 



[1] www.codexalimentarius.net/download/standards/32/CXS_001e.pdf

Các văn bản liên quan