Góp ý của đại biểu Quốc hội Vũ Văn Ninh – Bộ trưởng Bộ Tài chính

Thứ Sáu 10:24 06-11-2009


Kính thưa Đoàn Chủ tọa,

Kính thưa Quốc hội,

Trước hết, tôi xin thay mặt cho Ban soạn thảo cảm ơn các vị đại biểu Quốc hội trong thảo luận tổ, hội trường cũng đã nêu rất nhiều những ý kiến xác đáng, chúng tôi sẽ nghiêm túc xem xét để tiếp thu và những vấn đề gì cần thiết thì sẽ giải trình thêm.

Chúng tôi xin báo cáo thêm mấy nội dung và theo gợi ý của Đoàn Chủ tọa.

Trước hết chúng tôi cũng rất tán thành với ý kiến, quan điểm của nhiều đại biểu là tài nguyên là một tài sản của quốc gia rất quan trọng cần phải bảo vệ, khai thác phải có một kế hoạch, và lộ trình phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Tuy nhiên chúng tôi cũng nhận thức quản lý tài nguyên khoáng sản là cả một chính sách rất đồng bộ. Trong đó thuế là một công cụ vô cùng quan trọng như đại biểu đã khẳng định. Bên cạnh đó thì cũng còn những chính sách khác ví dụ như về chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, xác định loại tài nguyên nào được khai thác và không được khai thác, cấm xuất khẩu hay là không cấm xuất khẩu bằng những quy định cấp phép. Trong đó riêng đối với chính sách thuế thì chúng tôi thấy thuế có rất nhiều loại, chính vì lẽ đó cho nên khi thiết kế cũng tính toán đến sự đồng bộ của nó. Thuế tài nguyên khai thác thì có loại chế biến, sản xuất ở trong nước nước rồi mới xuất khẩu, tức là xuất tài nguyên tinh, cũng có loại dùng trong nước, tài nguyên khoáng sản cũng có loại xuất thô. Để điều tiết vấn đề này, báo cáo Quốc hội có thêm thuế xuất khẩu đối với loại tài nguyên xuất khẩu. Ngoài ra đối với sản xuất và chế biến trong nước thì còn có thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và nếu bán ra thì còn có thuế giá trị gia tăng, thế nên tính toán như thế nào để vừa đảm bảo lợi ích của nhà nước, lợi ích của quốc gia nhưng cũng đảm bảo cho các doanh nghiệp nếu được phép khai thác, được phép sản xuất chế biến thì cũng có những lợi nhuận hợp lý. Đây chính là sự phân phối giữa nhà nước và doanh nghiệp. Sản xuất chế biến trong nước còn phụ thuộc vào đầu tư, các chi phí khác v v...Tóm lại phải đầu tư những giá trị rất lớn, máy móc thiết bị cũng rất lớn.

Chính vì thế cho nên quan điểm của chúng tôi thuế là công cụ quan trọng, góp phần vào quản lý, khai thác tài nguyên chứ không phải là tất cả. Ví dụ nếu như cấm xuất khẩu mà người ta cứ xuất lậu, cấm khai thác mà cứ khai thác, không được cấp phép mà cứ cấp phép thì không phải là thuế có thể làm việc đó.

Vấn đề thứ hai, về thuế suất, trước hết là về khung cũng có nhiều đại biểu có ý kiến là không cần rộng, chúng tôi xin tiếp thu và sẽ xem xét để làm sao để có cái khung hợp lý hơn. Thứ hai về thuế suất giữa sàn và trần cũng có nhiều đại biểu nói thuế suất sàn còn thấp, chúng tôi cũng xin tiếp thu ý này, để làm sao thiết kế thuế suất sàn cho hợp lý. Tuy nhiên, cả quá trình đại biểu theo dõi cũng thấy rằng Pháp lệnh thuế suất, Pháp lệnh năm 1998 đúng là lúc chúng ta chưa quan tâm nhiều lắm đến vấn đề này, cho nên thiết kế thuế suất cả sàn, cả trần có những tài nguyên khoáng sản rất thấp. Nhận thức được điều đó cho nên đến năm 2008 Chính phủ cũng đã ý thức được vấn đề phải bảo vệ tài nguyên này, cho nên đã trình với Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa có một điều thôi, chính là sửa thuế suất và cũng đã nhiều loại khoáng sản, tài nguyên đã nâng thuế suất cả sàn, cả trần lên.

