Góp ý của đại biểu Đinh Xuân Thảo – Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp

Thứ Ba 15:16 22-09-2009

Kính thưa đồng chí Chủ tịch Quốc hội.

Kính thưa đồng chí Phó chủ tịch cùng các đồng chí ủy viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Tôi xin có một số ý kiến về Dự án Luật thuê s tài nguyên. Tôi thấy Pháp lệnh thuế tài nguyên năm 1998 được thi hành hơn 10 năm rồi, việc nâng lên thành luật là hết sức quan trọng là bởi vì trong thực tiễn công tác chúng tôi đã bắt gặp từ năm 2000 đến năm 2004 trong việc đàm phán Hiệp định phân Vịnh Bắc bộ và hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc trong đó có chuyện là khi tàu cá của hai bên vào đánh bắt ở vùng đánh cá chung thì sẽ có việc đóng thuế, trong một nguyên tắc quy định tức là: Một là lấy một mức chung hoặc hai là muốn hoạt động phần biển thì tuân theo pháp luật của bên đó. Lúc đó chúng tôi mới viện dẫn là trong Pháp lệnh năm 1998 của Việt Nam quy định mức thuế là từ 1% - 2%, trong khi đó của Trung Quốc là 5%, bây giờ theo mức của Việt Nam hay mức của Trung Quốc, hay là mức trung bình rồi chia đôi, đó cũng là vấn đề đưa ra bàn. Chính do có cơ sở pháp lý là pháp lệnh đó cho nên cuối cùng mới thoả thuận được, chứ lúc đầu họ nói chỉ là miễn thôi.

Ở đây liên quan đến một vấn đề là Điều 10 trong này chúng ta có quy định về miễn và giảm thuế, quy định tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác thuỷ sản ở vùng biển xa bờ bằng công suất lớn thì được miễn giảm thuế trong năm đầu, chính vấn đề lúc đầu phía Trung quốc đưa ra bảo thế thì chúng tôi cũng phải được miễn vì chỉ nói xa bờ thôi chứ tổ chức, cá nhân không nói là của nước nào. Chúng tôi giải thích rõ là luật này chỉ quy định đối với công dân, tổ chức, cá nhân Việt Nam thôi, còn các anh là người nước ngoài thì không ưu tiên trong trường hợp này. Họ bảo nói như vậy là không công bằng, không chính xác bởi trong luật các anh không nói từ "Việt Nam". Cho nên đề nghị chỗ này cần xem xét để cân nhắc.

Thứ hai, ở đây nói là công suất lớn thì công suất lớn là bao nhiêu. Thực tế hiện nay công suất lớn của nước ngoài là họ phải 200 mã lực trở lên thì họ mới coi là lớn nhưng của ta chỉ 90 CV thôi. Liên quan đến các loại tàu đi khai thác cá ngừ, đánh bắt cá ngừ đại dương, đối với quốc tế người ta chỉ cần 45 - 50 mã lực là đã có thể đi được rồi, vì đi câu cho nên không cần lớn. Cho nên quy định như thế này mà hiện nay đi xa bờ chủ yếu đi câu cá ngừ đại dương là tàu bé thôi, khoảng 45 - 50 CV là đi được rồi. Nếu mình quy định mức lớn như thế nào thì nó cũng sẽ ảnh hưởng đến việc được miễn giảm thuế ở đây.

Còn Mục 6 nói về thuế suất quy định thuỷ sản tự nhiên, trong đó có ba loại hải sâm, bào ngư, ngọc trai thì đó là theo Pháp lệnh cũ trước đây quy định như vậy. Nhưng trong thực tế sau khi có Luật Thuỷ sản năm 2003 thì ngoài loại quý hiếm như hải sâm, bào ngư, ngọc trai còn một số quí hiếm khác vẫn được khai thác, vì trong điều luật có quy định là nếu được những trường hợp quí hiếm khác mà được Thủ tướng cho phép thì vẫn là cho khai thác. Ví dụ như san hô đỏ chẳng hạ đúng là loại quí hiếm mà có thể đưa vào sách đỏ nhưng theo như Luật thủy sản thì trường hợp Thủ tướng cho phép vẫn có thể khai thác được, rõ ràng trường hợp này nếu mình không quy định cụ thể vào đây loại quý hiếm khác nữa thì coi như sẽ bỏ sót mà loại đó rất giá trị, chúng ta biết san hô đỏ hiện nay cực kỳ là quý. Tôi đề nghị bổ sung loại quí hiếm khác ngoài ba thứ như hải sâm, bào ngư, ngọc trai thì có thể ở mức là từ 10 - 15% thì như thế nó sẽ chặt chẽ hơn mà mình không lãng phí nguồn lợi.

Về khai thác như anh Hiền có nói đúng như trước đây quy định đối với ở biển là hải sản thôi, bây giờ đưa vào thủy sản theo Luật thủy sản thì đúng kể cả nội đồng, nội địa, nước ngọt, nước mặn, nước lợ. Nhưng nếu quy định như thế đúng là chỉ có phải nói quy định tức là phải loại trừ nếu mà khai thác nhằm mục đích mưu sinh thì không thuế, các nước người ta không đánh thuế kể cả khai thác ở biển mà nhằm mục đích mưu sinh để kiếm sống thôi chứ không phải là để thương mại buôn bán thì không phải chịu thuế, cho nên quy định chỗ này cũng tính toán để cho nó chặt thêm.

Ngoài ra tham khảo một số nước người ta quy định trong thuế tài nguyên có vấn đề  là nơi nộp thuế thì có cái này có thể trong Luật quản lý thuế của mình đã quy định rồi. Nhưng riêng đối với lĩnh vực thủy sản, hải sản thì hiện nay đang có sự tranh chấp vì họ đi khai thác khắp nơi như tàu ở trong Cà Mau ra khai thác ở ngoài Vịnh Bắc Bộ thì bây giờ đóng ở đâu, bởi vì đóng ở đâu nó sẽ liên quan đến chuyện lợi ích của nơi mà có tài nguyên được trích hoặc được để lại một phần thì cái đó cần nghiên cứu. Nếu không đưa vào đây cũng phải có quy định ở đâu đó để cho nó phù hợp với những loại mà tài nguyên nó không cố định.

Qua phân loại ở đây có 8 nhóm, từ 1 cho đến 4 là những loại tài nguyên không tái tạo, đúng là quy định mức cao như thế này cũng khá phù hợp so với thế giới. Còn những loại tái tạo được ở bên duới thì quy định mức như thế này, nói chung khung quy định để rộng như thế tôi thấy cũng phù hợp với các nước vì việc này còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện yếu tố. Nếu đưa khung hẹp quá thì sẽ khó vì nó còn liên quan đến Luật thuế VAT khi xuất khẩu và phần được thoái thu, được hoàn thuế cho nên để như thế này chúng tôi thấy cũng phù hợp.

Nói tóm lại nội dung về thuế tài nguyên được  đưa lên thành luật là rất cần thiết và quan trọng, tuy nhiên về nội dung thẩm quyền trong này vẫn chưa khác nhiều so với pháp lệnh, đề nghị có sự điều chỉnh, nhất là về thẩm quyền tất cả phải thuộc Quốc hội chứ không thể để ở cơ quan thấp hơn sẽ không phù hợp. Xin hết.

 

Các văn bản liên quan