Góp ý của đại biểu Vũ Văn Ninh – Bộ trưởng Bộ Tài chính

Thứ Ba 15:18 22-09-2009

Kính thưa đồng chí Chủ tịch Quốc hội,

Thưa các đồng chí, tôi xin phát biểu một số ý kiến liên quan đến các ý kiến thẩm định của Uỷ ban Tài chính, ngân sách và ý kiến của các đại biểu đã phát biểu.

Trước hết, tôi xin báo cáo thêm một chút về tình hình chung nhất khi xây dựng luật này. Cũng báo cáo với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong Tờ trình cũng có nói điều quan trọng nhất là luật hóa từ pháp lệnh lên nghị định. Pháp lệnh là từ năm 1998 sửa đổi, bổ sung năm 2008 và thực hiện bắt đầu từ đầu năm nay, trong sửa đổi chủ yếu sửa một điều đó là khung thuế.

Thứ hai là cũng cố gắng đưa chi tiết trong luật một số nội dung quan trọng như căn cứ tính thuế, có 3 việc một là thuế suất, hai là giá tính thuế và ba là lượng. Ba căn cứ đó hiện nay đã cố gắng thể hiện về nguyên tắc trong các điều.

Thứ ba là khi xây dựng luật này chúng tôi cũng đặt mục tiêu và báo cáo rồi, trong đó góp phần tăng cường công tác quản lý và hạn chế khai thác quá mức tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là tài nguyên không tái tạo, kết hợp với Luật thuế xuất nhập khẩu. Vừa rồi Thường vụ đã có điều chỉnh kết hợp làm sao đấy hạn chế xuất khẩu tài nguyên khoáng sản và tăng cường chế biến trong nước cũng đã đi theo một tư tưởng như vậy. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng nó còn chung và cũng có ý kiến là giao cho Chính phủ hướng dẫn nhiều. Có một số điểm cụ thể tôi xin báo cáo:

Trong tư tưởng chúng tôi rất muốn chi tiết, nhưng khi đi vào chi tiết nó cũng có những vấn đề rất kỹ thuật, vấn đề trong quá trình điều hành có thể nó sẽ hạn chế tính linh hoạt, chúng tôi sẽ báo cáo với Thường vụ Quốc hội để các đồng chí quyết định. Nếu đưa vào chi tiết, càng chi tiết chúng tôi nghĩ càng tốt, nhất là trong bối cảnh hiện nay tình hình kinh tế - xã hội của quốc tế và trong nước còn biến động như thế này. Tôi cũng nêu một vài ví dụ để các đồng chí thấy.

Trong Ủy ban có nêu nhiều nội dung giao cho Chính phủ quy định. Chúng tôi xin báo cáo, trước đây khi pháp lệnh, cả pháp lệnh giao cho Chính phủ quy định, có một câu quét là Chính phủ hướng dẫn thi hành pháp lệnh này. Mức thuế cũng giao cho Chính phủ, tất cả các giá cũng giao cho Chính phủ, trong pháp lệnh không quy định nguyên tắc về giá, không có nguyên tắc lớn về giá và giao cho Chính phủ hết. Hôm nay chúng tôi đã đưa lên trên này để thẩm quyền của Quốc hội, ví dụ khung đưa vào thẩm quyền của Quốc hội và các nguyên tắc tính giá và sản lượng v.v... đưa vào đây là yếu tố mấu chốt nhất là đưa Quốc hội quyết định nguyên tắc. Báo cáo Ủy ban Tài chính, Ngân sách như vậy, không phải chúng tôi tư tưởng là muốn để cho Chính phủ rộng, rồi hướng dẫn để tùy tiện đâu. Cũng chính xuất phát từ thực tiễn điều hành và muốn linh hoạt đấy để đảm bảo quyền lợi, lợi ích tối đa của Nhà nước, trong đó có xử lý hài hòa như anh Hiền nói là giữa Nhà nước và doanh nghiệp, không phải là có ý gì để tùy tiện mà ảnh hưởng đến lợi ích của quốc gia.

Về luật này  báo cáo Thường vụ, chúng tôi đã trình ra Chính phủ và cũng đã lấy ý kiến rồi còn trình nữa. Ngay Bộ Tư pháp khi thảo luận cái này thì cũng đã là thành viên của Ban soạn thảo và lấy ý kiến với tư cách là Bộ, sau đó lại lấy ý kiến với tư cách là thẩm định thì có bản thẩm định ra Chính phủ và có lấy phiếu của thành viên Chính phủ cũng báo cáo cả Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn là anh Phát có ý kiến đánh dấu vào đấy, cũng trên phiếu đấy trình ra Chính phủ đàng hoàng chứ không phải là luật này được báo cáo và thảo luận trong Chính phủ chứ không phải chỉ lấy ý kiến rồi quyết định. Tôi xin nói thêm ý đấy.

