Góp ý của đại biểu Hứa Đức Nhị – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT

Thứ Ba 15:12 22-09-2009

Kính thưa các đồng chí Ủy ban Thường vụ Quốc hội,

Thưa tất cả các đồng chí.

Về trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đồng chí Bộ trưởng chúng tôi đã tham gia ý kiến và về cơ bản đã thống nhất với dự thảo. Do những trục trặc về hành chính nên Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chưa có được ý kiến phát biểu cụ thể với Bộ Tài chính về Dự án Luật Thuế tài nguyên. Tuy trước đó cũng có ý kiến về Nghị định của Chính phủ quy định về Thuế tài nguyên. Thực ra có thể cũng còn những ý kiến khác nhau chưa được chấp thuận. Hôm nay được phép của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tôi xin được nêu một số vấn đề về Thuế tài nguyên nhấ,t là đối với tài nguyên rừng mà lúc nãy đồng chí KSor Phước đã nêu và trong Báo cáo của Ủy ban Tài chính và Ngân sách cũng có nêu.

Trong thời gian vừa qua thực hiện Thuế tài nguyên rừng thì nhiều cơ sở nông nghiệp rất là kêu, họ kêu là quá cao. Trong khi các đơn vị trong ngành còn rất khó khăn, tức là khi chúng ta đã thu quá cao thì đúng là cũng không còn có phần để lại để xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như là phát triển. Không còn đủ kinh phí cho bảo vệ rừng, phát triển rừng và các cơ sở  hạ tầng của các lâm trường quốc doanh nói chung lâu nay hết sức kém, rất khó khăn.

Thuế thì chúng tôi cho rằng việc thu thuế là cần thiết, tuy nhiên cũng do những cái bất hợp lý trong quá trình chúng ta tính toán cho nên các cơ sở cũng như anh Phước vừa nêu là họ tìm cách khai thác những loại có giá cao, khi chi phí khai thác họ vẫn còn có thể chịu được. Rừng còn lại nói chung rất là xấu, nó không còn có điều kiện tác động trở lại để phát triển rừng. Chúng ta tính thuế rất cao thành ra chi phí khai thác đối với những loại cây có giá thấp hay vận chuyển ra ngoài có giá thành lớn thì hầu như anh em người ta để lại. Mà đã để lại như thế thì rừng rất là xấu nó không đáp ứng được yêu cầu bảo vệ và phát triển rừng.

Về thuế có thể nói là cao, có hai mặt của nó, một mặt chúng ta có thể hạn chế được khai thác nhưng mặt khác nó cũng tạo ra một môi trường, yếu tố cho những lâm tặc người ta vi phạm, tức là nếu quá cao thì người ta tìm cách người ta trốn. Trong thời gian vừa qua vấn đề lâm tặc như chúng ta đã nghe cũng rất khá phổ biến.

Ngoài ra nếu chúng ta đặt vấn đề hạn chế được khai thác do thuế tài nguyên cao thì thực ra có mức độ cũng báo cáo với các đồng chí là rừng thì cây đến một tuổi nào đó nó sẽ phải gìà, nó sẽ chết đi chứ nó không tồn tại với chúng ta mãi. Cho nên trong lâm sinh khai thác rừng nó cũng như một biện pháp lâm sinh, tức là những cây cần chặt chúng ta cần chặt nó đi. Chứ nếu ta cứ để đấy mà chúng ta bảo là phải hạn chế khai thác thì thực ra rừng nó chỉ xấu đi, nó không có đẹp lên, nó không có tốt lên. Cho nên trong lâm nghiệp ngoài thuế tài nguyên để chúng ta điều chỉnh về vấn đề khai thác thì chúng ta còn rất nhiều những quy định khác, đặc biệt Luật phát triển rừng của chúng ta đã có hàng loạt những quy định để bảo vệ rừng cũng như để phát triển rừng.

Cho nên chúng tôi nghĩ vấn đề thuế tài nguyên cũng nên tính như thế nào đó để cho nó vừa phải, vừa đáp ứng được yêu cầu đất nước đồng thời cũng đảm bảo vấn đề bảo vệ phát triển rừng.

Hiện nay chúng tôi thấy theo tính toán này các đồng chí cứ để cho một khung đương nhiên có khung như vậy cũng là tốt rồi, nhưng chúng tôi đề nghị sau này trong quá trình triển khai cũng nên có tính toán thật kỹ như lúc nãy anh Ksor Phước có nêu rồi thì thực ra trong khai thác rừng tự nhiên nó rất nhiều vấn đề có thể nói như vậy, cho nên rất cần tính kỹ ở đây có điều kiện là nó thêm.

Xin báo cáo thêm với các đồng chí về thuế tài nguyên rừng này hiện nay của chúng ta được xác lập trên cơ sở tiền nối rừng ngày xưa, tiền nối rừng ý là chúng ta thu thuế ở từ khối gỗ khai thác ra nhưng đồng thời lấy lại nuôi lại chính rừng đó, tức là để bảo vệ và phát triển rừng đó. Nhưng sau này chúng ta chuyển nó thành thuế và thành ngân sách Nhà nước nhưng mà khi đã vào ngân sách Nhà nước rồi thì quay trở lại rất khó, thành thử ra hiện nay thuế tài nguyên này không kích thích phát triển và nhất là rừng tự nhiên. Cho nên hiện nay bảo vệ rừng tự nhiên là một vấn đề cực kỳ khó khăn xin báo cáo các đồng chí như vậy.

Hiện nay chúng ta còn đang cấm hoặc là hạn chế khai thác rừng tự nhiên, nhưng hạn chế khai thác có hai mặt của nó, mặt được có vẻ như chúng ta bảo vệ nhưng cái mất là chúng ta không quản lý được, đồng thời không phát triển được, có thể nói hiện nay rừng tự nhiên của chúng ta rất kém. Đa số rừng tự nhiên của chúng ta hiện nay là các rừng nghèo và rừng mới phục hồi, rất kém. Hiện nay chúng ta giao đất, giao rừng cho dân theo Luật Bảo vệ Phát triển rừng, những người nông dân có rất ít rừng, cho nên mỗi năm có thể khai thác vài khối gỗ, trên 5, 7 ha rừng không được bao nhiêu, cho nên nuôi sống chính họ đã khó chứ không phải nói đến làm giàu. Hiện nay cách chúng ta thu thuế tài nguyên như thế này, nhất là chúng ta đánh thuế cao vào rừng tự nhiên cũng làm hạn chế bảo vệ phát triển rừng tự nhiên, nhưng được cái là hiện các rừng trồng phát triển rất tốt, bởi vì người ta thấy rừng trồng có giá trị và hiệu quả trực tiếp hơn, cho nên người ta quan tâm đến rừng trồng.

Tôi chỉ xin phép được nêu một vài ý như vậy vì chưa thực sự nghiên cứu sâu về cách thiết kế như thế nào tốt nhất đối với vấn đề thuế tài nguyên, đối với rừng mà chỉ muốn nêu là theo các cơ sở, các địa phương thì thấy mức này quá cao. Chúng tôi đề nghị nên để thấp xuống cho phù hợp bởi vì đây là thứ tài nguyên tái tạo được, cho nên nếu biết xử lý tốt thì sẽ tốt hơn, chúng tôi muốn thứ gì không tái tạo thì nên có thuế cao hơn, còn tái tạo được thì nên dành cho người bảo vệ và phát triển rừng nhiều hơn nữa để họ tái tạo lại. Tôi xin hết.

Các văn bản liên quan