Góp ý của Đại biểu Quốc hội Phương Thị Thanh – Bắc Kạn

Thứ Năm 16:35 05-11-2009

Kính thưa Quốc hội,

Trong những năm gần đây tình trạng khai thác tài nguyên diễn ra khá mạnh, khó kiểm soát, quản lý khai thác tài nguyên chưa được chặt chẽ, hiệu quả, tình trạng xuất khẩu khoáng sản thô diễn ra khá phổ biến làm suy kiệt nguồn tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường ở nhiều địa phương, các vấn đề xã hội nảy sinh làm phức tạp đến an ninh trật tự, xã hội.

Trên cơ sở nghiên cứu dự án luật do Chính phủ trình và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách, đối chiếu với tình hình thực tiễn, tôi thể hiện sự đồng tình ban hành Luật thuế tài nguyên thay thế pháp lệnh hiện hành.

Về đánh giá chung của dự thảo luật, tôi cho rằng việc nâng pháp lệnh thành luật phải tạo khuôn khổ pháp lý ổn định, minh bạch, cụ thể khắc phục tình trạng phải hướng dẫn và ban hành nhiều văn bản dưới luật liên quan đến nhiều nội dung thuộc phạm vi quy định của luật, tạo tiền đề cho pháp luật thực sự đi vào cuộc sống.

Tuy nhiên, tôi nhận thấy số lượng các quy định giao cho Chính phủ hướng dẫn còn khá nhiều, việc quy định thuế suất là nội dung quan trọng nhất của một đạo luật về thuế, song dự thảo luật vẫn quy định dưới dạng khung với biên độ lớn và giao cho Chính phủ quy định với mức thuế suất cụ thể là chưa hợp lý.

Về các nhóm đối tượng chịu thuế, tôi nhận thấy các quy định của dự thảo luật chưa bao quát hết các loại tài nguyên và chưa chi tiết rõ ràng, có thể dẫn đến khó khăn tiếp cận và thực thi pháp luật. Vì vậy, cơ quan soạn thảo rà soát lại các văn bản hướng dẫn hiện hành để luật hoá quy định cần thiết nhằm đảm bảo tính cụ thể, minh bạch của luật.
Về các loại tài nguyên khác dự thảo luật cũng chưa làm rõ tại Khoản 8, Điều 2, cơ quan nào có thẩm quyền quyết định đưa tài nguyên vào diện chịu thuế hay không thuộc diện chịu thuế để đảm bảo tính minh bạch của pháp luật đề nghị phải xác định cụ thể ở nội dung này.

Về việc mở rộng đối tượng chịu thuế đối với kho số, tần số là những lĩnh vực mới bước đầu được khai thác, Nhà nước hiện đang áp dụng thu phí sử dụng. Vì vậy trước mắt có thể chưa bổ sung các tài nguyên nêu trên vào đối tượng chịu thuế, song cũng cần phải được đánh giá, tổng kết để đưa vào luật hoá nhằm bao quát hết các đối tượng liên quan.

Về căn cứ tính thuế, về sản lượng tính thuế,trên thực tế việc kiểm soát sản lượng khai thác của các cơ quan chức năng đối với các doanh nghiệp khai thác còn nhiều sơ hở, bất cập, chưa đảm bảo hiệu quả, doanh nghiệp khai thác kê khai không đúng với sản lượng khai thác thực tế gây thất thoát lớn cho ngân sách Nhà nước. Vì vậy đề nghị Chính phủ xem xét bổ sung quy định cần thiết tạo cơ chế quản lý, kiểm soát chặt chẽ và có chế tài đủ mạnh để góp phần giải quyết tình trạng này.

Về giá thuế, trên thực tế giá bán ở nơi giao nhận khác với ở nơi khai thác, do vậy phát sinh thêm phí vận chuyển, sàng tuyển. Tuy nhiên, quy định trong dự thảo Luật chưa làm rõ giá tính thuế áp dụng đối với tài nguyên bán ở từng nơi là giá nào. Đối với giá tài nguyên sau khi khai thác chưa bán được ra thì áp dụng giá thuế được tính như thế nào. Về giá tính thuế đối với tài nguyên chứa nhiều chất khác nhau, tôi cho rằng xác định hàm lượng riêng của từng loại chất trong tài nguyên là rất phức tạp và đòi hỏi phải thông qua quy trình kỹ thuật cộng với chi phí để xác định. Nếu chỉ dựa vào việc kê khai của doanh nghiệp thì dẫn đến việc tùy tiện, gian lận trong việc kê khai.

Về thuế suất, với quan điểm là khai thác tài nguyên vẫn phải đảm bảo nuôi dưỡng nguồn tài nguyên cho tương lai nên thuế suất đối với khai thác tài nguyên phải đảm bảo, ổn định. Về thẩm quyền quy định thuế suất cụ thể đối với khung thuế suất, để đảm bảo tính hợp hiến thì tôi đề nghị Quốc hội quyết định khung thuế suất với biên độ hẹp hơn đối với đối tượng chịu thuế chi tiết hơn và giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định ở mức thuế suất cụ thể đối với từng loại tài nguyên.

Về khung thuế suất thì cơ bản là khung thuế suất đối với các loại tài nguyên là để có biên độ khá rộng vì vậy đề nghị xem xét, thu hẹp biên độ khung thuế suất. Đồng thời phân loại, quy định chi tiết từng mặt hàng trong từng nhóm hàng để quy định cụ thể khung thế suất riêng biệt. Về thuế suất đối với tài nguyên không tái tạo, đề nghị quy định là loại tài nguyên không tái tạo chịu thuế ở mức cao hơn loại tài nguyên tái tạo để nhằm đảm bảo sử dụng tài nguyên hợp lý, tránh thất thoát nguồn tài nguyên trong ngân sách Nhà nước. Đồng thời đối với tài nguyên không tái tạo thuộc sản phẩm dùng tự nhiên như là gỗ nhóm 1, nhóm 2 khả năng để tái tạo thành sản phẩm thì mất thời gian đến hàng trăm năm, thậm chí đến hàng nghìn năm mới có. Do vậy đối với sản phẩm gỗ nhóm 1, nhóm 2 phải chịu mức thuế suất cao nhất.

Đối với sản phẩm gỗ nhóm 5 đến nhóm 8 là tre, nứa, giang, vầu cần phải giảm mức thuế suất thấp hơn so với dự án luật trình trước Quốc hội với lý do là hiện nay các địa phương có rừng cơ bản đã thực hiện xong quy hoạch 3 loại rừng và đã giao đất, giao rừng khoán cho các hộ gia đình, cá nhân quản lý khoanh nuôi và bảo vệ rừng và được hưởng lợi từ rừng. Nhưng năng suất của rừng tự nhiên là thấp, lượng tăng trưởng thấp, lợi ích thu được hàng năm từ rừng tự nhiên của người dân rất ít và thủ tục để thực hiện khai thác là rất chặt chẽ nên ảnh hưởng phần nào đến việc giao khoán rừng tự nhiên cho người dân quản lý, đặc biệt là người dân ở vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tôi đề nghị mức thuế suất giảm xuống từ 3 đến 5%.

Đối với sản phẩm cành, ngọn, củi là cần được miễn thuế.

Đối với miễn thuế thì tôi đề nghị việc đánh bắt hải sản trên biển và nhất là đánh bắt xa bờ gặp rất nhiều khó khăn, với chiến lược về biển của nước ta hiện nay thì lĩnh vực này cần được hỗ trợ và khuyến khích. Do vậy việc miễn, giảm thuế với lĩnh vực này là hợp lý. tôi xin hết ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan