Góp ý của Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tấn – Tiền Giang

Thứ Năm 15:47 05-11-2009

Kính thưa Chủ tọa kỳ họp,

Kính thưa Quốc hội,

Về dự án Luật thuế tài nguyên, tôi quan tâm những vấn đề cụ thể sau đây:

Một, về các đối tượng chịu thuế được quy định tại Điều 2 và các nhóm loại tài nguyên chịu thuế được quy định tại Điều 8. Cụ thể tại Khoản 8, Điều 2 quy định: các loại tài nguyên thiên nhiên không thuộc quy định từ Khoản 1 đến Khoản 7 điều này và các khoản quy định tại Điều 8 như các loại khoáng sản, kim loại khác, các loại khoáng sản không kim loại khác, sản phẩm đường tự nhiên khác, hải sản tự nhiên khác, tài nguyên thiên nhiên khác. Tôi đề nghị xem lại quy định ở các khoản Điều 2 và Điều 8 vì những lý do sau.

Một là, Pháp lệnh thuế tài nguyên ban hành năm 1990 và đã qua hai lần sửa đổi bổ sung năm 1998 và năm 2008 là cơ sở để quy định cụ thể chi tiết rõ ràng loại tài nguyên nào phải chịu thuế trong luật, đồng thời cũng phù hợp với yêu cầu xây dựng Luật thuế tài nguyên theo Tờ trình của Chính phủ là các quy định trong luật không quá kỹ thuật phức tạp phải rõ ràng, dễ thực hiện, dễ quản lý.

Hai là, phải có Điều 2 dự thảo luật quy định các loại tài nguyên không thuộc quy định từ Khoản 1 đến Khoản 7 điều này, nhưng dự thảo luật không quy định cho ai, cơ quan nào có thẩm quyền quy định đối tượng chịu thuế. Tôi cũng chưa đồng ý với Tờ trình của Chính phủ quy định đối tượng chịu thuế bao gồm các tài nguyên thiên nhiên khác để khi thực hiện cho phép, sẽ có quy định cụ thể về việc nộp thuế tài nguyên đối với các loại tài nguyên mới phát sinh. Vì tại Khoản 4, Điều 84 của Hiến pháp và Khoản 4, Điều 2 của Luật tổ chức Quốc hội có quy định: Quốc hội quy định sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế.

Ba là, Điều 75 Luật ban hành văn bản qui phạm pháp luật có quy định: các trường hợp xây dựng ban hành văn bản qui phạm pháp luật theo trình tự thủ tục rút gọn tại Khoản 1, có quy định: Trong trường hợp khẩn cấp và cần sửa đổi ngay cho phù hợp với văn bản qui phạm pháp luật mới được ban hành, thì việc xây dựng ban hành luật, nghị quyết của Quốc hội được thực hiện theo trình tự thủ tục rút gọn. Vì vậy để đảm bảo tính minh bạch của pháp luật, tránh lợi dụng tùy tiện và ổn định cho môi trường đầu tư, tôi đề nghị luật cần quy định cụ thể đối tượng chịu thuế nhóm, loại tài nguyên cụ thể chịu thuế. Còn các đối tượng nhóm tài nguyên khác chịu thuế thì khi cần thiết và có đủ cơ sở bổ sung vào đối tượng chịu thuế Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi bổ sung luật theo quy định tại Điều 75 của Luật ban hành văn bản qui phạm pháp luật.

Ý kiến thứ hai, về sản lượng tài nguyên thực tế khai thác, tại Khoản 1, Điều 6 dự thảo luật quy định: Đối với loại tài nguyên khai thác xác định được số lượng, trọng lượng hay khối lượng, thì sản lượng tài nguyên tính thuế là số lượng, trọng lượng hay khối lượng của tài nguyên thực tế khai thác. Tôi đề nghị Khoản 1, điều này cần quy định cụ thể hơn vì thực tế có tài nguyên vừa có thể xác định được bằng cả số lượng, trọng lượng hay khối lượng hoặc hai trong ba nội dung vừa nêu thì sẽ áp dụng theo quy định nào? Hơn nữa tại Khoản 1, Điều 7 về xác định đơn vị sản phẩm tài nguyên có thể là con, cây, m3, kg vậy khi thực hiện là căn cứ vào khối lượng, trọng lượng hay khối lượng để tính thuế.

Ý kiến thứ ba, về giá tính thuế theo pháp lệnh hiện hành thì giá tính thuế tài nguyên là giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên của tổ chức cá nhân tại nơi khai thác tài nguyên nhưng Khoản 1, Điều 7 dự thảo luật quy định giá tính thuế tài nguyên là giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên của tổ chức cá nhân khai thác chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Quy định như dự thảo thì có thể hiểu giá tính thuế tài nguyên tại nhiều địa điểm, nhưng để dễ quản lý và dễ áp dụng khi tính thuế, tôi đề nghị giữ như pháp lệnh hiện hành hoặc quy định như dự thảo thì cần quy định cụ thể hơn ở Khoản 1 điều này thành hai trường hợp:

Một, tài nguyên bán ở tại nơi khai thác thì giá tính thuế là giá thực tế,

Hai, tài nguyên bán ở nơi có nhu cầu, thì giá tính thuế là giá bán trừ chi phí vận chuyển, sàng tuyển,

Ý kiến thứ tư về thuế suất, tôi đề nghị cơ quan soạn thảo xem lại các quy định tại điều này ở những điểm sau.

Một, sự bất hợp lý giữa mức thuế suất đối với một số loại tài nguyên như nhóm tài nguyên 4, 5, 6, của nhóm khoáng sản kim loại có cùng mức thuế suất 5 - 25% mức thuế suất dưới của gỗ nhóm trên, lại thấp hơn mức thuế trên của gỗ nhóm dưới, thuế suất của cành ngọn không quy định thuộc nhóm gỗ nào, nhưng có thuế suất bằng gỗ nhóm 3, nhóm 4 từ 10 - 20%. Đề nghị cơ quan soạn thảo cần xem lại quy định này để tránh sự tùy tiện trong quá trình thực hiện,

Hai, về thuế suất đối với nước thiên nhiên khai thác dưới đất hay gọi là nước ngầm quy định từ 1 - 8%. Theo tôi thấp và sẽ không khuyến khích sử dụng tiết kiệm nguồn nước này trong khi đó nguồn nước dưới đất có hạn về chất lượng về số lượng cần được bảo vệ thông qua thu thuế suất cao hơn. Vì vậy, tôi đề nghị tăng thuế suất từ 5 - 10% nhằm hạn chế tình trạng khai thác sử dụng lãng phí tài nguyên nước dưới đất, đồng thời sẽ khuyến khích tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh sử dụng nước mặn bảo vệ tài nguyên dưới đất.

Vấn đề thứ năm, về miễn thuế, giảm thuế quy định tại Điều 10 tôi có 4 ý kiến.

Một, tại Khoản 1, Điều 10 dự thảo luật quy định tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên gặp thiên tai hoả hoạn, tai nạn bất ngờ gây tổn thất đến tài nguyên đã kê khai nộp thuế được xếp miễn thuế tài nguyên phải nộp cho số tài nguyên bị tổn thất, dự thảo luật chưa quy định trường hợp đã nộp thuế tài nguyên rồi thì xử lý như thế nào. Vì vậy, tôi đề nghị bổ sung vào cuối quy định tại Khoản 1 với nội dung như sau: trường hợp đã nộp thuế tài nguyên thì được hoàn trả lại số thuế đã nộp hoặc bù trừ vào số thuế tài nguyên phải nộp của kỳ sau.

Hai, tại Khoản 2 dự thảo luật quy định tổ chức, cá nhân Việt Nam hoạt động khai thác thuỷ sản ở vùng biển xa bờ. Tôi đề nghị thay từ "thuỷ sản" bằng từ "hải sản" vì tại Điều 2 và Điều 8 đều quy định hải sản tự nhiên và tại Tờ trình của Chính phủ cũng đề nghị đối tượng chịu thuế là hải sản tự nhiên thay cho từ "thuỷ sản tự nhiên" để đảm bảo tính khả thi.

Ba, tại Khoản 6 dự thảo luật quy định miễn thuế đối với đất khai thác để san lấp xây dựng công trình an ninh, quốc phòng, công trình mang ý nghĩa nhân đạo. Tôi đề nghị bổ sung vào sau quy định này một đoạn gồm hai đối tượng với nội dung ưu đãi đối với người có công với cách mạng, đất tự khai thác và sử dụng tại chỗ trên diện tích đất được giao, được thuê.

Bốn, tại Điều 10 có 6 khoản quy định được miễn giảm thuế, nhưng dự thảo luật không quy định thủ tục, trình tự và thẩm quyền xét miễn giảm thuế, vì vậy tôi đề nghị bổ sung vào sau Khoản 6 với nội dung Bộ Tài chính quy định trình tự, thủ tục, thẩm quyền xét miễn giảm thuế tại điều này. Tôi xin hết ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội.

 

Các văn bản liên quan