Vấn đề nữa là về khung thuế, tại sao nó rộng như thế chúng tôi cũng xin báo cáo mấy điểm như thế này.

Điểm thứ nhất là trong thực tiễn thì chúng ta điều hành nó biến động rất lớn và nó phụ thuộc vào giá tính thuế, giá tính thuế của chúng ta phụ thuộc vào thị trường. Thị trường ở đây có cái trong nước có cái ngoài nước. Tôi lấy một ví dụ than vừa rồi chẳng hạn, cái khung chúng ta đã đưa lên cả sàn, cả trần, sau đó chúng ta cũng điều chỉnh từng bước, từng bước để nâng lên nhưng mà ở một thời điểm nhất định đầu năm ngoái thì giá rất cao. Lúc bấy giờ chúng ta nâng thuế suất cả thuế xuất khẩu và thuế tài nguyên này lên rất cao để mà điều tiết cho Nhà nước. Nhưng ngược lại sang năm nay báo cáo Thường vụ nó lại xuống rất thấp. Nếu chúng ta để nguyên thuế đó thì doanh nghiệp lại lỗ, lại phải điều chỉnh xuống. Đấy là tính linh hoạt của điều chỉnh, nếu ghi cứng trong này thì Thường vụ và Quốc hội quyết định. Chúng tôi thấy ghi cứng thì có cái dở là trong điều hành rất khó. Đấy là một ý.

Điểm thứ hai là bản thân nhóm đúng là hiện nay đưa vào luật chưa được chi tiết lắm. Cho nên nói là nhóm có một khung rất rộng. Ví dụ anh Hiền có nói là gỗ thôi thì có những sản phẩm chúng ta đánh 40% nhưng có sản phẩm chúng ta chỉ đánh có 5% thôi. Sau này chúng tôi nghiên cứu có thể là phân nhóm chi tiết hơn và cố gắng đưa vào luật nhiều hơn thì tốt. Cho nên khung của nó tương đối là rộng.

Ý thứ ba, về đưa vào chi tiết thì điều chỉnh như thế nào, báo cáo với Thường vụ chúng tôi có một bài học vừa rồi, chúng tôi nói không liên quan lắm đến luật này, nhưng vừa rồi có một chuyện tức là thuế xuất nhập khẩu, đối với thuế xuất nhập khẩu là than chúng ta có quy định chung là khung tối thiểu là 5% đến 10% và các loại khác, cũng không có cái khác ở đấy. Nhưng khi thực tế thì vừa rồi chúng ta lại xuất khẩu được than gáo dừa, than của từ gáo dừa. Than gáo dừa không biết các đồng chí quan niệm thế nào nhưng Chính phủ quan niệm là khuyến khích, định đưa đến thuế suất không thì không đưa được. Bởi vì nó vướng, chúng tôi đã làm Tờ trình cho Chính phủ, trình cho Ủy ban Thường vụ sửa một điểm thôi. Nhưng thưa với các đồng chí, nói thực với các đồng chí là loanh quanh 6 tháng chưa sửa được. Bởi vì cứ phải trình, bẩm rồi quy trình thủ tục mà làm một cái trình ra rất lâu, nếu đưa vào luật nữa thì tùy các đồng chí. Ví dụ một cái điểm đấy mà nói ra ai cũng thừa nhận cả nhưng đến khi sửa thì nào là quy trình thủ tục, thẩm định, phải đăng website 60 ngày v.v... rất nhiều vấn đề. Báo cáo với các đồng chí những thứ thế là tính linh hoạt trong điều hành nó rất khó.

Việc thứ hai, tôi muốn nói với các đồng chí, xin lỗi các đồng chí cũng mất thì giờ tí nhưng điều hành nó cụ thể, nó có thể kể ra được rất nhiều nhưng tôi kể cái điển hình thôi. Ví dụ tại kỳ họp cuối năm ngoái chính đại biểu Quốc hội chất vấn tôi rất nhiều về thuế suất của xuất khẩu đối với gỗ, đối với sản phẩm sản xuất từ gỗ. Nhưng mà gỗ người ta nói rằng tôi nhập khẩu về mà anh đánh thuế tôi 10%. Trong tư tưởng mình chỉ là đánh thuế đối với rừng tự nhiên, tức là gỗ khai thác tự nhiên thôi thế bây giờ gỗ nhập về, tôi nhập về tôi có khai thác trong nước đâu mà anh đánh thuế tôi. Thực ra phân biệt vấn đề này vô cùng khó, người ta đưa ra thì cũng có cái lý của người ta nhưng nếu mình không quy định vấn đề đó thì không hạn chế được thì mình lại nói là với rừng tự nhiên nhưng khi nó vào sản phẩm rồi thì hải quan không biết  cái nào là gỗ, sản phẩm này sản xuất từ rừng tự nhiên hay sản phẩm này sản xuất từ rừng trầm thì nó khó như vậy. Cho nên về chúng tôi đã trình với Chính phủ xử lý một cách linh hoạt là hạ thuế suất, thuế nhập khẩu xuống 0%, nhưng lại nâng thuế tài nguyên của rừng tự nhiên lên để ta đánh từ gốc và như vậy vẫn đảm bảo được mục tiêu, tức là hạn chế khai thác rừng tự nhiên thì vừa rồi xử lý như thế tương đối tốt và cũng tương đối đảm bảo quyền lợi của cả doanh nghiệp, Nhà nước. Tôi nói trong điều hành nó có vấn đề như vậy, nó có chuyện thực tế xảy ra như thế, nếu không linh hoạt thì xử lý rất vướng. Chúng tôi xin thêm như vậy.

Nhóm tài nguyên khác thì cũng báo cáo thật với Thường vụ là chúng tôi hiện tại bây giờ nếu kê như ở đây là cho đến giờ phút này, chúng tôi cho rằng đủ nhưng cũng không thể lường được sắp tới có phát sinh gì không, nếu không thì bỏ đi cũng được, sau này nếu có phát sinh thì trình Quốc hội. Ví dụ, gáo dừa phát sinh ra những vấn đề cụ thể như thế mà xử không được, chúng tôi cũng nói như thế còn nếu tiếp thu thì chúng tôi đồng ý bỏ cũng được.

Vấn đề về giá tính thuế, tôi nói những vấn đề lớn còn những vấn đề cụ thể thì tôi sẽ báo cáo thêm với Ủy ban Tài chính ngân sách và sẽ có những điểm tiếp thu.

Về giá tính thuế thì các đồng chí cũng nói ở trong này có những điểm, ví dụ nên đưa vào Quốc hội là để một khung về giá tính thuế thì lúc trước tôi cũng báo cáo với các đồng chí giá là giá thị trường nó biến động lên xuống như thế này mà đưa vào khung. Khung giá tính thuế cho từng sản phẩm một, đưa như thế nào thì tôi cũng chưa hình dung được, chúng tôi nghĩ rằng giao cho Chính phủ hoặc Bộ Tài chính hướng dẫn. Hiện nay có chuyện tức là chúng ta không đưa ra khung trong từng thời kỳ, cho nên ở mỗi địa phương tính giá một khác nên không thống nhất. Chính việc này chúng tôi khắc phục là đề nghị đưa vào khung là như vậy.

Đặc thù của dầu khí, tại sao có đặc thù của dầu khí? Chúng tôi xin báo cáo là trong Luật Dầu khí có quy định hợp đồng giao dịch sòng phẳng. Hợp đồng giao dịch sòng phẳng chính là hợp đồng giữa người mua và người bán và trong quan hệ hoàn toàn thị trường, không có yếu tố gì là không thị trường ở đây, không bao hàm như bán giữa nội bộ công ty, giữa Chính phủ hai nước, giữa các tổ chức thuộc Chính phủ hoặc bất cứ một giao dịch trao đổi nào bị ảnh hưởng bởi thương mại không bình thường, trong đó đã quy định như vậy rồi thì giá tính thuế không có vấn đề gì, trong này quy định rồi. Nhưng cũng có trường hợp là hợp đồng giao dịch không phải theo nguyên tắc này mà nó hợp tác giữa hai Chính phủ. Ví dụ Liên doanh dầu khí Việt Xô vừa rồi là điển hình. Hơn nữa nó có những việc ở vùng nhạy cảm, có những lúc ta phải ưu đãi, kể cả khung thuế cũng vậy, cũng phải ưu đãi, vùng trồng lấn có khi chúng ta phải mời họ vào để họ giữ cho ta về chủ quyền. Vì vậy đề nghị để cho Chính phủ hướng dẫn cụ thể thì phù hợp hơn.

Trong này các đồng chí có nói về nộp thuế cũng vậy, nhân đây tôi cũng nói luôn về nộp thuế đối với dầu khí, nó cũng có những chuyện là khi quy định nộp bằng tiền, có khi quy định nộp bằng sản phẩm, cũng có khi quy định nộp bằng ngoại tệ, có khi quy định nộp bằng tiền Việt, không phải nộp mà ngay phân chia cũng vậy. Nó có những chuyện đó thì quy định cụ thể trong hợp đồng. Chính vì vậy chúng tôi muốn để Chính phủ hướng dẫn sẽ phù hợp hơn chứ không có vấn đề gì lớn ở chỗ này, khung rộng thì lúc nãy chúng tôi cũng báo cáo rồi.

Về vấn đề sàn, trần thì đối với tài nguyên không tái tạo thì nên nâng cao hơn. Chúng tôi xin báo cáo với Thường vụ là trước đây chúng ta thực hiện Pháp lệnh của năm 1998, các đồng chí xem biểu phụ lục thì các đồng chí thấy để rất thấp. Ví dụ khoáng sản kim loại để từ 1% - 5%, sau đó Pháp lệnh 2008 vừa rồi sửa để là 5% - 30%, chính là tư tưởng để điều tiết cái này và quản lý  việc này, cho nên nâng sàn và nâng cả trần lên rất cao. Luật lần này mới thi hành từ 01/01/2009 cho nên chúng tôi không thấy có vướng mắc gì lớn cho nên chúng tôi lấy nguyên của cái vừa rồi Thường vụ sửa mới đây để đưa vào. Ví dụ không kim loại cũng từ 1% - 5% bây giờ đã đưa lên từ 3% - 15% rồi, hay là vàng trước đây có từ 1% - 6% bây giờ đưa từ 6% - 30% và rất nhiều mặt hàng khác cũng tương tự như vậy đã nâng rồi, nếu cần thiết nữa thì chúng ta lại nghiên cứu để nâng. Nhưng cũng có vấn đề về ý anh Hiền vừa nói, chúng tôi cũng rất lưu ý là làm sao giải quyết hài hoà giữa Nhà nước và doanh nghiệp, nếu nâng cao quá thì doanh nghiệp sản xuất kinh doanh khó khăn, có chuyện trong điều hành đã phải tính đến vấn đề này rồi. Báo cáo Thường vụ, khi điều chỉnh thuế lên thì cũng phải điều chỉnh từng bước và dần dần thì nâng lên được. Ví dụ như than vừa qua chúng tôi điều chỉnh lên đến 15% mà cũng phải điều chỉnh hai bước chứ không phải từ 5% mà điều chỉnh lên 15% ngay mà cũng phải lên 7%, lên 10% rồi mới lên 15%, đấy cũng là quá trình để tác động vào chúng tôi xin báo cáo thêm như vậy.

Còn một số ý kiến cụ thể hơn các đồng chí có nói ví dụ như giá tính thuế đối với thủy điện thì cũng báo cáo thật với các đồng chí chúng tôi nghiên cứu việc này cũng có đi khảo sát vì thủy điện thì nó tùy thuộc vào mức nước, cột nước cao thấp rồi tùy thuộc vào công nghệ như anh Ksor Phước nói và nó tùy thuộc vào cả lúc chúng ta xả lũ có khi không dùng đến cho thủy điện. Nếu mà tính trên sản lượng sử dụng nước thì thực ra mà nói chúng tôi không thể tính được. Hai nữa là tính thì khi nào xả mà không dùng điện và khi nào phát điện, cho nên chúng tôi thể hiện vào tư tưởng nó ra sản phẩm điện thương phẩm thì nó căn cứ tính hơn và trong quá trình ấy cũng có thể quản lý được và cũng đơn giản chứ nếu không thì phức tạp quá, chúng tôi xin báo cáo thêm với Thường vụ như vậy.

Phần chỗ rừng anh Nhị nói, trong này tư tưởng là rừng tự nhiên còn rừng trồng không có đánh thuế tài nguyên gì cả mà chỉ có rừng tự nhiên và rừng tự nhiên tôi báo cáo không phải đặt ra một luật này mới có thể quản lý kiểm soát tất cả mọi thứ được như theo đó phải có đồng bộ pháp luật khác. Tôi nói ví dụ như cho đi tù, đi bắn người ta vẫn cứ phá rừng thì không phải áp luật này vào mà hạn chế được phá rừng ngay đâu, nó chỉ góp phần thôi chứ không phải là tất cả thì tôi nghĩ như vậy.

Ý kiến về khai thác thủy sản, hải sản xa bờ tôi xin tiếp thu ý này, đúng là hiện nay nếu khai thác xa bờ nó cũng phải có công suất tương đối thì cái lớn chúng tôi sẽ xem xét và  có khi chỉ cần đánh bắt xa bờ thôi, bởi vì hiện nay đánh bắt xa bờ như thế nào có quy định rồi và có một số điểm chúng tôi xin tiếp thu.

Còn các điểm khác nó còn rất nhiều các chi tiết thì tinh thần chung thế này, báo cáo với Thường vụ là một số điểm tôi có báo cáo như vậy, còn một số điểm khác chúng tôi nghiên cứu để có sự tiếp thu cho nó hợp lý và sẽ báo cáo lại với Ủy ban tài chính ngân sách, báo cáo lại với Chính phủ, báo cáo lại với Ủy ban Thường vụ để trình ra Quốc hội. Xin cảm ơn các đồng chí.

Các văn bản liên quan