Tuy nhiên, cũng báo cáo với Quốc hội như lúc nãy tôi đã báo cáo là tài nguyên khoáng sản có loại sản xuất chế biến trong nước và có loại xuất khẩu. Chính vì thế cho nên nâng thuế suất lên cũng cần phải có một lộ trình. Ví dụ: đối với than chẳng hạn, thì đối với than sản xuất trong nước nó cũng là đầu vào của rất nhiều sản phẩm, trong đó tôi ví dụ như hiện nay than bán cho 4 sản phẩm: Một là điện, hai là phân bón, ba là giấy, bốn là xi măng vẫn còn bán dưới giá thành mà Chính phủ đã trình với Quốc hội có một lộ trình để điều chỉnh làm sao đến đầu sang năm là than phải đi theo thị trường đối với 4 sản phẩm này. Chứ nếu như chúng ta nâng thuế cao quá thì nó ảnh hưởng đến sản xuất trong nước. Đấy là tôi ví dụ 4 sản phẩm thôi chứ còn có các sản phẩm khác.

Nhưng bên cạnh đó than xuất khẩu ngoài chịu thuế tài nguyên ra thì Chính phủ cũng đã trình với Ủy ban Thường vụ Quốc hội mở khung thuế suất xuất khẩu và đã điều chỉnh từ 5% lên 7%, lên 10% và lên tới 15% và nếu như tình hình biến động giá có thể lên cao hơn.

Báo cáo với Quốc hội, chính sách của ta nó điều hòa cả đối với sản xuất trong nước và xuất khẩu như thế cho nên nó cũng có lộ trình của nó để tăng dần làm sao sản xuất trong nước chịu đựng được và tư tưởng của Chính phủ là nâng dần, nên khung có để hơi rộng.

Vấn đề thứ ba về thẩm quyền, đặc biệt năm 2008, năm 2009 vừa qua cũng đã cho chúng ta những bài học trong điều hành, quá trình điều hành này nó phụ thuộc rất nhiều vào giá của thế giới, khi giá xuống thì có khi phải điều chỉnh thuế xuống, khi giá lên thì phải điều chỉnh thuế lên để lợi ích quốc gia được đảm bảo và không bị ảnh hưởng. Chính vì thế Chính phủ có trình với Quốc hội và Quốc hội thì quy định khung và trong khung đó thì giao thẩm quyền cho Chính phủ để Chính phủ điều hành một cách linh hoạt, đảm bảo lợi ích quốc gia đạt được lợi ích cao nhất, tôi xin báo cáo như vậy.

Vấn đề thứ tư, về nhóm, chúng tôi xin tiếp thu ý kiến sẽ cố gắng làm sao chi tiết thêm ra các sản phẩm như một số đại biểu, ghép vào nhóm chưa chuẩn thì tôi sẽ xin tiếp thu ý này.

Thứ năm, về miễn giảm, chúng tôi xin tiếp thu, chúng tôi xin báo cáo thêm đối với hải sản. Hải sản trước đây có thu cả thủy sản, chúng tôi cũng thấy rằng thu cả thủy sản thì cũng chưa thật hợp lý nên cũng đã trình với Quốc hội không thu vào thủy sản. Đối với hải sản thì đánh bắt cá và thủy sản ở gần bờ thì đã được miễn, còn xa bờ thì đúng như đại biểu nói là khuyến khích, khuyến khích xa bờ vừa để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, vừa bảo vệ chủ quyền quốc gia. Chính vì thế trong tư tưởng đó cho nên trong luật cũng đã thiết kế xin được miễn giảm thuế, nay tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội chúng tôi thấy có thể miễn hẳn cũng được. Chúng tôi thấy xin tiếp thu như vậy.

Còn đối với gỗ, cành, củi ngọn thì gỗ, cành, củi ngọn có hai loại, hai đối tượng khai thác. Một đối tượng khai thác mang tính chất sản xuất kinh doanh quy mô lớn thì tư tưởng của chúng tôi vẫn phải thu thuế, còn ở điều miễn giảm thì đối với cá nhân, hộ gia đình khai thác phục vụ cuộc sống của gia đình thì xin miễn, chúng tôi ý thức là như vậy.

Một số ý khác đại biểu đề nghị xem xét lại miễn, giảm làm sao cho hợp lý, minh bạch và về câu chữ, từ ngữ, chúng tôi xin tiếp thu sẽ chỉnh lại làm sao cho đảm bảo chặt chẽ, đúng ý kiến đại biểu đã nêu. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan