Góp ý của đại biểu Quốc hội Lê Thị Yến – Phú Thọ

Thứ Sáu 09:06 06-11-2009


Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin có 3 ý kiến vào một số nội dung quy định cụ thể của dự thảo Luật thuế tài nguyên như sau.

Thứ nhất, nhìn tổng thể dự thảo luật còn những điểm chưa được rõ ràng, có nội dung chưa thể hiện sự minh bạch và có tính khả thi, tính ổn định của pháp luật còn hạn chế. Nhiều nội dung có thể giải thích ngay trong điều luật nhưng chưa khắc phục mà phải ban hành văn bản dưới luật hướng dẫn là không cần thiết. Còn thiếu sự nhất quán trong diễn đạt về một số vấn đề trong các điều khác nhau, do vậy cần phải tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh, đó là các nội dung sau.

Điều 4, dự thảo luật theo tôi nên bỏ vì điều này chỉ giải thích 2 cụm từ mà 2 cụm từ này cũng không thật khó hiểu. Mặt khác nội dung không phải giải thích cho nhiều điều nêu trong luật, mà chỉ có 2 cụm từ trong 2 điều, Điều 7 và Điều 8 do vậy nên lồng ghép vào giải thích ngay trong Điều 7 và Điều 8 có được không. Theo tôi là được, ví dụ cụm từ yến sào nêu và giải thích ngay trong biểu khung thuế suất tại Điều 8, thành câu đầy đủ là sản phẩm từ tổ chim yến (yến sào), như vậy rất dễ hiểu mà không phải tạo thêm một điều. Ta không sợ luật ngắn mà phải kéo dài thêm bằng một điều mà không nhiều ý nghĩa, làm sao trong luật thể hiện rõ và dễ hiểu, dễ áp dụng là được, theo tôi nên bỏ Điều 4.

Về khung thuế suất thuế tài nguyên nêu tại Điều 8, tôi cũng đồng ý nên thiết kế như trong dự thảo để khung thuế suất mà không nên áp dụng thuế suất tuyệt đối như một số ý kiến đã nêu, nhưng với biên độ hợp lý hơn để Chính phủ tùy tình hình từng thời điểm để quy định cho linh hoạt. Biên độ khung thuế suất ở một vài sắc thuế trong dự thảo luật còn rộng, hợp lý ở mức nào cũng có nhiều ý kiến tranh luận, nhưng theo tôi nên để cơ quan chuyên môn, các chuyên gia tính toán kỹ hơn để tham mưu, đề xuất, đảm bảo khi áp dụng có tính khả thi và lường hết mọi vấn đề mà các đại biểu đã quan tâm.

Hiểu như thế nào là khai thác hải sản vùng biển xa bờ, đánh bắt xa bờ tại Khoản 2, Điều 10 hoặc tại Khoản 8, Điều 2 dự thảo luật quy định đối tượng chịu thuế là các loại tài nguyên thiên nhiên khác không quy định từ Khoản 1 đến Khoản 7 điều này. Trình bày như vậy trong điều luật là rất chung chung, khó hiểu, vận dụng dễ không thống nhất. Như vậy thì có phải giải thích không? Phải làm rõ hơn không? Đề nghị Ban soạn thảo phải làm rõ hơn những quy định này. Hoặc cần quy định thống nhất giữa các điều luật về hải sản tự nhiên với thủy sản ở xa bờ được nêu tại Điều 2, Điều 8 và Điều 10 của dự thảo luật.

Tại Điều 9, về kê khai nộp thuế, dự thảo nêu riêng việc kê khai nộp thuế tài nguyên đối với dầu thô, khí thiên nhiên, khí than do Chính phủ quy định. Nếu trình bày như trên người đọc rất dễ hiểu lầm có sự chia sẻ gì đó giữa Quốc hội Chính phủ như một việc đã rồi mà không khẳng định được Quốc hội giao quyền cho Chính phủ quy định. Theo đó tôi đề xuất điều chỉnh lại như sau: Việc kê khai nộp thuế tài nguyên đối với dầu thô, khí thiên nhiên, khí than giao cho Chính phủ quy định. Như vậy rất dễ hiểu là Quốc hội giao quyền cho Chính phủ quy định, giao quyền đó chứ không phải đương nhiên Chính phủ đã có quyền như trình bày trong dự thảo.

Thứ hai, Điều 10 về miễn, giảm thuế. Tại Khoản 1 dự thảo nêu tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên gặp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ gây tổn thất đến tài nguyên đã kê khai và nộp thuế, được xét miễn thuế tài nguyên phải nộp cho số tài nguyên bị tổn thất. Tôi thấy diễn đạt như vậy mới thể hiện được 3 trường hợp rủi ro là thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ mà không thể hiện được hết các trường hợp rủi ro khác. Theo tôi nghĩ có rất nhiều trường hợp rủi ro khác như các trường hợp bị mất cắp, bị cướp, ví dụ khi có tàu trở nguyên liệu là dầu thô đã kê khai nộp thuế, trở đi nơi khác giao để chế biến, trong trường hợp cả đoàn tàu bì hải tặc cướp mất thì sao hoặc các trường hợp địch hoạ nơi chiến sự cục bộ có thể xảy ra hoặc có thể là hậu quả của khủng bố. Vì vậy, tôi đề nghị điều chỉnh, chỉnh sửa điều này lại để đảm bảo bao quát đầy đủ các trường hợp rủi ro bằng cách thay cụm từ thiên tai, hoả hoạn, tai nạn bất ngờ bằng hai từ "rủi ro". Tuy nhiên cần phải quy định rõ tổn thất đến mức nào thì được miễn, luật cần quy định thật cụ thể để không phải xét miễn nữa vì như chúng ta đã biết nếu còn xét thì cơ chế xin, cho vẫn tồn tại và dễ nảy sinh tiêu cực. Cho nên cần quy định cụ thể rõ luôn tại điều này mức độ tổn thấy như thế nào thì được miễn mà không phải xét nữa. Tôi đề nghị cụ thể điều luật này như sau: tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên gặp rủi ro, gây thiệt hại không thể khắc phục được số tài nguyên đã kê khai và nộp thuế được miễn thuế tài nguyên phải nộp cho số tài nguyên bị thiệt hại.

Thứ ba, tại Khoản 2, Điều 10 về miễn, giảm thuế Dự thảo nêu tổ chức, cá nhân Việt Nam hoạt động khai thác thuỷ sản ở vùng biển xa bờ được miễn thuế tài nguyên trong 5 năm kể từ khi được cấp giấy phép khai thác và giảm 50% thuế tài nguyên trong 5 năm tiếp theo. Quan điểm của tôi về chính sách miễn, giảm thuế đối với các đối tượng nộp thuế ở đây Ban soạn thảo cũng đã cân nhắc rất kỹ, có ưu tiên rồi nhưng số đối tượng này cần khuyến khích, động viên nhiều hơn nữa, tôi muốn nói ở đây cần phải lưu ý đến vấn đề an ninh quốc phòng, họ chính là một trong những lực lượng bảo vệ vùng biển, đội quân dự bị khi cần huy động lực lượng này cùng với các kỹ năng đi biển chắc chắn sẽ có hiệu quả và cần được nuôi dưỡng. Mặt khác, hải sản ở vùng biển xa bờ, tài nguyên dạng này cũng cần khuyến khích khai thác thường xuyên, sự phát triển sinh tồn và danh giới vùng biển giữa các nước, tài nguyên dạng này có thể nói là không để dành được, ai tích cực khai thác trước là được, không sợ cạn kiệt do vậy tôi đề nghị nên miễn giảm 100% thuế này đối với các đối tượng trên. Trên đây là một số ý kiến của tôi. Xin hết ý kiến. Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan