Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết – Lạng Sơn

Thứ Năm 15:48 05-11-2009

Kính thưa quý vị Chủ tọa kỳ họp,

Kính thưa Quốc hội.

Tôi xin có 5 ý kiến nhưng trước khi đi vào những ý kiến cụ thể góp ý cho dự thảo Luật tôi xin bày tỏ sự tán thành rất cao đối với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban tài chính ngân sách. Theo tôi đây là một đánh giá rất sâu sắc và Ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ những ý kiến trong Báo cáo thẩm tra đó để có một dự thảo Luật tốt hơn. Dự thảo Luật này dự kiến thông qua ngay trong kỳ họp theo tôi về cơ bản thì có thể thông qua được bởi vì dự thảo Luật cũng chỉ có 12 điều. Nhưng quả thật là đọc ở các điều thì thấy cũng còn ngổn ngang, khá nhiều vấn đề, tôi xin nói về 5 vấn đề như sau:

Thứ nhất, về đối tượng chịu thuế, đây là thuật ngữ được dùng trong dự thảo Luật nhưng tôi thì tôi nghĩ rằng có lẽ không nên gọi các khoáng sản là đối tượng chịu thuế. Bởi vì khoáng sản thì nó không nộp thuế được, hai là khoáng sản chưa khai thác thì không thể gọi là đối tượng chịu thuế. Cho nên theo tôi nên diễn đạt đối tượng chịu thuế đây là những tổ chức, cá nhân khai thác các loại khoáng sản như sau thì phải chịu thuế. Nhưng đấy chỉ là câu chữ thôi, tôi muốn nói một điều nó quan trọng hơn là nên bỏ Khoản 8 của Điều 2 về đối tượng chịu thuế tức là bỏ câu quét đi. Thường thường chúng ta làm luật khi chúng ta bí mà không nghĩ ra được cái gì nữa thì quét một câu là "và các loại khoáng sản khác" như thế này thì người dân không thể biết là cái gì người ta được làm và cái gì là người ta không được làm. Tôi cho là trong luật không nên có những câu quét như thế này.

Bây giờ với trình độ của chúng ta, chúng ta chỉ có thể liệt kê được từng này thứ khoáng sản phải đánh thuế thôi, 7 thứ thôi thì chỉ nên dừng ở đấy, bây giờ mình lại quét thêm một điều nữa thì có thể nói ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân nói chung. Ví dụ tự nhiên về sau này mình thấy là cần phải tính cả thuế gió nữa, mình đưa gió vào đây nữa thì có thể nói người dân tự nhiên bị thiệt hại và việc này chưa được Quốc hội thông qua.

Thứ hai, về căn cứ tính thuế ở Điều 6 thì chúng tôi thấy trước hết câu hỏi đặt ra là làm thế nào mà xác định được sản lượng, khối lượng khai thác và trách nhiệm của các cơ quan trong việc kiểm tra sản lượng, khối lượng này như thế nào, quy định ở đâu? Theo tôi cần phải có những quy định này.

Điểm thứ hai, quy định tại Khoản 2, Điều 6 tôi thấy không tán thành. Khoản 2, Điều 6 nói đối với những tài nguyên mà chưa xác định ngay số lượng được thì sau khi cho nhà khai thác sàng tuyển, người ta lọc được ra bao nhiêu thì lúc ấy mình sẽ tính thuế trên cơ sở số lượng tài nguyên được sàng tuyển ra. Nhưng nói như thế thì không hợp lý, bởi vì tài nguyên được sàng tuyển ra từ quặng nhiều hay ít thì nó phụ thuộc vào công nghệ sàng tuyển nữa. Thậm chí là cả vào sự trung thực của người làm công việc ấy nữa, người ta sàng tuyển thô lấy được một ít sau đó người ta để dành làm cái loại mà chúng ta vẫn gọi là khoáng sản thổ phỉ thế thì làm sao mình tính thuế được. Cho nên theo tôi đánh thuế trên quặng được khai thác ấy và hoàn toàn các cơ quan có thể xác định được là với loại quặng như thế này thì khai thác bằng công nghệ trung bình hay khá, nó có thể ra được bao nhiêu sản phẩm để mà đánh thuế.

Về giá bán, vấn đề này Báo cáo thẩm tra đã nói rất kỹ rồi, cũng không còn nhiều thời gian thì tôi chỉ đề nghị là Ban soạn thảo nghiên cứu kỹ Báo cáo thẩm tra để sửa lại cho đúng.

Vấn đề thứ ba, chúng tôi xin góp ý ở Điều 8 đó là thuế suất, nhận xét của tất cả các vị đại biểu trong tổ của chúng tôi thảo luận thấy biên độ thuế suất này quá rộng và như thế thì nó dễ tùy tiện. Ví dụ từ 5 đến 20%, từ 6 đến 25% v v...như thế thì quá rộng và cũng dễ vận dụng một cách tùy tiện. Thứ hai là khi thuế suất để rộng như thế thì mình phải xác định hàm lượng từ bao nhiêu đến bao nhiêu phần trăm thì tính thuế bao nhiêu phần trăm, như thế sẽ cụ thể hơn.

Điểm thứ hai, trong thuế suất này tôi thấy có một số điều tôi không hiểu lắm, tôi thấy hình như nó không hợp lý. Ví dụ thuế đối với than lại đắt hơn đối vàng và cao hơn cả thuế đối với một số khoáng sản kim loại. Đất không phân biệt đất màu và đất cằn, tức là đất khai thác san lấp xây lắp công trình. Nếu đất màu thì mình phải đánh giá thuế cao hơn, còn đất cằn thì đánh thuế thấp hơn, theo tôi không thể đánh thuế như thế được. Ở đây chúng tôi cũng không thấy có thuế đối với xuất khẩu. Cũng có ý kiến cho rằng đối với các khoáng sản xuất khẩu thì mình phải đánh thuế cao hơn. Nhưng theo tôi mình nên thu thuế ngay tại mỏ thì mình mới chống được thất thu thuế. Còn bây giờ nếu xuất khẩu như kiểu ta hiện nay quản lý không chặt, có những hiện tượng tiêu cực, thuế suất khẩu thì cao, thuế không xuất khẩu thì thấp, cũng dễ xảy ra chuyện lậu thuế.

Vấn đề thứ tư, về miễn, giảm thuế chúng tôi cho rằng phải xem lại. Nếu tổ chức, cá nhân gặp thiên tai người ta bị thiệt hại thì mình có thể miễn trừ. Nhưng hỏa hoạn thì phải xem hỏa hoạn do con người hay do cái gì. Nếu do thiên tai thì nó là thiên tai rồi, còn con người nếu tự anh gây hỏa hoạn, anh mất tài nguyên thì đằng nào tài nguyên đất nước mất rồi và anh vẫn phải chịu thuế, không thể nào anh gây hỏa hoạn song mất tài nguyên anh lại được miễn thuế. Tôi cho rằng việc đó phải nên xem lại cho đúng.

Khoản 6, Điều 10: miễn, giảm thuế đối với đất khai thác san lấp công trình an ninh, quốc phòng mang ý nghĩa nhân đạo, từ thiện v.v... Ở đây chúng tôi chỉ đồng ý có thể miễn, giảm thuế đối với các công trình từ thiện, còn công trình an ninh, quốc phòng, đê điều theo tôi không nên miễn, giảm thuế bởi vì đây cũng là tiền Nhà nước, tại sao phải miễn, giảm thuế, chính mình miễn, giảm thuế tạo kẽ hở, tạo điều kiện cho một số người lợi dụng danh nghĩa công trình này để trục lợi.

Cuối cùng, hoàn thiện báo cáo này tôi thấy diễn đạt rất nhiều chuyện cần nói:

Một là, các thuật ngữ viết tên các khoáng sản mỗi loại khoáng sản viết một cách, cái thì để nguyên dạng, cái thì phiên âm, cái thì gạch nối, cái không có gạch nối. Theo tôi trong luật Quốc hội ban hành chỗ này phải cẩn thận.

Hai là, về định nghĩa, câu chữ ở đây còn nhiều vấn đề. Tôi ví dụ về định nghĩa sản phẩm của rừng tự nhiên là cái gì. Ở đây định nghĩa sản phẩm của rừng tự nhiên gồm các loại động vật, thực vật và các loại sản phẩm khác. Mình có cho khai thác động vật đâu mà mình đưa động vật vào đây, mình viết như thế này người ta hiểu có thể khai thác được động vật ở rừng tự nhiên. Xin hết.

Các văn bản liên quan